Tân thanh đáo để vị thuỳ thương
* * *
Tiến sĩ PQThích dịch, chuyển 4 câu thơ chữ Hán của chính mình trong đề từ “Kim Vân Kiều Tân Truyện” làm cho tôi thấy kỳ lạ.
Chúng ta có thể tin ông giỏi cả chữ Hán và chữ Nôm ( Việt), như trong tiểu sử còn truyền lại của ông.
Thế nhưng, trong bốn câu này tôi thấy (thật) kỳ lạ :
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ
Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương
PQThích viết/chuyển sang tiếng Việt là :
Nửa giấc Đoạn trường tan gối điệp, Một dây Bạc mệnh dứt cầm loan. Cho hay những kẻ tài tình lắm, Trời bắt làm gương để thế gian.
Về nghĩa thì ta cứ cho là gần như “tương đồng” [ lý do căn bản nhất là vì ông chính là tác giả của bài đề từ] , thế nhưng về cái đẹp, cái hay của tác phẩm thì cả bốn câu có những so le, bất đồng (đáng kể).
Theo tôi, hai câu cuối cùng trong tiếng Việt
Cho hay những kẻ tài tình lắm, Trời bắt làm gương để thế gian.
kém hẳn hai câu trong chữ Hán, Hán-Việt trong hình ảnh thơ, cách tạo nghĩa qua ngôn ngữ, cách biểu hiện
Nhưng hai câu 5, 6 :
Nửa giấc Đoạn trường tan gối điệp, Một dây Bạc mệnh dứt cầm loan. thì lại hay hơn hai câu Hán văn nhiều phần [ tuy hai câu Hán văn cũng hay vì gọn gàng, rõ ràng, biểu tỏ ý nghĩa không thiếu , không dư rất chỉn chu ]
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
để nói lên ý nghĩa :
(Bây giờ= lúc đã trầm mình xuống sông Tiền Đường và sau đó) đã hiểu ra ý nghĩa, căn duyên của sự đoạn trường vốn xưa nay thường gặp trong mộng mị, chiêm bao, nhưng nỗi đau thân phận bạc mệnh chừng như vẫn dặc dài, sau khi tiếng đàn phổ oán thán đời bạc mệnh đã chấm dứt.
Cũng trong đại ý để nói lên ý nghĩa như trên nhưng cách nói hai câu trong văn , thơ Việt linh động, súc tích, văn chương hơn hẳn hai câu trong Hán ngữ. Hai câu trong Hán ngữ chủ yếu mang gần như hoàn toàn tính cách giải thích sự kiện cho tình cảnh, trường hợp nàng Kiều. Trong khi đó, “cách viết”, cách diễn đạt trong hai câu Việt ngữ, ngoài tính cách giải thích, thi tính của chúng bay lượn trong không gian ngôn ngữ Việt và vẽ nên, gợi ra, gây tưởng tới nhiều chất liệu, không khí thơ, thi ảnh, cái súc tích, và xúc tích v.v.
Nửa giấc Đoạn trường tan gối điệp, Một dây Bạc mệnh dứt cầm loan.
Hai câu cuối trong tiếng Hán thật hay, đặc biệt. Đặc biệt hơn, theo tôi, nằm ở câu cuối. Cụ Phạm Quý Thích viết:
Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ
Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương
Chữ “nhất phiến” quá tuyệt trong bài thơ. Nhất phiến đó có thể chỉ vào người, cuộc đời Kiều, nhưng đảo ngược chiều lại, ngược với cách nhân cách hóa loài vật, con dế, con chó hay bàn ghế, cái xe, cái mũ, chữ nhất phiến ở đây đã đảo lại để biến Kiều , một con người , thành một tấm văn chương, một mảnh đời của truyện, một kết cấu văn chương, văn học, triết lý của trí tưởng để làm tiền đề cho những cảm xúc, cảm nhận, cảm thông,tìm hiểu, luận bàn cho người sau.
Rồi,
Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương
Khúc văn chương, âm thanh mới của nỗi đớn đau đời đẫm lệ này , ngó tận đáy, vì ai— vì nàng Kiều hay còn vì những , những ai nữa, những trái ngang, đày đọa, những “les miserables” nào nữa — mà cảm thương , rồi viết lên.
Có thể, hơn 300 năm sau, các thế hệ tới vẫn còn tìm đọc, học hỏi và nói với nhau; kể, bàn, bình, tâm sự với nhau, bói với nhau, để biết rằng có một tác phẩm trác tuyệt mà giới văn chương nước ngoài “ xa nghe cũng nức tiếng nàng…” cũng tìm đến, dịch ra đọc, học, nghiên cứu. Gần 200 năm trước đã có một tác phẩm, dựa vào cốt truyện Tàu, nói lên, kể bằng thơ một nỗi đoạn trường; một tác phẩm thương người, thương đời đọa đày, bằng văn chương tuyệt vời, tình thơ như chảy từ một dòng tuyệt bích đổ vào lòng người, tạo sóng ngất ngây, cảm khái miên man, xúc cảm tràn đầy— như thế trong văn chương Việt.
Hiện tại đã có bao nhiêu trăm, ngàn nàng Kiều trên đất nưóc đó, tuy tài sắc kém hơn , trong hơn 40 năm qua, dưới sự kềm kẹp, thống trị của một lũ hùm sói phi nhân, đần độn ? !
Bây giờ ta hãy đọc kỹ, ngẫm nghĩ về hai câu cuối , như dùng làm đề tựa cho bài viết ngắn này.
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Dĩ nhiên, như chính PQThích dịch , chuyển sang Việt ngữ câu ấy chỉ vào Kiều, hay cuộc đời tài sắc mà bạc mệnh của nàng. Nhưng đọc kỹ, nghe kỹ, nghĩ suy, câu đó cũng có thể là để dùng vào việc ca ngợi, đánh giá tác phẩm thơm lừng tình nghĩa, ngọc châu hi hữu này, như là nghĩa thứ hai, một hàm ý PQT gởi Nguyễn Du, ca ngợi Đoạn Trường Tân Thanh. Gián tiếp là khen ngợi tài hoa Tố Như, người mà thi ca, thi từ diễm tuyệt, nghệ thuật vô song của ông có thể đánh động lòng người nhiều tầng lớp và sống cùng tuổi thọ đất nước.
Đọc tiếp câu cuối, ta cũng thấy đây là một câu cuối rất lạ. Nó lạ trong chính “phát biểu” của nó. Mà phát biểu này nghe ra lại chính là một câu hỏi. Câu hỏi ấy là : rốt cuộc nhìn xuống tận đáy thì ai là người được thương cảm ở đây, trong tác phẩm này ? Tức tương tự như câu hỏi : “viết cho ai ?”. Thông thường , trong đa số bài thơ xưa ( và nay), vài câu kết thường mang tính kết luận về “câu chuyện” , đề tài, “điều muốn nói”, tâm sự, ẩn tình v.v. của bài thơ; hay một phát biểu như thế nào đó về nội dung, tình ý của các điều như đề tài, vân vân nói trên, nhưng ở đây cái khác biệt là câu kết vọng lên, cất lên như một câu hỏi. Chúng ta đều được học, chỉ dẫn cho đó là câu cảm khái, cảm thương cho số phận đau khổ, nghiệt ngã của các nàng Kiều trong xã hội xưa và nay [ nay, trong chính thời cụ Nguyễn Du, Phạm Quý Thích và ngày nay], nhưng bồng bềnh nghe lại, ta có thể bỗng chưng liên tưởng tới cuộc đời thăng trầm, nhiều lúc rất khốn khó, nhất là thân phận bình bồng, an nguy khó nói trước được trong muời năm gió bụi nơi cuộc đời cụ Nguyễn Tiên điền, lúc ở ẩn nghèo liên tục, và cũng đói thường xuyên tại quê vợ Thái Bình. Trong quan niệm cũ về mối liên hệ giữa thơ ca và cuộc đời, tác giả và tác phẩm, ý tứ của Thảo Đường cư sĩ PQT cũng có thể “ghi nhận” khá rõ rằng: Ý cụ cư sĩ cũng là tỏ bày niềm thương cảm đối với cuộc đời ngược xuôi thăng trầm của con nguyên Xuân quận công Nguyễn Nghiễm. Hãy ghi ra vậy để cùng ngẫm nghĩ.
“Tân thanh đáo để vị thùy thương.”
Tâm Nguyên
Lập Xuân
Lập Xuân
Tháng Giêng, Đinh Dậu 2017
---
Note
Tiểu sử ngắn cụ PQT
No comments:
Post a Comment