Wednesday, June 2, 2021

Một chữ “Diệc”


Danh nhân văn hóa Việt Nam Nguyễn Trãi có một bài thơ để tiễn một nhà sư bạn mình là tăng Đạo Khiêm về lại núi. Trong đó cụ viết :
Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn
Ký tằng giảng học thập dư niên,
Kim hựu tương phùng nhất dạ miên.
Thả hỷ mộng trung phao tục sự,
Cánh tầm thạch thượng thoại tiền duyên.
Minh triêu Linh phố hoàn phi tích,
Hà nhật Côn Sơn cộng thính tuyền ?
Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã,
Lâm kỳ ngã diệc Thượng Thừa Thiền.
送僧道謙歸山
記曾講學十餘年,
今又相逢一夜眠。
且喜夢中拋俗事,
更尋石上話前緣。
明朝靈浦還飛錫,
何日崑山共聽泉。
老去狂言休怪我,
臨岐我亦上乘禪。
Chúng ta hãy thử xem ông Đào Duy Anh và một ít tác giả trẻ hơn ông ĐDAnh khoảng từ 20 tuổi trở xuống dịch bài thơ ra sao nhé. Đặc biệt là câu :
“Lâm kỳ ngã diệc Thượng Thừa Thiền.”
Nhớ từng giảng học ngoại mười niên,
Nay ngủ cùng nhau một tối liền.
Những thú trong mơ quên tục sự,
Lại tìm trên đá nói tiền duyên.
Gậy bay Linh Phố đành mai sáng,
Suối hẹn Côn Sơn hẳn có phen.
Lẩm cẩm già rồi đừng lạ tớ,
Chia đường tớ cũng sẽ theo thiền.
Nguồn: Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976
Nhớ ngày dạy học quá mười niên
Nay được gần nhau qua một đêm
Vào mộng đẹp, nguôi trò thế sự
Lên non cao nhắc chuyện tiền duyên
Mai về Linh Phố hèo bay sớm
Hẹn viếng Côn Sơn suối hát rền
Lẩm cẩm già ngông, xin chớ lạ
Đến phiên tôi rồi cũng theo thiền.
(Lê Cao Phan)
Nhớ từng giảng học quá mười niên,
Nay lại cùng nhau ngủ một đêm.
Vừa thú trong mơ quăng thói tục,
Lại tìm trên núi kể tiền duyên.
Đò về Linh Phố chèo mai sớm,
Nghe suối Côn Sơn hẹn có phen.
Chớ trách ta già ngông lối nói,
Chia tay ta cũng sẽ tham thiền.
(Bùi Hạnh Cẩn)
Nguồn: Thăng Long thi văn tuyển, Bùi Hạnh Cẩn dịch, NXB Văn học, 2010
Nhớ từng dạy học hơn mười niên,
Nay lại gặp nhau trong một đêm.
Trong mộng hãy vui quên việc tục,
Lại tìm lên núi chuyện tiền duyên.
Chí Linh mai gậy sẽ bay đến,
Hẹn ngày cùng vọng Côn Sơn tuyền?
Già rồi lẩm cẩm đừng xem lạ,
Tu đạo rồi ta cũng Thượng Thiền.
(Lương Tr ọng Nhàn)
Tóm ý của các ông chúng ta đều thấy các ông này dịch câu thơ trên là:
Tới ngã rẽ rồi ta cũng sẽ theo thiền mà tu tập.
Thật là tèm nhem, hỏng bét. Điều đó chứng tỏ các ông đọc mà không hiểu gì về ý câu ấy, nghĩa của chữ “diệc”; cũng như cách đọc bài thơ của các ông, xin lỗi, nhưng phải nói : khiếm khuyết và thô thiển. Với một người mà Tâm thức và cách sử dụng ngôn ngữ thượng thừa (*) , nhất là trong cõi thơ Ức Trai mà mấy ông đọc như thế là quá bất cẩn.
Xin trưng dẫn hai lý do căn bản thôi :
1) Nghĩa chữ :
Chữ “diệc” (亦) có hai nghĩa :
a) cũng, cũng là : tức là một cái gì đó, một người, một việc cũng có đặc tính đó, hành động đó. Tiếng Anh tương đương là “too”, một trạng từ (adverb)
b) lại (cũng). Theo tự điển Thiều chửu và các từ điển khác, nghĩa nó chỉ một sự, một vật , một việc có thêm một đặc tính nữa (là) , ví dụ câu như ông Thiều Chửu đưa ra : “diệc tương hữu dĩ lợi ngô quốc hồ” 亦將有以利吾國乎 , tức lại cũng có lấy lợi nước ta ư ?. Tiếng Anh tương đương : ‘also' ( adverb). Tức là một sự , một việc , một nguời nào khác cũng có đặc điểm, đặc tính ấy. Hoặc có thêm đặc điểm, đặc tính ấy. That characteristic, feature, quality, “action” applies to another event, fact, thing, or person etc.
Vì thế câu thơ ấy dịch nghĩa chính xác, chân xác thì là:
Đến ngã rẽ ta cũng là thượng thừa thiền
chứ không phải là :
Tới ngã rẽ rồi ta cũng sẽ theo thiền mà tu tập.
Dịch như vậy là giết chết ý nghĩa bài thơ. Tố chất để tri ngộ, tri âm bị dìm chết theo cách diễn giải, dịch giải như vậy . This way of interpreting destroys the meaning and connotation of the poem. Hermeneutically, this interpretation sends the vital ingredients of the poem downstream to a lost region.
Ta có thể nhận ra đó là cách đọc mang nặng tính “vật thể hóa” sự kiện, tình tiết, cảm nhận bài thơ ( an objectivized way of reading a text), tức các ông ấy luôn phải liên tưởng, liên quan các sự kiện , tình tiết, cảm nhận v.v. của một bài thơ với các điều cụ thể mà quên đi tính cách biểu tượng,”nói ý” ( chưa nói tới việc “ý tại ngôn ngoại”), hay “trừu tượng” của ngôn ngữ, chữ nghĩa thơ. Một bằng chứng hiển nhiên khác , phần nhiều quý vị ấy đọc chữ “lâm kỳ” ra là “tới ngã rẽ” , chỗ chia tay. Chữ “kỳ” đó về nghĩa cụ thể thì cũng có nghĩa là một ngã rẽ của đường đi, nhưng chính yếu chỉ là nói tới chỗ rẽ, ngã rẽ , có thể là của tâm tư, tâm tình, tinh thần, quan điểm, nhận thức v.v., chứ không phải ngã rẽ đường đi.
Tôi đã kiểm chứng lại về nghĩa chữ “diệc” trong tiếng Hán ở nhiều tự điển, và như đã nói nó chỉ mang hai nghĩa trên. Nếu muốn làm tỏ nghĩa hơn nữa : có thể giải nghĩa là diệc nhiên [ (nó) cũng là thế].
Nếu muốn nói tôi sẽ tu , tập theo thiền, cụ Ức Trai đã viết rõ hơn thí dụ:
Lâm kỳ ngã diệc khởi hành thiền,
hay
Lâm kỳ ngã diệc diệu quy thiền, hoặc
Lâm kỳ ngã diệc phụng hành thiền, hay
Lâm kỳ ngã diệc khởi tu thiền
2) Nghĩa từ mạch văn (thơ)
Như đã nói trên cách đọc và hiểu của các vị nói trên là cách đọc “vật thể hóa”, nói theo kiểu đẩy đưa của M. Heidegger là lối đọc mang nặng tính “ontically”, trong khi đó với rất nhiều thi tứ, ý nghĩa , câu cú một bài thơ văn phải hiểu theo kiểu “ontologically”, tức ý biểu tượng, trừu tượng hay ý nghĩa hiện tượng luận về “bản thể” của chức năng ngôn ngữ. Vì thế phải đọc bài thơ nói trên trong mạch văn mà tác giả muốn diễn ý là :
Tới một ngã rẽ tôi cũng là thượng thừa thiền
Nếu đọc đủ, thâm nhập được cõi thơ và ngôn ngữ thượng thừa của cụ Nguyễn Trãi, điều này hiện ra “đủ rõ”, Các luận cứ khác để góp thêm sức cho cách đọc
Tới một ngã rẽ tôi cũng là thượng thừa thiền
là chính cuộc đời và hành trạng của cụ Nguyễn Trãi
Về mặt tri thức, nếu hiểu thêm về Thiền, về Tâm, nhất là “đất” Tâm ngời sáng, trăng Tâm vằng vặc của Nguyễn Trãi thì sẽ càng thấy rõ hơn : với thiền , với Tâm , Nguyễn Trãi đâu có xa lạ gì mà sẽ “phải” tu theo “đạo” thiền như các ông nói trên đã tưởng (bậy).
---
Ghi ký: Mục đích bài viết ngắn này không phải là để phê bình cách đọc, cách hiểu của các vị nói trên mà để khuyến cáo những người không đọc hiểu tiếng Hán, Hán Việt rành rẽ đừng hiểu lầm về cõi thơ thượng thừa của cụ Ức Trai.

Chân Huyền
June 2021
---

REF
https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Tr%C3%A3i/T%E1%BB%91ng-t%C4%83ng-%C4%90%E1%BA%A1o-Khi%C3%AAm-quy-s%C6%A1n/poem-yg1VDNAzKt7flR4lVTS7qw

No comments:

Post a Comment