Sunday, April 30, 2017

Không bao giờ quên ( Bảo Châu Kelley)


KHÔNG BAO GIỜ QUÊN!
Ngày 12 tháng 7 năm 1972 là ngày anh Ba của tôi đang được sinh ra đời nhưng ba của tôi không có mặt bên cạnh mẹ trong lúc vượt cạn tại bệnh viện Lê Hữu Sanh ở xã Rừng Cấm, quận Thủ Đức. Ba tôi đang bận lơ lửng trên không trung và chứng kiến chiếc máy bay số 21 phía trước chở đại đội chỉ huy của Thủy Quân Lục Chiến (không có tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đăng Hòa tự là Hòa Râu trên đó) bị trúng đạn của Việt Cộng cháy và rơi xuống...máy bay đang chở 2/3 đại đội 4, tiểu đoàn 1 Quái Điểu của ba tôi là Đại úy TQLC Trịnh Văn Thềm cũng bị bắn quá dữ cho nên phi công Mỹ phải đáp gấp xuống bờ sông thả mọi người xuống cách làng Bích La 2 km lúc 12 giờ trưa ở quận Triệu Phong.


blankBối cảnh của trận chiến khốc liệt này chính là vì lúc đó miền Nam đã mất Quảng Trị vào tay cộng sản Bắc Việt vài tháng rồi. Lệnh của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là thừa thắng xông lên và bằng mọi cách phải chiếm lại cho được Quảng Trị. Binh chủng Dù và TQLC luôn đánh cặp kè với nhau, người trên núi, kẻ dưới biển nhưng cũng không dễ gì đẩy lùi được lực lượng của cộng sản Bắc Việt. Quân đoàn 1 VNCH họp chín tiểu đoàn tác chiến lại và đã quyết định chọn Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu của TQLC để xông trận một mất một còn với cộng sản. Chiến lược rất táo bạo của TQLC là phải nhảy trên đầu địch tức là đổ bộ ngay trong lòng địch ở quận Triệu Phong. Vị trí chiến lược của nơi này là gần ngay cửa khẩu Cửa Việt, nơi Việt Cộng xâm nhập vào miền Nam và là điểm mấu chốt tiếp tế quân lương, đạn dược cho phe Việt Cộng. Chính vì vậy mà phía VNCH chưa đẩy lùi cộng sản Bắc Việt nổi. 

blank
Do vậy, Tiểu đoàn 1 Quái Điểu của binh chủng TQLC phải hy sinh để nhảy vào lòng địch nhằm cắt đứt nguồn viện trợ, cắt đứt mạch máu của quân đội Bắc Việt. Vì thế, phía VNCH đã gặp phải sự chống trả dữ đội và quyết liệt nhất của phe địch. Để đánh lạc hướng Việt Cộng, TQLC phải thông báo ngày ra trận giả và mời các phóng viên, nhà báo quốc tế và Việt Nam đến ở làng Điền Môn. Theo ba tôi nói thì đúng ra VNCH dự định đổ bộ ngày 11 tháng 7 năm 1972 nhưng máy bay do thám của Mỹ đã quan sát chiến trường và hỏa lực phòng không của Việt Cộng bắn rất dữ dội cho nên phải dời ngày đổ bộ sang ngày 12-7. Đến ngày đổ bộ thật sự thì 5 đại đội của tiểu đoàn 1 Quái Điểu đã có mặt tại bờ biển làng Điền Môn và sắp xếp đội hình chờ 33 chiếc máy bay từ Đệ thất hạm đội hải quân Mỹ bay vào đưa tiểu đoàn vô đổ bộ ở mặt trận Bích La. Sau khi chỉnh đốn đội hình xong thì Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân đứng trước hàng quân chúc mọi người sẽ chiến thắng. Kế đến là vị Lữ Đoàn Trưởng 147, Đại Tá Nguyễn Năng Bảo đã có lời chào gần như là vĩnh biệt với hàng quân. Đại Tá Nguyễn Năng Bảo nói rằng ra trận mạc lúc nào cũng có cái rủi và cái may nhưng chuyến đi này thì khả năng rủi ro là 10/10. Do vậy, ông yêu cầu mỗi người hãy nương cậy vào đức tin của riêng mình mà có lời cầu nguyện.

Làng Bích La là nơi mà Đại đội 4 là đại đội TQLC đầu tiên được đổ độ từ máy bay xuống trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 để tái chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị. Mặt trận chính là làng Bích La tức là quê hương của Việt Cộng Lê Duẩn và cuộc chiến rất ác liệt đã xảy ra tại đây. Nhưng vì đại đội ba tôi bị buộc phải đổ bộ lẻ loi cho nên phải tự chiến đấu với sự yểm trợ của pháo binh và hải quân của Mỹ từ xa cho đến khi hội ngộ được với Tiểu đoàn 2 Trâu Điên TQLC hơn mười ngày sau đó.

Sau khi đổ bộ xuống thì đại đội 4 của ba tôi bị mất liên lạc cả tiếng đồng hồ với bộ chỉ huy vì những người lính truyền tin bị thương, máy móc bị hư hỏng và đại đội chỉ huy đang phải bận chống trả quyết liệt với cộng sản Bắc Việt tại làng Bích La. Trong khi đó thì đại đội ba tôi cũng đánh nhau với Việt Cộng tới tối. Sau khi nối liên lạc được thì ngày hôm sau, đại đội ba tôi nhận được lệnh cấp trên là phải đi kiếm chiếc máy bay đã bị bắn rơi và cứu những người nào còn sống sót. 

blank
Ba tôi cử Đại đội phó Thiếu Úy Nguyễn Linh Thánh dẫn đầu trung đội đi tiền đồn đến khu vực máy bay bị bắn rơi. Sau khi tìm kiếm thì chỉ thấy xác máy bay, bao quân trang và xác người chết nhưng không thấy người Mỹ hay người VNCH nào sống sót cả. Trong số những người đã chết thì không có ai là người Mỹ. Họ vòng về báo cáo thì nhận được lệnh là phải đi tìm ra cho xác những người Mỹ hay phải tìm ra họ nếu họ còn sống sót. Lệnh nhấn mạnh rằng phải kiếm cho ra xác hay phải cứu cho được những người Mỹ này thì Đệ thất hạm đội hải quân Mỹ mới yểm trợ cho trận chiến. Trung đội đi tiền đồn do Đại đội phó Thiếu Úy Nguyễn Linh Thánh vòng trở lại khu vực đó lần nữa và lần này ba người Mỹ mới ra khỏi nơi họ đang ẩn núp. Bởi vì lần trước họ thấy trung đội tiền đồn nhưng tưởng rằng đây là Việt Cộng nên họ trốn. Sau đó, trung đội tiền đồn mở rộng tầm tìm kiếm thì mới phát hiện ra thêm được một vị bác sĩ VNCH là ông Nguyễn Văn Hoàng và một thượng sĩ VNCH tên là Chính. Những người trên chiếc máy bay số 21 đã hy sinh gần hết ngoại trừ năm người bao gồm ba người Mỹ và hai người của QLVNCH. Quần áo của những người Mỹ này bị cháy trụi. Họ gần như là trần truồng cả và trung đội tiền đồn đã đưa họ về nơi đóng quân. Họ rất đói khát và nhờ trung đội tiền đồn tìm thấy rất nhiều thực phẩm, thức uống từ bao quân trang nơi máy bay bị bắn rơi cho nên đã cho họ ăn uống đầy đủ. Ngay đêm đó thì hải quân Mỹ được thông báo và họ đưa máy bay vào bốc 3 người Mỹ và vị bác sĩ bị thương ra khỏi khu vực. Sau đó, bác sĩ Trung Chỉnh đã được điều ra mặt trận Quảng Trị để thay thế vị bác sĩ Hoàng đã bị thương này.

Vị Lữ Đoàn Trưởng 147, Đại Tá Nguyễn Năng Bảo đã nói là sẽ có rủi nhiều may rất ít và quả là đúng như vậy. Bởi vì đúng ra là Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn 1 Nguyễn Đăng Hòa đã ngồi trên chiếc máy bay chỉ huy bị bắn rơi. Nhưng ba tôi nói rằng phía Mỹ đã yêu cầu ông Hòa nên ngồi trên một chiếc máy bay khác chỉ chở có 20 người để lên xuống cho dễ dàng. Người cố vấn Mỹ đi cùng với ông Hòa cũng bị bắn vào bụng và ruột bị lòi ra ngoài nhưng ông không chết. Bản thân ông Hòa cũng bị thương nhưng vẫn có thể chỉ huy trận đánh được. Đó là những cái may mắn cho phía VNCH của chúng ta.
blank
Ba tôi nói là hỏa lực phòng không của Việt Cộng ở khu vực này rất dữ dội cho nên máy bay Mỹ không có dám bay cao mà chỉ bay là đà trên các ngọn cây mà thôi. Trong 33 chiếc máy bay tải quân và lương thực thì đã có 29 chiếc bị trúng đạn của Việt Cộng, 2 chiếc bị bắn rơi, 1 chiếc bị bắn cháy trên trời và rơi xuống là chiếc số 21 và chiếc còn lại số 22 thì đáp gấp ở bờ sông. Xui rủi là cái máy bay chỉ huy còn phải chở một bao quân trang to kềnh và nặng cả 2 tấn dưới bụng. Cho nên máy bay chỉ huy di chuyển rất khó khăn, chậm chạp và vì vậy mới bị trúng đạn của Việt Cộng. Trên chuyến bay đó có chở một đại đội chỉ huy tức là không phải đại đội tác chiến cùng với một trung đội địa phương quân, truyền tin, công binh và nhiều vũ khí, đạn được, quân trang. Xui rủi là máy bay số 22 đang chở 2/3 đại đội của ba tôi bị bắn quá dữ cho nên phi công Mỹ đã phải đáp gấp máy bay xuống bờ sông gần cầu Ba Bến. Sông này là một nhánh của dòng sông Thạch Hãn và địa điểm này nằm sát nách với cổ thành Quảng Trị. Bụng chiếc máy bay số 22 thì nằm trên đất còn phần đuôi thì ở dưới nước. Do đó, mọi người phải nhanh chóng thoát ra khỏi máy bay và lội sông vào bờ để máy bay rút đi. Cũng may là Việt Cộng chưa hay biết ngay sự hiện diện của đại đội 4 vì đây không phải là mục tiêu dự định đổ bộ của TQLC. Cho nên đại đội ba tôi mới có thời gian chiến đấu lẻ tẻ ban ngày rồi kiếm chỗ đóng quân. Tới tối thì Việt Cộng mới rõ là có đại đội VNCH ở đây vì vậy chúng đã điều chiến xa tới để dập nơi đóng quân. Nhưng Việt Cộng chưa xác định được chính xác địa điểm đóng quân của đại đội thì đã bị ba tôi gọi viện trợ pháo binh dập và nướng cháy 2 chiếc xe tăng của tụi nó. Tuy xui rủi bị đổ bộ lẻ loi nhưng cũng nhờ vậy mà đại đội của ba tôi mới cứu được những người Mỹ còn may mắn sống sót. Bởi vì đâu có ai ở gần địa điểm này và càng không dễ gì di chuyển dưới làn pháo đạn khủng khiếp của bọn Việt Cộng đã làm ổ vài tháng nơi này.

Nếu như đại đội ba tôi không tìm ra những người Mỹ này thì họ có thể mất tích trong tù cộng sản hay mất xác hỏng chừng? Chưa kể là phía Mỹ đã biết người của họ còn sống mà phía VNCH không cứu được thì họ đâu có chịu yểm trợ cho chúng ta đâu? "Leave no one behind" là tiêu chí của quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ không bao giờ chịu bỏ rơi bất cứ đồng đội nào của họ cả. Người VNCH của chúng ta cũng vậy. Chúng ta không bỏ rơi đồng đội của mình trong tim...chúng ta vẫn luôn nhớ đến họ...và làm mọi cách để giúp đỡ đồng đội của mình trong âm thầm lặng lẽ...hay công khai ngoài kia...đó là lý do 42 năm sau...chúng ta vẫn KHÔNG BAO GIỜ QUÊN THÁNG TƯ ĐEN!

New Hampshire, Saturday April 29, 2017
Bảo Châu Kelley từ Level 5 Media.


(Tác giả ghi chú: kính nhờ chuyển tiếp thông tin đến quý đồng hương giùm. Xin cám ơn! Bảo Châu)
 
https://vietbao.com/a267061/khong-bao-gio-quen-

---

summary translated by LHN

A little piece of history on 7/12/1972 at Quảng Trị during the Summer of (Hell) Fire 1972 told by Bao Chau Kelley from Boston
B C Kelley's father was a company officer , under the command of the well-known brigadier general Bui thế Lân at the time. He and his company were brought into the battlefield that day in a strategy to win back the city of Quang Tri, which at the time was under heavy attack and encirclement from the North VN troops. The very bold and dangerous tactical maneuver was to drop Vietnamese marines by air to charge right in the middle of the enemy's stronghold in Trieu Phong, near Cua Viet seaport to drive them out with help from the artillery force. This post was partially controlled by Vietcong and an important place for them to receive their foods, ammunition and supplies. In that effort of the day, 29 out of 33 airplanes from the US 7th fleet received some shots from Vietcong air 'defense'. They fortified this stronghold with advanced air defense artillery and heavy shooting. One fell down , which was the #21, with 5 surviving : three Americans and 2 Vietnamese, one a Vietnamese doctor. That's all who survived the wreckage. After some fighting, on the next day 7/13/1972, the company received the order to look for the five missing men. Again, after much fighting and under heavy artillery from both sides, the group of Kelley's father was lucky enough to find the five men and saved them, otherwise the men could have been killed, or captured by Vietcong. The three Americans, and the wounded doctor were then airlifted out to get some treatment.

Five were saved out of approximately one third or two thirds ( 20 to 40 members) of a company from the plane. Quite a lucky ending for these men in the shot down plane.

Friday, April 21, 2017

Tưởng nhớ Nguyên Sa tháng tư

Bay đi chim bay đi

Cho trả chiếc mũ phở 
Cho trả nắm bùi nhùi 
Cho trả hai cục gạch 
Gắn trong mớ bùi nhùi 
Đóng vai trò con mắt 
Cho trả luôn cái cây 
Đứng theo tư thế dọc 
Cho trả luôn cái cây 
Đứng theo tư thế ngang 
Mặc chiếc áo vét cũ 
Ngực áo có huy chương 
Hai tay đưa hai bên 
Bên có chuông thánh thót 
Bên có khánh ngân vang 
Bên có tấm bảng nhỏ 

Bay đi chim bay đi 
Bên có tấm bảng lớn 
Bay đi chim bay đi 
Bảng ở chỗ gặp nhau 
Của thân cây thập tự 
Ở đúng chỗ gặp gỡ 
Bùi nhúi và áo vét 
Chỗ có tên là cổ 
Dòng chữ đã phai nhòa 
Thượng đế vẫn còn sống 
Thượng đế đã chết rồi 
Những chữ và những chữ 
Cho trả lại những chữ 
Cho trả lại những bảng 
Trả lại chuông và khánh 
Bùi nhùi và mũ phở 

Bay đi chim bay đi


Tương tư

Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?

Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương

Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa

Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghê thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em

Nguồn: Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971

Em gầy như liễu trong thơ cổ


Em ốm nghe trời lượng đã hao 
Em ngồi trong nắng mắt xanh xao 
Anh đi giữa một ngàn thu cũ 
Nhớ mãi mùa thu bẽn lẽn theo 

Anh nhớ em ngồi áo trắng thon 
Ngàn năm còn mãi lúc gần quen 
Em gầy như liễu trong thơ cổ 
Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường 

Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng 
Có trời lau lách chỗ hư không 
Em tìm âu yếm trong đôi mắt 
Thấy cả vô cùng dưới đáy sông 

Anh nắm tay cho chặt tiếng đàn 
Tiếng mềm hơi thở, tiếng thơm ngoan 
Khi nghe tiếng lạnh vào da thịt 
Nhớ tiếng thơ về có tiếng em.

Paris có gì lạ không em


Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim 
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

Em có đứng ở bên bờ sông?
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng

Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
Mỗi lần tan một chút suơng sa
Bao giờ sáng một trời sao sáng
Là mắt em nhìn trong gió đưa...

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay

Anh sẽ chép thơ trên thời gian
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
Vì em hay một vừng trăng sáng
Đã đắm trong lòng cặp mắt em?

Anh sẽ đàn những phím tơ trùng
Anh đàn mà chả có thanh âm
Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ
Để lúc xa vời đỡ nhớ nhung

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?...

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Bài hát Cửu Long

Có gì đâu em: có một đoàn người
Có một đoàn người góp sức góp vai
Cùng rủ nhau về góp một thành hai
Những bước chân góp đi làm đến!
Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!
Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen
Góp những giọng hò làm trống ngũ liên
Góp những bàn tay dựng thành đại hội
Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với
Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung
Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm...
Để sáng ngày mai làm sông làm biển 
Có gì đâu, có một đoàn người
Bên bờ Cửu Long gõ nhịp
Cả giòng sông gõ nhịp vịn bờ sông
Họ rủ nhau về sương gió vui chung
Dù có phút nước mắt chạy quanh
Hay miệng cười hớn hở
Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đệ
Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam
Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang
Nhưng dù má bừng lửa cháy
Trán đổ mồ hôi
Họ cùng không đóng cửa mừng vui
Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười
Không phải khóc
Một đời người tầm gửi
Nhớ không em?

Nhớ không em
Họ gặp nhau
Chờ nhau
Đón nhau
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Hội lòng người như nước nguồn xối xả
Mưa trường thiên chảy ứ trào thơ
Mưa đời người trôi cả nghĩa bơ vơ
Để lòng chúng mình
Và mạch máu Đồng Nai
Đập cùng một nhịp

Anh biết rằng:
Có người khóc vì mừng vui ước hẹn
Có người cười vì tủi cực phôi pha
Anh biết nói làm sao
Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà
Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh
Anh biết nói làm sao
Khi họ gặp nhau (anh đã bảo em)
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Vẫn tiếng sóng về nước chảy triền miên
Vẫn Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Giòng sông dài dữ dội bản trường ca...
Phải, giòng sông dài dữ dội bản trường ca
Nên sông đã về làm tràn đầy mắt biển
Sông đã về rửa trắng lòng anh
Đợi từ chín kiếp giao thừa
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa giòng sông
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa ngày mùng một Tết...

Nguồn: Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971



Thơ xuân

Thơ xuân áo vàng 
Mùa xuân em mặc áo vàng, 
Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay. 
Em vừa xoay nhẹ vai gầy, 
Nhìn coi vũ điệu vào đầy giấc mơ. 
Nhìn coi chỗ cuối bài thơ, 
Nụ hôn màu đỏ trời cho rượu đào. 
Anh nhìn em mới bước vào, 
Nhìn xuân, xuân cát tiếng chào đầu năm. 

Thơ xuân áo xanh 
Mùa xuân em mặc áo xanh, 
Biển thu mình lại dưới cành lá nâu. 
Bướm vàng cột tóc mái sau, 
Cám ơn em đã mang màu cho xuân. 
Cuộc đời dẫu có phù vân, 
Ở trong mây nổi có phần thiên thu. 

Thơ xuân áo tím 
Trời sang trước, núi sang sau, 
Tranh nhau gõ cửa lúc đầu sớm mai. 
Ta chưa kịp hỏi coi ai, 
Ðã nghe tiếng biển reo vui rộn ràng. 
Thơ xanh, thơ trắng, thơ vàng, 
Giục nhau cất tiếng mừng em đã về. 
Trong vũ trụ có sao tua, 
Em khoe áo tím. trời vừa sang xuân.

Bài thơ ngắn

Anh làm một bài thơ ngắn
Riêng cho em
Để xóa một câu chuyện tầm thường:
Những đời người đã cũ!

Vì tất cả những gì nguyên lành
Đều xây trên một chút gì đổ vỡ

Nên anh chỉ bảo em:
Những câu hỏi
Tất cả tại sao
Vẫn có một vì sao lòng mình không đến được

Và những câu hỏi
Tất cả tại ai
Vẫn chỉ có nghĩa là tan vỡ!...

Nên anh chỉ làm bài thơ rất ngắn
Bài thơ rất nhỏ
Của đôi mắt khẩn cầu:
Em đừng rút bàn tay em
Ra khỏi bàn tay anh
Như người ta rót hết nước chè
Để lại chiếc ấm không trong một lần ấm rỏ!

Dù quanh chúng mình chỉ là những hàng rào đố kỵ
Giữa một đêm không trăng
Giữa một lòng chiều không đáy
Em đừng khóc làm gì
Cho nước mắt vu vơ
Dù đôi tay buông xuống
Chúng mình vẫn tin tưởng
Chúng mình vẫn say sưa
Chúng mình vẫn nhìn vào mắt nhau
Để mở một chân trời rất rộng...

Nguồn: Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971




Sám hối
Khi nắng mở cửa một bầu trời nạm bạc,
anh sẽ trở về trên con đường không có mùi cỏ ải
mà chỉ có nắng vàng hanh.

Anh sẽ trở lại bên em - mà cúi đầu - mà quỳ gối -
mà nghe rụng trong lòng ánh sáng hành tinh.

Anh sẽ quỳ gối bên em nhưng không dám nói chuyện trần gian.

Anh không dám kể lể dài dòng như một người giang hồ
nói với người giang hồ về những chuyện quê hương.

Anh chỉ dám dâng em chút ít đớn đau với nỗi niềm sám hối.

Nỗi niềm của một kiếp người đã nhiều tháng ngày ngồi trong ngõ tối.

Anh đã ngồi im không nói: anh chỉ còn là gã kép già
quanh năm khát nước vì suốt cả đời người
hò hét một bản sàng sê.

Suốt cả đời người anh đã chờ đợi tin yêu:
lửa đến từ những cửa ngõ cuộc đời đã đốt cháy
mười đầu ngón tay bằng những khối nhựa đường nóng bỏng.

Từng hy vọng đã bay theo từng hy vọng.
Không biết có phải vì nhát cuốc tháng ngày
đã phạt cỏ đùa chơi?

Nên anh đã ngồi im. Phải, anh đã ngồi im
để nghe những nụ cuời thông phong vỡ rạn trong lòng anh.

Anh không dám nhắc đến cuộc đời xa cũ.
E sợ rằng lời lẽ chua cay sẽ biến thành bốn con ngựa già
kéo linh hồn anh chạy về bốn phía chân trời
trong những ngày giá lạnh.

Anh cũng không dám khóc. Nước mắt em ơi, đã đóng đinh
vào lòng bàn tay anh và linh hồn dớm máu...

Anh chỉ ngồi nhìn sao khuya rung động.
Nghe bờ môi tát cạn nhưng hơi thở yếu dần.

Anh chỉ dám nghĩ rằng: sao bao nhiêu năm tháng qua
không từ bỏ cuộc đời đi làm hoà thượng. Ðể những ngày
tu đắc đạo sẽ làm búa sẻ rừng, làm sông chở gỗ.
Củi đem về chất ở sân chùa mà làm lễ hoả thiêu.

Sao lại sống để buồn nôn khi nhìn cuộc đời mặc cả tình yêu.

Ðể cả ngày mai khi hai tay buông xuôi
còn phảng phất u buồn trên mi mắt...

Nguồn: Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971



Đám tang Nguyễn Duy Diễn


Diễn đã chết, Diễn đã chết
Chúng tôi nhảy múa hò reo
Như người người da đen
Chúng tôi nhảy múa hò reo
Thế là nó thoát, thế là nó thoát
Thế là nó thoát, đúng rồi, thế là nó thoát
Thoát khỏi ngủ, thoát khỏi ăn, khỏi thở
Khỏi đêm, khỏi ngày, khỏi tháng, khỏi năm
Khỏi chờ, khỏi đợi
Khỏi nhìn tình ái đội nón ra đi
Khỏi hy vọng ban mai, khỏi buồn thiu buổi tối
Thế là nó thoát, thế là nó thoát
Khỏi phải đi, khỏi phải đứng, khỏi phải ngồi
Khỏi bốn mươi giờ dạy học mỗi tuần
Khỏi viết ban đêm, khỏi đến nhà in buổi sáng
Hào quang danh vọng thả trôi sông, này nhìn vai nó nhẹ
Chiếc lưới mở rồi, thế là nó thoát anh em ơi...
Chiếc lưới mở ròi, thế là nó thoát
Khỏi phải nhìn, khỏi phải nghe, khỏi phải thấy
Những sự dơ bẩn và mặc,
Và mặc
Những thằng ghen tuông, những thằng chụp mũ
Những thằng ăn không nói có
Đã chém toàn quốc nát bầm hai vai
Thế là nó thoát, thế là nó thoát
Cuồng lưu dằn vặt đã trôi đi
Khỏi phải nghĩ, khỏi lo âu, sợ hãi
Sự thật có phải bao giờ cũng tối như đêm
Tình ái có phải suốt đời là canh bạc lận
Lịch sử, rút lại, có phải là thằng mù sờ soạng
Ném tất cả rồi, ném xuống biển sâu
Này nhìn hai vai nó nhẹ
Chiếc lưới đã mở rồi
Thế là nó thoát anh em ơi...

Nguồn: Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Nam Chi xuất bản, 1970




A Tỳ


Kinh dị ngày và kinh dị đêm 
Hoàng hôn lạnh cóng tứ chi mềm 
Mấy cành củi mục trôi về biển 
Ngang cửa A Tỳ thấy chốn quen 

Cứ tưởng mưa xong có nắng vàng 
Tới sông tìm mãi chuyến đò ngang 
Bỗng nhìn thấy ở trong lưu lạc 
Có ngọn lưu đày chỗ cuối đêm 

Cánh cửa ngang qua thế giới buồn 
Tống biệt hồng sang tống biệt đen 
Em mang điệp khúc về đâu đó 
Ta tưởng chừng như giã biệt em 

Chết một ngàn năm chắc phải sầu 
Nhưng này thương nhớ lúc xa nhau 
Mịt mù nhân thế trôi biền biệt 
Giữa vị sầu nghe có vị đau.




Bây giờ



tặng Thái Thuỷ

Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa

Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực
Phải vác theo trăm tuổi đường dài
Nên có gửi cho ai vài giọng nói
Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi

Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc
Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao
Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét
Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào

Năm ngón tay có bốn mùa trái đất
Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân
Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng
Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn

Chúng tôi chót ngẩng đầu nhìn trước mặt
Trán mênh mông va chạm cửa chân trời
Ngoảnh mặt lại đột nhiên thơ mầu nhiệm
Tiếng hát buồn đè xuống nặng đôi vai

Nguồn: Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971




Cảm tạ

tặng TỪ, GIAO và UYÊN

Nhìn trên vai có đôi cánh huy hoàng
Tôi cám ơn em đã khoác đôi vòng tay tình ái

Hỡi mặt trời hãy cám ơn đôi mắt
Trong đêm khuya vẫn giữ hộ bình minh

Những cánh rừng quên mất mặt xuân
Những chân nai đi tìm tay cỏ biếc
Những mắt sóng vỡ trên thung lũng biển
Những đảo buồn chìm trong im lặng xanh
Những thuyền sao chạy lạc trong đêm
Hãy cám ơn nụ cười và đôi mắt

Vòng môi nhỏ nuôi trăng trong nhịp thở
Bầu ngực căng ấp ủ lộc đêm khuya
Tìm theo tay đưa dẫn nhựa về hoa
Tóc thổi gió vào giữa hồn lộng nhạc

Buổi ban mai hãy cám ơn loài chim kỳ lạ

Tôi cám ơn em và cảm tạ cuộc đời
Đã đưa tôi về cặp mắt đen to

Đưa tôi lên rừng tinh tú chín tầng thơ
Mà tôi đã bỏ quên trong giấc ngủ

Nguồn: Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971




Di chúc



Có một đêm tỉnh giấc
Tôi thấy cần viết nên một tờ di chúc
Của một người sống giữa cuộc đời
Mà chỉ là một gã giang hồ cắm trại

Đốt lửa bằng thơ
Tôi ca, tôi hát
Nhưng khi những người thích ngao du
Đến xin cùng nhập bọn
Tôi vẫn khước từ

Có cả những người con gái
Đến bảo tôi yêu
Tôi cũng vẫn khước từ

Làm thế nào được?
Tôi chưa già nhưng cũng không còn trẻ
Tôi chưa cằn cỗi
Những cũng không còn là một gã trai tơ
Có trăng, hoa, chim, bướm thì tôi làm thơ
Nhưng vẫn không quên
Chỉ là hiện thân của một người tử tù
Có gục đầu nhìn cuộc đời
Cũng chỉ như nhìn khung cửa nhà giam
Vẫn có một chút trời xanh
Nhưng rất nhiều đơn độc

Sẽ có một buổi ban mai
Mắt vẫn mở to
Mà lòng không thỏa đáng
Miệng không thể hát ca những lời hoan lạc
Tôi nhổ neo:
Tôi chỉ là người nhân ngãi của cuộc đời
Sống bên nhau không bao giờ hôn thú

Tôi đến đây không ai mời
Cũng mong rằng: đi đừng ai giữ
Có nhớ, có thương
Có tạc nên tượng hình bằng đá trắng, đồng đen
Cũng đừng bày giữa những sân trường đại học
Đừng bày giữa những công trường
Xin nhớ để giùm ở một góc công viên
Để những đêm khuya
(rất khuya)
Tôi nhìn mặt trăng soi gương
Và ngắm những người yêu nhau tình tự.

Nguồn: Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971




Có phải em về đêm nay

Có phải em về đêm nay
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngỏ
Ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh

Có phải em về đêm nay
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Cho lòng anh trở lại với lòng anh
Như lá vàng về với lá cây xanh
Trong những chiều gió đưa về cội

Có phải em về đêm nay
Để phá tan
Những nụ cười thắt se sầu tủi
Như anh vẫn cười mà đau đớn bao nhiêu
Không biết đời người có đưa đến tin yêu
Những ngón tay có đưa đến bàn tay
Những mùa thu có đến gió heo may
Hay ngày mai là bốn bề tuyết lạnh

Có phải em về đêm nay
Giữa lòng chiều tím lặng
Cho anh đừng tìm thấy
Đo đếm thời gian
Bằng những điếu thuốc lá tắt trong đêm
Đầu gối trên cánh tay
Để giấc mơ đừng tẻ lạnh

Em đừng trách anh đã quá lo âu đời người hiu quạnh
Làm thế nào khi lòng mình nứt rạn cơ em
Dù không muốn gục ngã trong đêm
Nhưng đã bao lần đêm khuya
Anh không biết đã làm thơ
Hay đã chọn âm thanh làm độc dược
Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
Đến ngại ngùng dù nắng dù mưa
Sao em không về
Để dù nắng dù mưa
Dù trong thời gian có sắc mầu của những thiên đàng đổ vỡ
Anh vẫn chăn chùm kín cổ
Ngủ say mềm
Vì lòng anh (em đã biết)
Có bao giờ thèm khát vô biên
Có bao giờ anh mong đừng chết - dù để làm thơ
Nên tất cả chỉ vì yêu em
Và làm thơ cho đến chết

Em sẽ về, phải không em
Có gì đâu mà khó khăn, trắc trở
Chúng mình lại đi
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Là những đồn phòng ngự của tình yêu
Mỗi ngón tay em
Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
Và anh sẽ trở lại nguyên hình
Một anh chàng làm thơ
Mà suốt đời say rượu cúc

Có phải em sẽ về
Dù bầu trời ẩm đục
Hay bầu trời trang điểm bằng mây
Anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay
Trong những chiều gió thổi

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc thành bài hát cùng tên. 

Nguồn: Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971




Hãy đưa tôi ra bờ sông 
Ðể tôi nhìn cho rõ 
Tôi nhìn giòng nước chảy 
Tôi nhìn tôi bơ vơ 
Nhìn bờ sông tìm bờ sông bên kia 
Khi lòng sông gặp biển 
Hãy đưa tôi ra bờ sông 
Ðể tôi nhìn tôi hò hẹn 
Rồi tôi rủ tôi quên 
Quên giòng nước chảy 
Quên thời gian trôi 
Bằng bước chân giòng sông 
Không để lại gì trên cát 
Tôi rủ tôi quên 
Cả giòng sông trôi 
Bằng bước chân phù sa 
Không để lại gì 
Trừ một người bơ vơ 
Ðã xây nhà bên bờ sông đất lở...




Khép


Khi cuốn sách được viết đến dòng cuối sau bao nhiêu cố gắng, kẻ viết bỗng cảm thấy tự thâm tâm dâng lên niềm vui thú vì không hiểu có sự kỳ diệu nào đã đẩy kẻ viết “kinh qua” những trở ngại thực tế thường khó vượt nổi.

Trong những giờ, những ngày tận của một năm sắp tàn, trong cái không khí khuấy động của đồng tiền gieo mạnh vào canh bạc đời, trong nỗi lo lắng chạy dài theo mỗi hình thể “lô-xô-bào-ảnh”, trong niềm băn khoăn giày vò tâm cảm do ngoại cảnh đưa tới, trong cái bâng khuâng không biết ngày mai việc gì sẽ đến, trong sự nghi hoặc làm rã rời ý nghĩ, trong miếng cơm manh áo với thân phận con người chẳng khác gì một sinh vật phải lệ thuộc vào một khung cảnh nhàm chán mà không có quyền chối bỏ.

Tập bản thảo nằm tênh hênh trên mặt bàn viết như một tội tình. Nó đấy. Nó là kết quả của những đêm mất ngủ, của những ngày đánh lạc thời gian bằng suy nghĩ. Nhưng nó có đây để làm gì, câu hỏi đó không thành vấn đề.

"Em yêu? Hôm nay mùa Xuân đã về rồi đây ư? Mùa Xuân, mùa Xuân, những ngày của trời cao và xanh thẳm, với những ân tình bay đi như từng cánh chim di thê trở về rừng cũ, với màu hoa sắc lá dạt dào thêm nhịp luân hành vũ trụ, với môi cười khoe ngọc lưu ly, và còn gì nữa, em yêu?"

Còn chứ, còn tiếng chim kêu đầu cành, còn cơn gió nhẹ thổi rơi dăm chiếc lá vàng, còn mùi hương thoảng nhẹ giữa không gian, còn ánh trăng suông lọt qua khuôn cửa lúc nửa đêm về sáng, còn cái nhìn đắm đuối, còn môi cười e ngại, bấy nhiêu xảy ra một cách tự nhiên và bình thản nhưng, đối với nghệ sĩ đó là những dấu hiệu, những chứng cớ để buộc họ vào một khung cảnh, một vị trí đích thực mà họ phải suy nghĩ về sự giao thoa giữa con người và sự mầu nhiệm của Tạo hoá.

Sự mầu nhiệm của Tạo hoá chẳng những làm đổi thay từng giá trị mà còn làm cho vạn vật chuyển mới luôn luôn, con người không thoát khỏi sự “hoá kiếp” từ từ và tàn nhẫn đó. Mới hôm nào, anh em quây quần cười cợt coi đời bằng “nửa khoé mắt”, tự vỗ ngực “tương lai là của chúng ta” mà nay nhìn lại, mái tóc đã bạc phơ, vóc dáng xô lệch đường năm tháng, ngó nhau với những tia mắt não nề để cười lên tiếng cười ngắt đoạn. Lần lượt rồi lần lượt tiếp nối kẻ trước người sau mãi mãi. Do đó, những câu nói đầu môi bao giờ cũng là: ngày trước… chúng mình…

Phải rồi, ngày trước, những ngày xa xưa của tuổi trẻ khi chợt bắt gặp qua-người-khác, làm cho gợn lên trong lòng một thoáng buồn, cái buồn tuy không đau nhưng man mác như mặt đại dương một sáng êm trời có những đợt sóng mơn man bờ cát. Nhưng cuộc sống đâu có giản dị như vậy, nó hiện diện với những ước lệ bắt con người phải chấp nhận từng nỗi vui buồn, nỗi vui buồn đó, nghệ sĩ không giữ lại làm của riêng tư mà phải đem trình bày để hình thành nghệ thuật.

Nghệ thuật chẳng là gì cả nếu nó không chứng minh được sự huyên náo trong lãnh vực chuyên môn để vượt thoát luật đào thải của tiến hoá. Bởi vậy, nói đến nghệ thuật là nói đến cái gì vĩnh viễn xuyên qua mọi ý thức, mọi không gian và thời gian.

Kẻ viết tự vỗ về bằng ảo giác cho no đầy hy vọng.

Mùa Xuân năm Canh Tuất 
(Tháng 2-1970) 

Nguồn: Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Nam Chi xuất bản, 1970






Lúc chết

Anh cúi mặt hôn lên lòng đất 
Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng 
Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không 
Ðôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh 

Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh 
Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời 
Em có ngồi mà nghe gió thu phai 
Và em có thắp hương bằng mắt sáng? 

Lúc ra đi hai chân anh đằng trước 
Mắt đi sau còn vương vất cuộc đời 
Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai 
Thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi 

Ðôi mắt ấy đột nhiên buồn không nói 
Ðột nhiên buồn chạy đến đứng trên mi 
Anh chợt nghe mưa gió ở trên kia 
Thân thể lạnh thu mình trong gỗ mục 

Anh chợt ngứa nơi bàn chân cỏ mọc 
Anh chợt đau vầng trán nặng đêm khuya 
Trên tay dài giun dế rủ nhau đi 
Anh lặng yên một mình nghe tóc ướt 

Nằm ở đấy, hai bàn tay thấm mệt 
Ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài 
Những bài thơ anh đã viết trên môi 
Lửa trái đất sẽ nung thành ảo ảnh




Lục Bát Tình

Tác giả: Nguyên Sa
. Hỏi Han

hỏi cây, cây bảo hỏi rừng
hỏi em, em bảo anh đừng hỏi em
chỗ này thành phố không quen
hỏi trăng đất lạ, hỏi tên xứ người
ở trong trí nhớ đổi rời
tên hoa mất dạng, tên đời vắng không
trong trí nhớ có dòng sông
hỏi em có thấy một vòng tay anh ?


. Thi Sĩ Qua Mỹ Làm Thợ Ðiện

ta vô dòng điện hai chiều
xẹt ngang cũng đủ cháy vèo thịt da
em nằm ngay chỗ điện ra
chỗ đuôi con mắt đèn hoa muôn màu
nghề thơ anh bỏ đã lâu
gặp em sao nhớ nhung đầu giây xưa ?

. Cuộc Chơi

em đừng phá bỏ cuộc chơi
khúc sông quẹo gắt, khúc đời quanh co
em về để nữa mẹ lo
chỗ anh lưu lạc đợi chờ không sao
tiếng chiều trên ngọn phi lao
giọng ca em gởi đã vào trong tim
khi về nhớ ghé ngăn trên
miệt tâm thất trái đường lên huyệt đạo Âm Nhạc

em thơm mùi bưởi da vàng
ngồi trên đĩa nhạc âm toàn Viễn Tây
quần jeans một miếng thịt đầy
anh ăn nhạc sống mấy ngày hoang mang
sáng ra nụ cải bông vàng
nhớ em thay áo trên giường đầy hoa



Đêm mưa có chỗ bất ngờ 
Chỗ thêm ấm áp chỗ thờ phượng nhau 
Mai về mẹ hỏi đi đâu 
Đắp chăn chùm kín ngang đầu nghe em 
Thiên đường có chỗ màu đen 
Anh nằm nghe thấy vẫn còn tiếng mưa 
Tiếng trời gõ nhịp tiếng trưa 
Tiếng cho sâu thẳm tiếng khuya tuyệt vời