Wednesday, October 30, 2013

Giỗ cụ Phan Sào Nam


Với tôi, cụ Phan Sào Nam "ngon" hơn cụ Phan Tây Hồ Chu Trinh. Bàn luận về hai cách "cứu nước" , ai "đúng " hơn ai , thì hiện tại, dưới ảnh hưởng của tư tưởng và các trào lưu Dân chủ, nên một số nhà bình luận có phần nghiêng về phía cụ Tây Hồ, nhưng theo tôi thì , với từng giai đoạn của cuộc đấu tranh giành độc lập ngày xưa, tôi thấy suy nghĩ của cụ Sào Nam tích cực hơn, máu nóng cứu nước nồng hơn. Đâu phải cụ Sào Nam không nghe thấy và không biết về các vận động canh tân, khai dân trí, một số khái niệm vè Dân chủ. Bằng chứng là cụ cũng đã có những điểm đồng ý với cụ Chu Trinh khoảng 10 năm sau, sau trao đổi vài lần đầu tiên. Phong cách và đời hoạt động của cụ có thể viết thành một pho tiểu thuyết, tựa như truyện kiếm hiệp của Kim Dung thành 40 cuốn (150 trang ) chẳng hạn. Ts Chương Thâu đã viết biên khảo "Phan Bội Châu toàn tập" 10 quyển , mỗi quyển khoảng gần 200 trang. Hai đoạn tôi nhớ mãi trong cuộc đời vị anh hùng dân tộc rất trí tuệ này là đoạn cụ gặp Tiến sĩ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền. với bài "Bái Thạch Vi Huynh", và đoạn cụ gặp anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám ( Đề Thám). Đó là nguyên mỏ tài liệu rất phong phú cho trí tưởng các tiểu thuyết gia để vẽ nên những phong cách lớn, những tâm hồn yêu nước thương nòi lớn, phảng phất bóng dáng những anh hùng, hào hiệt, hảo hán-- lớn lên từ đồng ruộng , núi đồi VN, cơm gạo , câu hát, tiếng hò, văn hóa VN -- lao mình vào cuộc chiến đấu hào hùng để giành tự do, độc lập cho đât nước; áo phai sương gió, râu tóc nhuộm phong trần, lao mình tới, sống chết coi như hư không, tâm để Tổ quốc lên đầu, hiến dâng , dâng hiến. Một nén hương lòng nữa kính tưởng niệm cụ hôm nay.

Một trích dẫn trong thư PBC gởi PCT về chuyện Dân chủ:

"Gần đây được tin đại huynh cùng các anh em đồng chí với những nghị luận ý chí mới mẻ, tẩy trừ những não cổ hủ để hấp dẫn tư tưởng mới, làm cho tinh thần tôi vô cùng dũng dược ... Nhưng than ôi! Trình độ nhân dân Việt Nam hiện còn ấu trĩ như răng chưa cứng, chân chưa mạnh, nếu sử dụng thì sao đang nổi. Nhân dân Việt Nam ta so với Tây Âu hãy còn kém họ xa lắm, như người còn đau, đang đâu nổi gánh nặng. Nhân dân ngu muội đói khổ, nay mình đem những lý luận cao siêu mà áp dụng không sao tránh khỏi những việc lảo đảo ngả nghiêng.

Nay đem ra một lý thuyết mà người ta chưa biết đầu đuôi, rõ phía Nam, phía Bắc ... Rồi sẽ vì ý kiến xung đột, hành động mâu thuẫn nhaụ Thù ngoài chưa diệt, nội bộ chống nhaụ Ôi dân chủ, Dân không còn nữa thì chủ vào đâủ Lúc bấy giờ, nếu Đại Huynh có bầu nhiệt huyết cũng không còn chỗ thi thố nữa ...

Vậy tôi đề nghị với Đại Huynh với tình trạng nước ta, hãy chờ ít lâu nữa, Đại Huynh xướng thuyết Dân Chủ thì cử quốc đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng, trong đó có tôị"
(Tự Phán)

Con đường tiến tới khai d
ân trí, học tập Dân chủ cũng gập ghềnh và cần nhiều công sức học hỏi, thực hành, nào phải sớm chiều mà thảnh, ngay cả cho bây giờ, nói chi cách đây đã 100 năm. Trong khi đó chẳng lẽ, cứ chịu mãi sự đè đầu, đè cổ, bức bách, bắt bớ,tù đày, giết chóc  v.v. mãi của nước Pháp, chờ những sự cải lương , hợp tác Pháp-Việt đề huề như PCT đề nghị để khai dân trí như Cụ Tây Hồ mong mỏi. Đó là lý do tại sao tiếp theo cụ Sào Nam, Ông Nguyễn Thái Học và các đồng chí trong VN Quốc Dân Đảng vẫn tiếp tục theo con đường giành độc lập bằng cách đánh đổ người Pháp bằng đường lối bạo động.

Cứ lấy môt ví dụ để thấy việc này, đấy là: hiện tôi đang bị môt tên cha căng chú kiết từ một phương trời xa tới ngồi trên đầu cổ. Nhân gia đình tôi thất cơ lỡ vận, tôi bị nó leo lên đầu lên cổ ngồi, thỉnh thoảng cứ nắm tóc, nhéo tai hay vả mặt, lúc quạu hơn nó còn đấm bầm tím mặt mày, rồi còn bắt cày bừa đủ thứ để cung phụng nó, có khi còn bắt tù đày. Vậy thì tôi nên tìm cách hất nó xuống càng sớm càng tốt, hay tôi cứ nên để nó cỡi cổ, đè đầu mình rồi cắm cúi đọc sách gì đó, ví như khai dân trí, để hi vọng tìm cách hất lật nó xuống ? Cần nói rõ hơn, với tình trạng không quen với chuyện đọc sách và những bài học về khai dân trí, Dân chủ chi chi đó quá xa lạ, mới mẻ và khó học, đối với tôi, nhất là để có thể biến được những bài học đó thành những thế võ. Để có thể nuốt trôi những bài học đó có thể phải mất mười hay vài chục năm với tôi, chưa kể việc nó có để yên cho tôi học sách không nữa. Vậy tôi có nên đi học võ Nhật , võ Tây hay võ Ta, học đúc súng, bắn súng để quật ngã nó trước đã , rồi sau đó sẽ học sách khai dân trí sau để mở mang trí não và cùng đồng bào tiến bộ ?

Tâm Nguyên (HM)






----------
Hôm qua là ngày giỗ lần thứ 73 của nhà ái quốc và cách mạng Sào Nam Phan Bội Châu (29/10/1940). Mời các bạn đọc lại hai bài thơ gói  tâm tình của Cụ Phan đối với đất nước:

SỐNG

Sống tủi làm chi đứng chật trời!
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười.
Sống tưởng công danh, không tưởng nước,
Sống lo phú quý, chẳng lo đời.
Sống mà như thế, đừng nên sống!
Sống tủi làm chi, đứng chật trời.

CHẾT

Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.

SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU



----------

Th/khảo



No comments:

Post a Comment