Friday, January 24, 2014

Một Ý Về Thơ

                                          Một Ý Về Thơ

                                                   * *

Đẩy đến tận cùng giới hạn của lý luận về ngữ nghĩa và âm điệu thì không thể nói thế nào là lối làm thơ này hay hơn một kiểu làm thơ khác giữa các tác phẩm, nhất là của những hồn thơ có sự tinh tế và mẫn cảm ở những độ rung gần nhau. Và chỉ gặp một bức tường đá vô ngôn ( không trả lời, không thấy gì nữa) . Mỗi bài thơ là một kinh nghiệm, ở những giai đoạn, tâm cảm, và ngoại cảnh khác nhau, từ đó đòi hỏi những cách thể hiện khác nhau. Cho tiếng nói thơ vút lên, bay vào những biên giới sâu xa nhất— niềm vui của một tài thơ nằm ở đó. Ngay cả điều này, đối với chính tác giả, ở mỗi thời điểm lại cũng thường có thể mang những bộ mặt xúc cảm khác nhau. Mỹ cảm, và ngay cả những hữu thể chân lý, bao giờ cũng được nhận diện và đánh giá bằng một hệ thống hay khung cảnh quy chiếu nào đó để xác định tương đối và mang thời tính giá trị thuyết phục của nó. Khi tâm và cảnh chạm nhau, rung lên thành tiếng thơ, tất cả luân lưu, hoán vị, biến chuyển. kêu gọi, phát âm, mời mọc, rủ rê trong cái khung tâm tư, tình cảm, tư duy, quan niệm; vây quanh cái tập hợp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, làm thành cái vòng đắm say— như thực, như mộng— nơi đó cuồng phong, bão tố, thác đổ, mưa tuôn, nắng bình nguyên, sương địa đầu và hằng hà tâm sự trên đỉnh núi, cuối vực sâu, hay những cuộc lang thang qua những hành trình về thiên đường, địa ngục; trong sa mạc nơi mặt đất trầm thống, hay một bến mộng chưa ai đặt chân, hành hạ, tâm tình, huyễn dụ, luân vũ với nhà thơ, và làm mẹ cho những bài thơ. Tất cả khối thơ mộng , phiêu bồng, tiêu tao, sầu muộn, bâng khuâng, trầm lắng đó xoay quanh một chỗ không có hình, không có tướng, không có điểm tựa trung tâm. Sao vậy ? Chúng ta đều là những sinh thể được sinh ra trong một quốc độ, trong đó ngôn ngữ và tiếng nói là thứ để chúng ta tìm tới nhau, xác dịnh hiện hữu mình, để bớt cô đơn và an ủi nhau trong đêm-ngày vô thủy, vô chung. Không có cách nào khác. Và sao lại xoay quanh một chỗ không có hình, không có tướng, không điểm tựa trung tâm ?

Vì tất cả đều dựa lên nhau mà tương lập, tương sinh, tương biến, mà rủ chúng ta vào cuộc lang thang, khiêu vũ bất tận; và khi muốn định hình, kiểm tra một thực thể biệt lập nào của ngôn ngữ thơ hay kiến trúc chân lý đều bất khả. Tâm tình, ý tưởng, điển cố, biểu tượng, hình ảnh, thi ảnh, thi pháp, từ cú, âm thanh, giai điệu, kết cấu—và thời gian, vâng, thời gian—tất cả  đều chồng chéo, đan xuyên với nhau trong một liên-cấu nhìều chiều, mà ta có thể tạm dùng một ý nghĩa của liên-cấu không-thời gian (space-time continuum) – con gió phiêu du, hay mạch nước di tràn, lan ngấm trong đất— để khởi đi mường tượng. Tất cả đều không thể tách rời, cũng như không có một hệ quy chiếu nào tự nó có thể tự thành lập, và có ý nghĩa đơn bạch, từ đó có thể cho ta những tiêu chuẩn chung để đánh giá một tư tưởng thơ hay hành tập thơ. Có chăng, đâu đó, ở vùng huyết mạch của những bài thơ, là dấu ấn mờ bụi của những nỗi đời, niềm đau, mạch sầu thiên cổ, hay hoài niệm khôn nguôi.

Tâm Nguyên
Cuối Canh Thìn 2000


No comments:

Post a Comment