Wednesday, March 21, 2018

Ba nghìn thế giới nhập vào mắt thơ (Tam thiên thế giới nhập thi mâu)

*
Gìời ạ, Phật Hoàng Trần Nhân Tông ơi. Hai tuần qua đọc câu thơ trên con tá hỏa tam tinh. Chẳng biết “nghĩ” , “tưởng” sao . Sao ba nghìn thế giới lại có thể nhập vào mắt thơ “ẩu” như vậy ? Ở đâu, trong “ngữ cảnh” như thế nào ? Dù nói theo kiểu surreal, symbolic hay là kết nối của imagery cùng context
Khởi đầu con cho là Ngài, vốn là một hồn thơ khoảng khoát , tâm hồn thường bay trên những vùng trời cao rộng, trải dài, rộng trên tám hướng mười phương, nên câu thơ cũng mênh mông bát ngát , khi đứng giữa đất trời thênh thang cao rộng nơi núi mây vây bọc , phủ trùm , nên hồn thơ cũng mở tung ra cho chữ bay ra và “khoáng nghĩa” lên.
Sau đó thì nghĩ rằng nếu Ngài viết : Ba nghìn thế giới nhập vào mắt thiền thì có thể ‘có nghĩa’, ‘có lý’ hơn, vì trong con mắt nhà Thiền, và một thiền sư liễu đạt như Ngài thì một thế giới, hay “một ngàn thế giới” cũng có thể được lập thành một đề mục để quán tưởng.
Nhưng không, câu thơ là : Ba ngàn thế giới nhập vào mắt thơ. Câu thơ thật là Thơ. Độ bao quát , trùm phủ của nó rộng quá. Và “Thức” nào, Tâm thức nào sẽ sẵn sàng để đón nhận nó, “tiến nhập” vào “cõi” của nó ? Chẳng lẽ lại theo mấy ông thông thái lẩn thẩn Tây phương để “hiểu” nó , theo kiểu của meta-context, với không ít võ đoán, quàng xiên.
Cho đến khi đọc lại về Tam thiên thế giới, Tam thiên chư pháp trong Phật Quang Đại Tự Điển do Thầy Quảng Độ dịch, và đọc về Đại Lãm sơn hay núi Dạm; về địa lý chùa, sự tích chùa , về việc Thái phi Ỷ Lan, vị thái phi thuộc hàng đệ nhất công thần-thánh hậu triều Lý cho xây lập chùa trên núi Dạm với quy mô cực kỳ hoành tráng
Thập nhị lâu đài khai hoạ trục.
Cũng như buổi Dạ yến một đêm, mừng thiết kế, xây dựng chùa đang tiến hành. Cà một vùng non nước— bên kia là sông Đuống , xa xa là sông Hồng; các núi chung quanh là Mây Đầu, Lục Nam , Yên Tử, Tam Đảo, Núi Lịch v.v.— vây quanh…
… thì thấy đúng là “nhập vào mắt thơ”
Thì Tu Di đó; thì núi , sông , biển đó. Hốt nhiên lời thơ bay ra, vút lên, trải rộng ra bốn phương tám hướng đất trời , lan tỏa đến các tiểu thiên, trung thiên thế giới. Thi nhân/thiền sư, như thế, “Nói đúng sự thật”. Còn cách nói mở ra hay khép lại là tùy tài năng, cảm nhận, liên tưởng, độ tiếp cận của ngôn ngữ với đời sống, cảnh và tình của mỗi người. Để cho “thế giới” mở ra bay lượn, vi vu và nhập vào mắt thơ .
Xong chuyện “vào mắt thơ”, sau đó là
Tục đa biến thái vân thương cẩu, Tùng bất tri niên tăng bạch đầu.
hay Sự trục nhãn tiền quá.
Lão tòng đầu thượng lai. (Mãn Giác)
Đó cũng như nhau. Xong việc thắng quân Nguyên 3 lần rồi, gả công chúa Huyền Trân, xây dựng tình hữu nghị Việt-Chiêm xong rồi, “tớ” đi đây; đi lễ Phật, tham Thiền, tạo công đức .
Và ‘bay’ vào cõi hậu-Giác ngộ nhé.
---

Đại Lãm Thần Quang tự
Thần quang tự diểu hứng thiên u. Sanh thố phi ô thiên thượng du. Thập nhị lâu đài khai hoạ trục. Tam thiên thế giới nhập thi mâu. Tục đa biến thái vân thương cẩu, Tung bất tri niên tăng bạch đầu. Trừ khước chú hương tham Phật sự, Tá dư niệm liễu tổng hưu hưu.
Dịch nghĩa
Chùa Thần quang có nét u nhã riêng, Chở ngọc thỏ, cưỡi kim ô du ngoạn trên bầu trời. Mười hai toà lâu đài vẽ ra trục họa Ba nghìn thế giới nhập vào mắt thơ. Dòng đời chảy trôi, đổi thay như mây trắng hoá chó xanh, Cây thông không biết năm tháng sư bạc đầu Ngoài việc thấp hương tham thiền ra, Mọi điều suy nghĩ đều cho qua đi hết.

Chùa Dạm tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội), cũng được gọi là chùa Lãm Sơn, theo tên núi. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý.
Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977
Nguồn:
Note :
* tham Phật sự: tức tham Thiền

No comments:

Post a Comment