Saturday, July 28, 2018

Sau này thường nhớ...(LHNam)

Sau này lại thường nhớ những câu thơ mộc mạc, ít bay bướm bướm bay, văn hoa, 'đằng vân giá vũ' của Bùi Giáng hơn những bài thơ 'phiêu bồng tam muội'; hay bớt trúc trắc, kiểu cọ, ngang nghịch Thanh Tâm Tuyền như các bài trong "Thơ Ở Đâu Xa"

---

Bùi Giáng:

Hoàng Hoa
Hoàng hoa em ở lại nhà
Bên sông cố quận chiều xa mơ màng
Chớ đi em sợ nỗi buồn
Chớ về em sợ những lần đi qua
Hoàng hoa em ở lại nhà
Những lần gặp gỡ một tòa rộng thênh.
---
Thơ Láng giềng
Cái quần , cái áo là bao
Giá bao nhiêu mộng mị nào là mơ
Cái khăn nhu thuận bây giờ
Mùi hương vô lượng thành Thơ-Láng-giềng
-----

Anh về Bình Dương
Anh về đất rộng Bình Dương
Trái cây và lá con đường cỏ xanh
Môi người nắng ngọt vây quanh
Nụ cười Nam Việt yên lành bấy nay
Em về đẩy mộng lên vai
Chào xuân ngả nón bụi ngày gió ru
Mừng vui con mắt ngây thơ
Mây nghiêng như lệ pha mờ chiêm bao
Yêu nhau cảm động dường nào
Anh về đất rộng cúi chào Bình Dương.
---

Phụng Hiến
                         Con có nghĩ: ắt là phải thế
                         Một đôi lần con ghì siết hai tay
                         Nàng thơ đẹp của trần gian ứa lệ
                         Bảo con rằng: hãy nhớ lấy phút giây
                                        B.G.

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
Cây và cối bầu trời và mặt đất
Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya
Mở buồng phổi đón gió bay bát ngát
Dừng bên sông bến cát buổi chia lìa
Hoàng hôn xuống, bình minh lên nhịp nhịp
Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng
Ngày rực rỡ đêm êm đềm kế tiếp
Đón chào tôi chung cười khóc bao lần
Tôi đã gửi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hối những chờ mong
Sông trắng quá bảo lòng tôi mở cửa
Trăng vàng sao giục cánh mộng tung ngần
Gió thổi giậy lùa mơ vào bốn phía
Ba phương trời chung gục khóc đêm giông
Những giòng lệ tuôn mấy lần khắc khoải
Những nụ cười tròn mấy bận hân hoan
Những ngoảnh mặt im lìm trong ái ngại
Những bắt tay xao động với muôn vàn
Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi
Trần gian hỡi? tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen
Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em
Tôi tự nguyện sẽ một lần chung thuỷ
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là uỷ mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh
Em đứng mũi anh chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao
Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với ngươi thôi
Ta chết lặng bó tay đầu lắc
Đài xiêu ôi xuân sắp rụng mất rồi
Đêm ứa lệ phồng mi hai mắt
Bàn tay ta nhỏ như lá cây khô
Mình hoa rã đầm đìa sương theo móc
Đỡ làm sao những cánh tiếp nhau rơi
Ta gửi lại đây những lời áo não
Những lời yêu thương phụng hiến cho em
Rồi ta gục đầu trên trang giấy hão
Em bảo rằng
- Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng


***

Thanh Tâm Tuyền :


Đêm thu ở lán 9 Long Giao
Giật mình tỉnh giấc
Bó gối trong mùng
Ai đâu mớ hoảng
Thét tiếng hãi hùng
Heo may rập rờn
Rung âm mái tôn
Núi rừng vây khuất
Lán khuya tối tăm
Vo ve muỗi mòng
Người nằm chen chúc
Lúc nhúc mặt đất
Tỏa ám khốn cùng
Đây đó ngủ thức
Trằn trọc mông lung
Vách khe chuột rúc
Nỉ non dế trùng
Bóng đè ngộp câm
Người vùng giẫy dụa
Khủng khiếp ú ớ
Mê sảng thì thầm
Đêm dài thu phân
Vi vu lạnh nhạt
Hư thực bần thần
Cô đơn ai hát
Vẳng lời đạm bạc
Điệu khúc thời xuân
Như xa như gần
Tình chung mộng biệt
Ngoài đêm trôi tít
Theo sao tàn vong
Theo gió mờ mịt
Ngày lên ngại ngùng
(1975 – 1988)
---
Xuân
Tặng B.G.
Vẫn thấy trong mơ đời trở giấc
Cỏ cây rủ quyến gió bông lông
Trời xanh trong vắt giếng nước ngọc
Đất hiền thở hương nắng thênh thang
---
Hái chè dưới trời mưa tháng 7
Mưa rối mắt đong đưa búp lá nõn
Thoáng lơi tay tỉnh thức ngón tê mê
Nghe gần gũi sa đà trời tháng bảy
Gió xa xôi từ mạn lãng quên về
--
Ngã trên núi Việt Hồng Yên Bái khi đi lấy nứa
Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi nhẹ hạt, mưa phơi phới
Chiều đang tàn hiu quạnh rừng sâu
Ngửa duỗi chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể đang thối rữa
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu
Mưa tung tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào?
Gió rét tái tê bó liệm chặt
Thiếp lịm hồn quên bẵng xướt đau
Đầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu ?
Yên Báy 9.1979



Monday, July 23, 2018

Vĩnh biệt Thái


Thế là bạn
Bỏ chúng tớ
Đi trước

Tin đến
Đột ngột quá

      Diều đứt giây
                                   Vẫy
    
      Hơi đứt quãng
      Giọng khàn đục
Là nhớ
     Thanh xuân     
     Đồng vọng
         Biếc lục cỏ non
         Có hoàng tử bay
         Mắt cười của sao bên khóe
         Trái banh đưa không tròn
         Cặp vở bị tịch thu
         Cha nhà thờ Ngã sáu
                          sao ‘dữ’ vậy

Là nhớ
      Những bức tranh đã vẽ
          và chưa vẽ
     Ôi, hoạ sĩ, chàng ơi
     Những tờ báo còn thơm mùi chữ nghĩa, mùi mực
     Và những trái tim, khuôn mặt
     Những bài thơ,
                 trầm mặc

Là nhớ
     Chò nâu xoay tít
     Xoay homo sapiens trôn ốc
     Đáp xuống
         đẹp hơn vũ công ballet
    Ôi, giá mà…

Là nhớ
     “Bé con du đãng”
      “Như hạt mưa sa”
     Giọng đọc bài cho chép của Phương
     Trung đạo mạo như thầy giáo năm đệ Lục
     Tứ d.. cả gan mang Playboy vào cho bạn tìm hiểu năm đệ Nhất
     Khánh, Hội, Tiến, Thi &… “Streaking in Vĩnh Long 1974”
     Hổ có thể đăng Biệt động quân, nếu gọi
     Và trăm collage khác
                    xếp nghịch đùa phá phách
                           cho ngày sau
                           ngó lại
                           thấy chuỗi cười bung ngày nắng
                           bàng bạc màu mây

Là nhớ Diễm Xưa, Mưa Hồng, tầng tháp cổ
Những hạt  mưa xứ Huế
Huyễn thân tuyệt diệu mộng mị đất trời
Đã khiến TCS
Đi đứng nằm ngồi
                    muốn hứng


Là quên
Nhưng để nhớ
        Chiến tranh khốc liệt quê hương
        Đại bác đêm đêm dội về thành phố
        Ý thức hệ xuẩn động, đui mù
        Phân xác anh em

Là quên
       Quê hương đang chết từng ngày
                                       thế kỷ 21
         

Cũng chẳng có gì đáng hối tiếc

        “Ôi đất nước u mê ngàn năm”

Cánh đồng cũng chỉ xám ngoét
Có lúc pha máu

Cũng may
Đã nhắc Thái
Nhớ suy gẫm Kim Cang


Vĩnh biệt, Thái

T N
7/2018

Sunday, July 15, 2018

Thơ Philip Whalen ( Poems of Philip Whalen)


Philip Whalen (1923-2002) là một nhà thơ, thiền gia  Mỹ thuộc thế hệ Beat ( The Beat generation), trong đó có Gary Snyder, Jack Kerouac, Herbert Huncke, Alan Ginsberg etc.). Môi trường hoạt động chính là vùng San Francisco thời 1958-65. Whalen từng ở trong Không quân thời thế chiến II. Giải ngũ, ông học Văn chương ở đại học Reed, Portland, OR. Khoảng 1966, theo lời rủ rê của Gary Snyder, ông sang Nhật tìm hiểu đạo Phật 2 năm, rồi về lại Mỹ. Ông theo học Thiền sau đó với thiền gia (Zentatsu) Richard Baker từ 1972, sau đó được truyền giới làm một tăng sĩ giòng thiền Soto với thiền sư Baker. Trong nhóm các thi sĩ trong thế hệ Beat có liên hệ tới Thiền, ông là người “ở lâu” nhất với Thiền, hoặc Phật giáo nói chung.

Thơ ông, theo nhà thơ Leslie Scalapino, dẫn nguồn từ chính Whalen, là những ảnh chụp tự nhiên của các chuỗi khoảng khắc di động. Có chút tuơng tự nào đó với vài đặc tính của Siêu Thực. Theo chính lời P. Whalen, ông cũng chẳng rõ thơ mình là gì, chỉ biết là thích viết ở những giai đoạn này khác. Không ít người thì than phiền : Viết cái quái gì, chả ai hiểu...Với không ít bài thơ của Whalen, nhiều người sẽ có cùng nhận xét như thế. Nhà thơ W. Carlos Williams thì thấy chất thơ “quanh quất đâu xa” trong những bài thơ Whalen đọc , khi W.C. Williams thăm viếng đại học Reed và đàm luận về Thơ cùng nhau.

P. Whalen được xem như một trong khoảng chục nhà thơ đem lại sự giao cảm, giao duyên giữa Thiền, nhất là các dòng thiền từ Nhật bản đến với tâm hồn Tây phuơng, với sinh viên , nhất là ở Berkeley, San Franciso thời 1955-65 và vài giai đoạn khác sau này. Ông cũng làm giáo thọ về Thiền ở một vài thiền đường như San Francisco Zen Center, Santa Fe Zendo.

Thơ ông muốn phá bỏ những kiểu mẫu, định hình được T. S. Eliot sử dụng , và ông muốn thơ mình gần gũi, linh động , sử dụng nhiều ngôn ngữ đời thường hơn các thế hệ trước để nói lên cái muốn nói. Tuy rằng, giữa nghĩa và chữ là một khoảng cách có khi rất xa. Thành thử, không biết ông thành công bao nhiêu.


Đời sống với những vui buồn, sung sướng, phiền não, bất ngờ , nghịch lý hay không hiểu được, và những gì ‘bí mật” của nó, đã khiến P. Whalen viết xuống và ông kể lại như sau : “ Những cuốn sách thần bí được truyền vào tâm tôi, qua tai tôi, làm nên những điều tôi viết.” *


Nơi đây sẽ dịch vài ba bài ra tiếng Việt trong quyển thơ tuyển “ Overtime” của ông.



Các tác phẩm chính của Philip Whalen

Like I Say, 1960 
Memoirs of an Interglacial Age, 1960 
Every Day, 1965 
You Didn't Even Try, 1967 
On Bear's Head, 1969 
Imaginary Speeches for a Brazen Head, 1972 
Decompressions, 1978 
Off the Wall: Interviews with Philip Whalen, 1978 
Enough Said, 1980 
Heavy Breathing: Poems, 1967-1980, 1983 
Two Novels, 1986 
Canoeing up Carbaga Creek: Buddhist Poems, 1955-1986, 1995 
Overtime: Selected Poems, 1999 
Collected Poems, 2007


Note :

* Much of Whalen’s life looks odd or inexplicable. As he wrote, “The really secret books are dictated to me by my own ears and I write down what they say.” (Andrew Schelling)


------

REF


https://tricycle.org/magazine/philip-whalen-and-the-wild-fox-slobber-of-zen/


Tình bạn thắm thiết, trân quý giữa 2 nhà thơ Philip Whalen và Gary Snyder.


https://tricycle.org/magazine/lives-well-shared/



 Whalen và Snyder nói chuyện về Thơ và bàn một chút về thơ

https://www.youtube.com/watch?v=FJYHXRxzGas










   dịch: The Lotus Sutra, Naturalized           

                   Pháp Hoa hòa điệu

Nhà người làm con túy luý càn khôn thiên địa, giao dụ khởi tâm
                                                mù sương quá hải
Người bỏ hạt kim cương ấy vào túi áo tôi
Làm sao con biết được ?
Khi nằm trong tù giam kẻ say
                        ở thị trấn đèo heo hút gió
Ra tù rồi, người bảo
“Con tiêu hết kim cương rồi ư ?”
Làm sao con biết được đây, Người ?

Chú giải :

Thác lời Chủ nhân Kinh Pháp Hoa, Whalen nói/hỏi : “Con tiêu hết kim cương rồi ư? ”. Trong giao dụ khởi tâm, mù sương lần bước , Whalem tưởng rằng đã thấy Ngọc, thấy Kim cương của kinh Diệu Pháp Liên hoa, và đem ra xài, hay cầm cố gần hết. Nhưng rồi huyễn tưởng huyễn tâm lại hoang mang : Làm sao con biết ? Nơi góc bể chân trời của người nghèo khổ đi tứ xứ làm ăn, quên ngọc trong túi, Whalen dấn bước tìm theo dấu ngọc , nhưng xem chừng ngọc vẫn mù khơi ẩn hiện. 

Như có thể được minh họa trong những giòng dưới đây :

The emptiness is the thing we're full of, and everything that you're seeing here is empty. Literally the word is shunya , something that's swollen up; it's not, as often translated, "void." It's packed, it's full of everything. Just as in Shingon Buddhism, the theory that everything we see and experience is Mahavairochana Buddha, the great unmanifest is what we're actually living and seeing in.”
( P. Whalen)






    Đại thừa xe ấy [duổi rong]

Xà bông tự thanh tẩy như nước đá
Xong cùng biến mất
Tra vấn “từ đâu”, “về đâu”
                hoảng hốt chiêm bao
                               ù té


Bùn là cộng thể của đất và nước
Cứ thử tưởng NƯỚC là một chất lỏng từ Trời
Vô thường và Niết bàn là một

      {Cơ ngộ lung tung} [phóng họa]

Ruồi muỗi quanh đèn vàng; cát trong xà bông
Bụi, tảo trong nước đá
Lên đường thanh thản nhé, vui quá xá
                                     khi gặp lại các bạn chốn này.

Friday, July 13, 2018

Diễm Xưa , Hạ Trắng , Mưa Hồng (TN)

Mười bảy tuổi , học lớp đệ Nhị trường trung học Chu Văn An -Sàigòn, thì những âm thanh của Diễm Xưa, Hạ Trắng, Mưa Hồng bay vào hồn, mở ra cõi vào văn chương, chữ nghĩa , mơ mộng. Khoan nói tới cái quyến rũ của âm thanh, giai điệu, chữ nghĩa Việt nam có thể 'tuyệt diệu' thế sao ? Cái mở ra từ những giòng nhạc, giòng chữ của TrCSơn là những gì khó đoán được từ cái bị của một 'phù thủy', một nhà ảo thuật-- bất ngờ và tài tình. Nhưng cái tài hoa, thì nằm trong tâm thức ông-- tâm thức một người ca thơ ( a bard in the widest sense)-- tâm thức một nhà thơ trong chiến tranh, tình yêu và thân phận-- mang sắc vóc của âm thanh và hội họa. Từ đó cái đầu thường tìm giải các bài Toán, Lý "đi chơi" với chữ nghĩa, văn chương nhiều hơn.

----


https://www.youtube.com/watch?v=RBpFv2AzDjw


https://www.youtube.com/watch?v=u6Gwt9gsmA0