Sunday, October 20, 2013

Tâm Kinh Bát Nhã-- Hán Việt-Việt

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc,thọ , tưởng , hành , thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức.
Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc,  pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.
Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
Vô khổ,tập, diệt, đạo.
Vô trí diệc vô đắc.

Dĩ vô sở đắc cốBồ đề tát đóa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Tam thế chư Phật y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết :
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Dịch Việt :

Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu Trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ  ách.

Nầy Xá Lợi Tử, Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc; Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Nầy Xá Lợi Tử, tướng (hay tánh) Không của các pháp  không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.

Cho nên trong cái không đó,  không có sắc, không có thọ, tưởng, hành. thức.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.

Không có vô minh, cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.


Không có khổ, tập, diệt, đạo.
Không có trí cũng không có đắc.

Vì không có sở đắc, khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Chư Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú không đẳng, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.

Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức phải đọc thần chú:

Gate gate pàragate pàrasamgate bodhi svàhà. 
( Qua, qua, qua bên kia, qua hẳn bên kia; hỡi Giác ngộ, xin đảnh lễ )


(Hiền Minh hiệu đính 1 bản dịch trên Internet)

Ghi chú: 

 1. Chấm câu trong bản tiếng Hán Việt thường không có và không rõ ràng như cú pháp La-tinh hay Anh-Mỹ. Ví dụ, các dịch giả VN hay để câu "dĩ vô sở đắc cố " ngay tiếp theo "vô trí, dìệc vô đắc" và dịch liền theo là:  vì không có sở đắc. Như vậy rất dễ gây hiểu lầm là ý " vô sở đắc" chỉ áp dụng cho câu " vô trí diệc vô đắc". Trong khi đó , thực ra câu "Dĩ vô sở đắc cố", nếu chuyển xuống để đứng trước câu "Bồ đề tát đỏa y BNBLMĐ..." thì tính cách phủ định của cụm từ này sẽ được áp dụng cho tất cả những niệm nào mang tính ngã đã đắc thụ được một cái gì đó, ví dụ: ngã đã đạt được thành tựu con đường đến sự Tận diệt ( Diệt) hay đã đạt được thành tựu con đường thành đạo ( Đạo) , hay đã đạt được Tri kiến Giải thoát (Trí) , hoặc đã đắc Ngộ. 

 2. So sánh với bản Sanskrit và tiếng Anh của một ít dịch giả ta sẽ thấy điều này , chính yếu là từ bản dịch của hai học giả Ed Conze và Harischandra Kaviratna. Họ đều để câu "tasmacSariputra apraptitvad" ( Therefore, O Sariputra, by reason of his non-attainment ) ở đầu câu, trước câu " the bodhisattva, having resorted to prajnaparamita"  để tính phủ định áp dụng cho nhiều trường hợp hơn, như đã nói ở trên.

3. Tuy vậy , bản nguyên tác Sanskrit mà hai học giả trên và một số người khác dựa theo, lại có  thêm một câu " vô vô sở đắc" (na-apraptih. or no non-attainment) sau câu vô sở đắc, làm câu văn thêm lòng thòng và tối nghĩa hơn bản Hán Việt-- chỉ cần nói vô sở đắc là đủ. Có thể các ngài Cưu Ma La Thập và Huyền Trang đã thấy điều này mà gạn đi. khi dịch Prajnaparamita Hridaya Sutra sang tiếng Hán, để ý nghĩa rõ hơn. 

4. Thực ra các đạo sư Ấn độ, trong bản Sanskrit, "thòng" thêm câu "no non-attainment", cũng chỉ là để nói lên tính cách "bất khả đắc" của tất mọi pháp, mọi sự thể, vật thể , tức là : tất cả mọi sự vật đều mang tính Không, chỉ  "vô tự tính", là không có gì thật hết; và giữa chúng chỉ có cái "có vẻ khác nhau " là "cái giả danh", thế thì có nhắc lại thêm "cái vô vô sở đắc" cũng chỉ nhằm nhắc nhở mọi người là : thực ra khi quán chiếu về Tánh Không của vạn pháp thì cái "vô sở đắc"  và "vô vô sở đắc" cũng giống nhau mà thôi, tựa như Sắc cũng chẳng khác (bất dị) Không , và rất thường khi,  chúng chia nhau những đặc tính  như hiển lộ, tạm trụ, di ảnh và biến mất cũng trong những cách thái hết sức giống  nhau trong tâm thức con người.


5. Hán dịch t Phạn ngữ cụm từ "sarva-dharmahsunyata-laksana,  thành "Thị chư pháp Không tướng"  là khá dở, và sai, nếu hiểu theo Tính, Tướng biệt quán. Câu này nghĩa "Tất cả các pháp đều mang đặc tính của Tánh Không ( Sunyata-Voidness). Vì vậy cần phải dịch cho thật đúng là "Thị chư pháp Không Tính...( chữ Không cần nên viết hoa),  vì đây là chỉ thẳng đến cái yếu tính về Chân lý ( the essence of Truth) mà Tâm Kinh muốn nói đến, chứ không phải đến những cái hình tướng bên ngoài. What  being taught here is to aid in lifting the meditation practitioner to the ontological characterization of Truth, which helps pointing the way to true observations on Voidness-- if we need to use Western philosophical terms and contexts to describe this-- not any ontic sense of beings.
Hiền Minh-Chân Huyền

----
REF:


No comments:

Post a Comment