Monday, January 23, 2017

Dionysus, Quan niệm Tín ngưỡng Hi lạp & F. Nietzsche

                                             * * *


Mùa xuân này chúng ta thử cùng nhau dạo chơi khu vườn Thần thoại của người Hi lạp cổ xưa , thưởng thức rượu nho Zinfandel, Cabernet Sauvignon, Merlot hay Pinot noir v.v. và thử tìm hiểu về phong cách và thần thái một vị thần quan trọng của Thần thoại Hi lạp nhé. Đó là thần của Rượu nho, Nghệ thuật Đi-ô-ní-si-ốt (âm Hi lạp của  Διονύσιος = Bacchus ( La tinh, Ý), Dionysus (Anh), hay Dionysos (Pháp)

Thế giới của Phạm thiên ( Brahma), Vishnu, Shiva trong Bà la môn giáo, hay các tầng trời từ Phạm thân thiên đến Đại phạm thiên đạo Phật; Thượng đế đạo Sikh, hay Thánh Hồn ( Perfect soul of Jinas) đạo Kỳ-na giáo ( Jainism) , hoặc Ngọc hoàng thượng đế, Tây vương mẫu, Thái thượng lão quân v.v… bên Trung hoa, cho ta cảm nhận về một thế giới với đặc tính và cốt cách khác con người. Trong các thế giới tiên thần ấy, các quan niệm về tôn giáo cho thấy các thiên, tiên, thần ít nhiều đều phải trải qua một thời gian tu luyện, nên cách ứng xử, thái độ , qua truyền thuyết, sách vở, mang ít nhiều vẻ kỷ luật, thúc liễm, giới hạnh hơn các thần trời Hi lạp.


Không như thần tiên Á đông thường mang vẻ “xa cách”, chịu những luật lệ nghiêm ngặt hơn về cách ứng xử, các thần Hi lạp phương mang nhiều tính cách gần gũi với con người hơn— tuy đây là những con người thường được mô tả là có những ưu điểm vượt trội ( noble humans); và trong biểu cảm , thái độ cũng có nhiều nét mà con người có thể nhận thấy sự đồng cảm, không phân biệt xa cách
.


Đi-ô-ní-si-ốt (âm Hi lạp ) là vị thần của rượu nho, vũ điệu, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật sân khấu; của sự Say sưa, Tràn bờ và Màu mỡ ( Fertility).

Thần Đi-ô-ní-si-ốt—  khác với tất cả các thần khác trong thần thoại Hi-lạp— có mẹ là người trần thế (như chúng ta); cha là Thần Zeus ( Ζεύς ) Chúa tể trời xanh và là người cai quản tất cả các thần trên núi Olympus ( the Olympian gods)

Chuyện kể về thần Dionysus ly kỳ như sau :

Cha ông là Vua (trời xanh ) Zeus, chủ tể của các thần ở núi Olympus, một hôm đi chơi ngang trần gian ở Thebes, gặp con vua Cadmus, công chúa Semele dung mạo phi phàm, thiên tiên diễm lệ nên lòng “chàng” đổ, và tìm cách ăn ở với nàng. Tin đến tai Hoàng hậu nước trời Hera, bà ghen tuông nên kiếm cách hại Semele. Khi ấy là lúc bà Semele đang có thai Dionysus với Đế Zeus. Hera giả làm một bà già , đến làm quen với Semele. Khi đủ thân, bà giả vờ hỏi Semele là cha của đứa bé trong bụng là ai, và tỏ vẻ nghi ngờ rằng cha của đứa bé không thể là một vị thần uy nghi lớn lao như Zeus; bà khôn ngoan cũng gieo vào lòng nàng Semele sự nghi ngờ về thân phận của đế Zeus. Vì vậy , nên một ngày kia, nàng Semele nhất định yêu cầu Zeus phải lộ thật tướng của mình như đúng thật là vị chủ tể cõi trời Olympus. Đây là điều cực ngặt nghèo, khó thể thi hành, vì đó là điều cấm kị trong luật lệ nước Trời. Nhưng vì Semele nhất định muốn biết, nên Zeus đành lòng phải hiện hình y như hình hài vị vua trời. Zeus đã cố tình hiện ra với ánh sét nhỏ nhất để mong bảo toàn tính mạng cho bà Semele nhưng đìều phải đến đã đến: Khi đế Zeus hiện ra hình dạng với sấm sét, Semele thấy được, nhưng theo quy luật nhà Trời của Zeus và cha ông trong đất trời  Hi lạp nguyên sơ, bà phải chết vì đã đòi được xem nguyên hình, chân dạng của thần. Bà bị chính ánh sét, là vũ khí được trao truyền , đại diện quyền năng của Zeus hủy diệt. Nhưng Dionysus thì may mắn được cha cứu thoát : Zeus may (sewed) Điônísiốt vào đùi , rồi bay đi. 

Khi biết được giọt máu của bà Semele là Dionysus còn sống, hoàng hậu Hera, khi đó vẫn chưa hết giận , bèn sai các thần Titans giết Dionysus, và chàng bị xé ra nhiều mảnh. May thay bà nội là Nữ thần Rhea cứu sống lại. Vì thế trong văn họcc Hi lạp, La mã, v.v.  Dionysus còn là biểu tượng của Tái sinh.

Sau đó, đế Zeus giao Dionysus các nàng dâm gái núi ( mountain nymphs ) nuôi. Lớn lên Dionysus trở thành một chàng rất đẹp trai, khôi ngô. Dionysus học được cách trồng nho, và là người đầu tiên nuôi men làm rượu nho. Nhưng Hera vẫn căm thù Dionysus nên làm phép đánh chàng bị khùng điên, và đày đi khắp nơi xa xôi. May mắn lại đến với Dionysus— khi đến xứ Phrygia, nay thuộc Thổ nhĩ kỳ, chàng lại được Nữ thần Cybele chữa trị, cứu cho và dạy cho những nghi thức tế lễ.  

Từ đó, Dionysus lang thang khắp nơi để truyền cách trồng nho, làm rượu nho, cũng như trao truyền nghệ thuật, nghệ thuật sống đam mê, say sưa.  Bên cạnh chàng thường có những "đệ tử",  nàng hầu xinh đẹp (maenad) , theo chàng vì yêu nghệ thuật của chàng. Trong nghệ thuật ca múa, nấu rượu, hòa men ngây ngất , say sưa giữa rượu, ca múa, thưởng thức, giao hòa v.v.,  các nàng đạt đỉnh ngất ngây, hoan lạc, say sưa. Lễ hội Hi lạp cúng tế Điônítsiốt từ đó , qua quan niệm về Điônísiốt, mang khuynh hướng mê say, tràn bờ, thoát lệ và là lực đẩy nền tảng cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu. Sau này có những nơi thành lập các "giáo phái", dòng "đạo", dòng nghệ thuật ( cults with rituals , theatrical groups) lấy Dionysus làm tổ sư.


Theo truyền thuyết Hi lạp, và sách vở, ông là tiêu biểu cho những biểu cảm vượt quá giới hạn; sự say sưa, đam mê tràn bờ, ( intoxication, passion beyond limit) đôi khi hoang loạn ( ecstacy, madness)

Ông là biểu tượng của mùa gặt nho, rượu nho, và nghệ thuật sáng tạo mang nhiều tích cách đam mê, say sưa. Ngược lại với thần Apollo, người tượng trưng cho Thi ca, Âm nhạc, và nghệ thuật trong cung cách tiết độ, tỉnh táo ( trong điều tiết của Lý trí). Tuy không nổi tiếng và được nghiên cứu, học hỏi tính cách bằng ông anh cùng cha khác mẹ là Apollo, người ta vẫn luôn nhớ đến ông khi muốn trình diễn một tính chất, tính cách say sưa vượt bờ, một hoan lạc, thống khoái đậm đầy, trở về gần với bản năng, thoát kềm tỏa của đạo lý, lệ luật. 

Theo triết gia F. Nietzsche, Dionysus gần gũi với tâm tình, với cõi “lục dục thất tình” nhân thế nhiều hơn trong tính cách đam mê, say sưa, có những khi “mãnh liệt”, tràn bờ , so với thần Apollo cũng là một thần chủ về văn chương, nghệ thuật, nơi sự ngự trị của Lý trí, suy xét, kềm chế nhiều hơn.
Với Nietzsche, ông là kẻ nghe được thổn thức của bờ tim con người, người thổi những vũ điệu loạn cuồng vào đam mê, vào sáng tạo nghệ thuật, người thể hiện Ý chí tự do tuyệt vời ( the passionate, exuberant, vibrant senses of the Will to power)




Vì rất giống tâm hồn con người với những hỉ nộ ái ố ai cụ lạc của nó, nên cõi thần thiên, thần thoại của Hi lạp một phương xưa cũ  ban sơ cổ lục, huyền hoặc lung linh mang nhiều dấu vẻ như  phóng ảnh của tâm hồn con người lên một cõi Tâm linh, cõi Sáng tạo tâm linh, cõi Thần, cõi Trời

Nóng giận, mừng vui, đau đớn, thảm sầu, yêu thương, ghét bỏ v.v. , và cũng bực mình, gắt gỏng hay khoái trí, hoan hỉ. Lắm khi các thần cũng có biểu lộ, phản ứng, ứng xử giống con người.

Ví dụ : trong trường thiên anh hùng ca Iliad của thi hào Homer, ta thấy

a) Hera : Do hay ghen và tức vì thói trăng hoa của đế Zeus, nên Hoàng hậu Hera,  khi thấy Thetis nói chuyện và cầu khẩn Zeus giúp nguyên soái Achilles lấy lại được nàng Breisis khuynh quốc khuynh thành, bà đã chất vấn : Sao Ngài toan tính kế hoạch thế nào mà không cho tôi biết qua một chút, chỉ toàn làm sau lưng em ?

b) Zeus : Khi ấy Zeus bèn la mắng vợ Hera: Nương nương đừng nhiều chuyện, cái gì cũng xía vô. Cái gì tôi có thể cho bà biết thì bà là người đầu tiên được biết, đừng dò la, “moi móc” như thế về mọi chuyện.

c) Aphrodite: Nữ thần Venus này( tên gọi Aphrodite ở La mã) vì lòng kiêu hãnh, tự tôn, tự ái với nhan sắc của mình ( y như một người đẹp trần gian)  nên đã hứa sẽ giúp hoàng tử đẹp trai mà nhát gan Paris của thành Troy— trong một bữa tiệc trao giải tuyệt sắc giai nhân— rằng Nàng sẽ giúp Paris chiếm được một giai nhân cực đẹp khác là Helen, vốn cũng là con của Zeus với Bà Leda , trong một cuộc tình ngoại hôn, nếu Paris bầu Aphrodite là người đẹp nhất trong 3 nữ thần: Hera, Aphrodite và Athena.  Chỉ vì tâm tình  như vậy, Aphrodite đã cứu sống Paris giai đoạn đầu.


Ta có thể thấy, các thần Hi lạp có vẻ ít kềm chế, thu thúc; phản ứng bộc lộ nhiều góc cạnh giống con người,  

Theo một ít tác giả— phân tích theo các yếu tố tâm lý học ngày nay : thế giới sáng tạo của Hi lạp cổ xưa mang sương bóng, hình hài, tâm thức trần gian hệ lụy, đó có thể xem như một “nối dài” của cõi người lên phía bên trên. Và nó “xảy ra” như thế cũng là một cách để người Hi lạp xưa lý giải, và tìm hiểu về chính tâm thức mình, cộng đồng mình.


Vì tính cách rất gần gũi và bộc bạch tâm hồn, tâm lý, tâm tư con người, không gò bó, “cường điệu/giả tạo’ , khác với cõi thần tiên trong  thần học Bà la môn giáo, Thiên chúa giáo , hay các tôn giáo độc thần tương tự, nên đây cũng là lý do có thể giải thích vì sao Nietzsche yêu thích thần thoại, cổ lục Hi lạp. Đặc biệt các nét cá tính được thể hiện qua “nhân cách” thần Dionysus.
Với Nietzsche, tính cách say sưa, vượt bờ, thoát luật, có khi hỗn độn, hoang mang , phi lý của Dionysus, trong sử thi, nghệ thuật âm nhạc hay kịch nghệ Hi lạp hợp với con người mạnh mẽ của ông, cũng như Ý chí tự do (the grand, vibrant Will)  đẩy  tới âm vực cuối cùng trên lối về thênh thang của Gió trời lồng lộng hay “ Trường khiếu  nhất thanh hàn thái hư”. Vì thế, có những lúc ông nhận là đồ đệ của ( trường phái ) Dionysus, hay chính hiện thân của Dionysus, vào lúc cuối đời.

Nietzsche viết :
The Dionysus of the Greeks [was] the religious affirmation of life, life whole and not denied or in part...” ( Philosophical Writings : F. Nietzsche – R. Grimm, ed, 1997)
dịch:
Thần Dionysus của người Hi lạp là sự khẳng định sống viên mãn theo nghĩa tôn gíáo, một đời sống  tròn đầy và không bị từ chối, hay chỉ được cho phép một phần…


Tâm Nguyên

Jan 2017




No comments:

Post a Comment