Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn sâu sắc, có tài. Trong truyện “Không có vua” , sau này được chuyển thành kịch “ Quỷ Ở Với Người”, có một câu như thế này :
"Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy."
Viết thế, trong cách phát biểu có phần chế diễu hay chê bai cho thấy NgHThiệp chưa hiểu về cái dụng của Triết học
Triết học có phải là thứ xa xỉ và có phải là của bọn “ mọt sách” theo cái nghĩa chừng như có ý nói “vô dụng”, không ích lợi như một nghĩa chữ thường được hiểu trong đời sống thực tế? Nhất là trong buổi rất khó khăn , gắt gao, đầy áp lực, khủng hoảng, và nhất là về mặt miếng cơm , manh áo, hay nói tổng quát là kinh tế, của xã hội VN thời 1975-1985.
Thật ra, vào buổi cơm áo gạo tiền khó khăn, nặng gánh, ví dụ trong 10 năm ấy, thì ở mặt thực tế sinh tồn, triết học có thể là xa xỉ, nhưng nó cũng không xa xỉ hơn như giấy mực, thì giờ kiếm ý, tứ, vần thơ thay vì kiếm cơm cho gia đình đối với phe làm thơ; hay sơn , vải , cọ đối với người họa sĩ, và vẫn có những người mải mê hay tận tụy với công việc triết học như gs Trần Đức Thảo, với một vài đồ đệ, hay Mai Thái Lĩnh, Hà Sĩ Phu v.v.
Nhưng ở các chốn khác như Âu Mỹ, Úc, Nhật, Hàn, Ấn độ, Thái lan v.v., thì triết học , vừa như một môn học , vừa như một căn để cho suy tư, nhìn ngắm, tra vấn ý nghĩa đời sống và những điều liên hệ, hoàn toàn không phải là một thứ xa xỉ như trong quãng thời ấy ở “thành Thăng Long” ngàn năm văn vật, một thành Thăng Long (tôi yêu) ưa, yêu văn chương , nhưng nghèo nàn về tư tưởng. Và là một thứ cần thiết đối với giới trí thức, hoặc hàn lâm. Có xa xôi, mông lung diệu vợi, nhưng hoàn toàn không xa xỉ chút nào hết. Xa xôi , mông lung, thì dĩ nhiên rồi nhé. Có thứ trừu tượng nào mà không xa xôi hay mông lung.
Còn diệu vợi ? Diệu vợi có phải cũng là đặc tính của một khuynh hướng truy tầm, truy hỏi của con người trong bản chất của nó, để tham dự vào những viễn tưởng, viễn tượng đời sống khi các yếu tố khác trong đời sống mớm, gây cho nó những nghĩ tưởng phải phóng tầm nhìn ra xa, rộng để dự phòng những gì có thể xảy ra ? Diệu vợi như phóng tới trước cùng thời gian với vận tốc lớn hơn ánh sáng để xem tóc xanh trên đầu hóa màu mã não hay trân châu, như tơ tưởng vùng trời bay luợn dị kỳ của electron, hay đọc cổ thư nghe người xưa bàn Kinh Dịch, tìm Tánh Không bên đôi bờ nhật nguyệt. Cũng trong khuôn khổ của “cái Diệu vợi”, và ngả về hướng Mỹ học, mơ mộng, nếu tôi nhớ không lầm F. Hegel đã viết một câu đại ý là : Suy tư là thả mình thong dong với những ý nghĩ
Còn cần thiết ?
Như đã nói trên, Triết học đối với trí thức Âu Mỹ có những khi là điều cần thiết, ít nhất là loại kiến thức giúp ta phân biệt, biện biệt được cái đúng, cái sai trong không ít vấn đề trong đời sống và trong tri thức. Kể nghe chơi chút nhé : Cũng chính vì muốn tìm ra “con đường” , hay cách thức để chúng ta truy vấn, dò tìm về các điều có liên quan đến Chân lý, nên một ông tổ đáng kính của Triết học Tây phương là Socrates đã cố gắng suy tư, nghiền ngẫm để chỉ dạy lại cho học trò ở kinh thành Nhã Điển các phương pháp để dò tìm xem tư tưởng chúng ta nhiều khi chúng đi lệch , đi lộn thế nào khi tiến đến nội dung của cái đích muốn tìm mà sửa sai. Đó chính là đường đến “Sao gọi là Suy Tư ?” ( Was heißt Denken? = What’s That called Thinking ?) 4.5 thế kỷ trước TC của ông tổ (bị coi là xí trai) của triết Tây, người mở đường cho Luận lý học phát sinh và góp sức cho khoa học cất bước. Con đường gập ghềnh để phân biệt, biện biệt, phản biện, tìm ra “ánh sáng”. Truyền thuyết kể rằngcó khi Socrates đứng hàng nửa ngày trong giá lạnh, chìm đắm trong suy tư, suy tưởng để tìm ra nghĩa và lý của một sự việc. Và tôi đồ rằng/nghĩ là có những lúc trong nửa ngày ấy, ánh chớp của ý nghĩa Niêm hoa vi tiếu nhà Phật cũng đã xảy ra trong giòng tâm thức ông, dù ông có biết mà để ý đến hay không.
Một ví dụ cho chuyện cần thiết: Luận lý học ( Logic) là một ngành có thể giúp ta phán đoán đúng sai chặt chẽ ( deductive reasoning), hoặc đúng bằng chứng cớ ( inductive reasoning ) trong nhiều vấn đề từ khoa học cho đến chính trị, kinh tế. Lấy một ví dụ : Theo bạn nghĩ, khi Trump lên làm tổng thống thì NATO sẽ mạnh hay yếu đi ?
Với câu hỏi trên, từ Luận lý học bạn có thể thiết lập các mệnh đề, tìm liên hệ, và đưa ra một phán đoán có giá trị thuyết phục cao hay thấp tùy lập luận và liên hệ giữa các yếu tố và giá trị của chúng.
Hoặc với 1 ví dụ khác: Nếu đồng đô la gục ngã (collapse), bạn có thể mua Nhà Trắng với chỉ 1 triệu đô la.
Vì thế, một “định nghĩa” , hay một quan niệm thường được công nhận với số phiếu tín nhiệm từ cao đến rất cao trong giới hàn lâm Âu Mỹ thì Triết học là môn học giúp ta suy tư, tra vấn các vấn đề có liên quan đến kiến thức, giúp cho ta có được những kiến thức [knowledge: ví dụ Siêu hình học (Metaphysics), Luận lý học (Logic), Ontology ( Bản thể học) , Epistemology ( Tri thức luận), triết học của các triết gia , trường phái, không loại trừ một phần các ngành Khoa học v.v.] vững chãi , hữu dụng và khả năng phán đoán về các giá trị (values) trong cuộc sống (ở các mặt, các lãnh vực khác nhau).
Ở chốn hủ lậu, khốn khó, yếu kém vể mọi mặt trong thời 1975-1985 ấy hoặc dài hơn xuống đến cuối thế kỷ 20, quả cũng rất khó cho NgHThiệp có thể thoát ra để không thốt lên một lời quê mùa như thế( In many ways, you are the product of your environment). Dù chính ông , trong văn của mình , cũng thường mang tính cách triết lý, một loại triết lý “đường phố”cộng với chiêm nghiệm thực tế đời sống và sách vở, và thường mang hương vị Đông phương.
Cái mà ông cho là xa xỉ, chắc chắn đến từ ý nghĩ về thời gian quá nhiều các ông triết gia Đông hay Tây dùng để truy tầm, suy tư, so sánh, đối chiếu, phóng nhậm, quy nạp, diễn dịch, trầm tư, lý luận v.v. để đúc kết, thu hoạch, hoặc hệ thống hóa tư tưởng của mình như Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Pháp Xứng, Udayana, Lão tử, Khổng tử, Tuân tử, Hàn Phi tử, Trình Minh Đạo, Chu Hi, hay Socrates, Plato, Aristotle, Leibniz, Kant, Husserl v.v. Trong cương vị và nghiệp phận của các triết gia đó dĩ nhiên là điều phải làm, nhưng riêng đối với giới trí thức, và giới ưa suy tư thì triết học cũng không xa xỉ, như đã nói trên.
Nó cũng là một căn cốt, thể tính ( an essence) của con người và một thúc đẩy tìm ánh sáng trong thân phận con người ( human predicament) nơi trần gian muôn màu này.
-------
Ref
https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nvn4n31n343tq83a3q3m3237nvn
No comments:
Post a Comment