Wednesday, February 13, 2013

Nữ tướng Bùi Thị Xuân



 Nữ tướng  Bùi Thị Xuân

Đang viết về vua Quang Trung thì chợt nhớ, nếu không viết ngắn gọn, trong hạn thời gian cho phép, về Bà Bùi Thị Xuân, vị nữ lưu tướng quân-anh kiệt, mà khí phách cũng như tấm lòng của Bà với non sông, với vua Quang Trung, thì quả là thiếu xót khó thể “th ông cảm”. Bà là người mà cả thời thanh niên đến bây giờ vẫn ở trong lòng ta, như một biểu tưởng chói lọi của nhân phẩm cao quý tuyệt vời, của khí phách và tình nghĩa ngất trời. Của  lòng chính trực, và lòng thương người.  Cái chết bi tráng, thảm thuơng nữa; Lịch sử bi thương ơi, sao đọa đày , cay độc đến thế ??  Ngày xuân nghĩ tới Quang Trung, tới Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa v.v. mà không viết đôi hàng vọng kính/kính tưởng thâm sâu đến
một tiền nhân, một cân quắc nữ anh hùng thì sao có thể “tha thứ” cho chính mình được.

-         Một nữ tướng kiêu hùng bậc nhất, một vị anh thư mà tài có
    thể làm nghiêng thành, một song kiếm tuyệt luân , một nhan
   sắc hoa nhường. Còn gì nữa ?

-         Một tấm lòng thương dân chân thật

-         Một sáng suốt lạ lùng khi xử lý vụ đói và mất mùa ở Quảng Nam :

   “ Ngoài ra, bà còn ra lệnh bãi bỏ các cuộc truy lùng những nhóm người nổi dậy, và mạnh dạn ra tuyên cáo rằng: Ai vác cày bừa, nông cụ thì được coi là dân lành...Vì thế nạn trộm cướp và chống đối ở Quảng Nam (nhất là ở huyện Quế Sơn) nhanh chóng chấm dứt, dân chúng lại được yên ổn làm ăn...”   ( nguồn: Viet Wikipedia). Đây là quyết định mà sự sáng suốt vượt xa hẳn những “cái đầu” của những quan bình thường khác, và ngay cả những quan tương đối trong sáng, hiểu biết , và cũng có lòng đoái hoài tới nỗi khổ của người dân. Bởi vì có rất nhiều hệ lụy, rắc rối, nhiều  “tội” có thể bị truy tố lên triều đình về những việc làm như thế này, với một tội danh nặng nề. Phải là người rất quả cảm và có lòng thương dân rất chân thật và thông cảm với những nguyên do đã có thể khiến một người dân bình thường vì đói quá mà phải trở thành trộm cướp hay chống đối. Quả cảm này và lòng thương đó mói làm nảy sinh ra sự sáng suốt lạ lùng trên. Điều này cũng giống như vua Trần Nhân Tông đã đốt hết những chứng cứ tố cáo những kể làm phản theo quân Nguyên hay chống đối để an lòng dân, sau khi đã đại thắng quân Nguyên-Mông.

-         Một tấm lòng chính trực. Không vì tình riêng với chú ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên mà thù oán các vị đã giết chết vị Thái sư chuyên quyền này. Bà chỉ chuyên tâm phục vụ triều đình, lo cho rường cột đất nước, mà không kéo bè , kết đảng để trả thù hay mưu đồ gì cho riêng mình.

-         Một tận tâm , tận lực đến cuối cùng. Trong trận Trấn Ninh, Bà đã liều chết cố gắng đến phút chót hầu mang lại thắng lợi cho bên mình , nhưng vì Cảnh Thịnh  xuẩn động, và tình hình thủy binh thất bại , rồi quân tan vỡ, nên đành phải thua.

-         Và một khí phách ngất trời khi đối mặt Gia Long. Ngài G/Long ạ, trước một nữ anh hùng đối thủ đáng kính trọng như vầy, dù Bà đã vây hãm ông , làm ông tưởng ông đã nguy khốn đến nơi,  mà ông đối xử bằng cách cho voi dày cả gia đình, thì tâm địa của ông quá sắt đá, hẹp hòi, tàn nhẫn. N ơi sa trường, hai hổ đấu nhau , thì làm sao tránh được một có thể thua táng mạng. Làm sao ông lại có thể đeo thâm thù như thế, sau khi người ngã ngựa, một nữ anh hùng sẵn sàng đón cái chết như một làn chỉ đứt của một con diều, một lông hồng trong gió. Nếu không cầm tù hay buộc chết tại sao không đối xử trượng phu hơn – một chén thuốc độc, một đường gươm ngang cổ-- là được rồi, cần gì phải để thâm thù che khuất trí não để bây giờ hậu thế biết được, chỉ còn biết lắc đầu nhìn ông “chán nản” !!!


Rồi cùng một mối tình thơ mộng, diễm lệ với đại tướng Trần Quang Diệu nữa. Duyên hạnh ngộ trăm năm đằm thắm yêu thương của hai người xảy ra thật kỳ lạ, và cũng chỉ xảy ra như thế với những con nhà võ. Trên đường gia nhập nghĩa quân của Tây Sơn , ông bị hổ dữ tấn công. Khi ông cầm cự và có thể bị nguy, thì Bà đi đâu đó thấy được nên nhảy vào dùng song kiếm tiếp cứu. Đúng là duyên kỳ ngộ, cảnh kỳ ngộ và trường hợp kỳ ngộ lạ lùng cho trai tài, gái sắc(và tài) gặp nhau , rồi yêu nhau , rồi thành vợ thành chồng, rồi “đầu quân” vói Tây Sơn cùng nhau, và cùng chết bên nhau cùng “ngày” , cùng cơ duyên. Một nhân vật kiệt xuất, một cuộc đời đẹp hiến dâng, đẹp son sắt, một chuyện tình kỳ lạ, diễm tuyệt mà oanh liệt, bi tráng như thế, mà chưa thấy đạo diễn nào, nhà viết phim của VN nào viết dựng kịch bản, rồi làm một phim hoành tráng, xuất sắc để tưởng niệm vị cân quắc nữ anh hùng này, và để thổi vào lòng học sinh, sinh viên tâm tình thắm thiết với Tổ quốc, với non sông của Bà thì há không phải là điều quá thiếu xót, quá trễ rồi ư?

TN


---------------

REF:

Công luận bình phẩm, hầu hết đều khen ngợi oai danh và tiết tháo của Bùi Thị Xuân. Theo sử liệu, sở dĩ được vậy là vì trong cuộc đời bà có mấy sự việc đáng chú ý sau:

Có tấm lòng thương dân

Gặp năm mất mùa, nhiều phủ huyện ở trấn Quảng Nam sinh loạn, quan quân địa phương không kiềm chế nổi. Triều thần lập tức tiến cử Bùi Thị Xuân ra nơi đó làm Trấn thủ. Đến nơi, bà tự mình đi thị sát khắp các hạt, rồi cho mở kho phát chẩn. Thấy viên quan nào chiếm công vi tư, ăn của hội lộ...bà đều thẳng tay cách chức, chọn người tài đức lên thay. Ngoài ra, bà còn ra lệnh bãi bỏ các cuộc truy lùng những nhóm người nổi dậy, và mạnh dạn ra tuyên cáo rằng: Ai vác cày bừa, nông cụ thì được coi là dân lành...Vì thế nạn trộm cướp và chống đối ở Quảng Nam (nhất là ở huyện Quế Sơn) nhanh chóng chấm dứt, dân chúng lại được yên ổn làm ăn...[9]

 

Bại trận vẫn hiên ngang

Ngoài thái độ hiên ngang khi bị hành hình, người ta còn truyền rằng khi nghe Bùi Thị Xuân bị bắt, chúa Nguyễn bèn sai người áp giải đến trước mặt rồi hỏi với giọng đắc chí:
Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?
Bà trả lời:
Chúa công ta, tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng.
Chúa Nguyễn gằn giọng:
Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?
Bà đáp:
Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc Hà...[12]



-----

NỮ TƯỚNG BÙI THỊ XUÂN: Biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Bình Định tự hào là quê hương của nữ anh hùng kiệt xuất Bùi Thị Xuân. Có tài năng, đức độ và khí phách hiên ngang, Đô đốc Bùi Thị Xuân chính là một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam và là nhân vật chính trong nhiều tác phẩm nghệ thuật.

1.

Tài năng của nữ tướng Bùi Thị Xuân được vua Quang Trung đánh giá rất cao qua việc ban tặng danh hiệu “Cân quắc anh hùng”. Trong trận đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), quân Thanh đã kinh hồn bạt vía trước đội tượng binh do Đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy, góp phần tạo nên chiến tích rạng danh lịch sử. Được cử ra làm Trấn thủ Quảng Nam, nữ tướng Bùi Thị Xuân đã thể hiện rõ khả năng trị nước qua việc mở kho phát chẩn cứu giúp dân, thẳng tay trừng trị bọn tham quan và chọn người tài đức lên thay... do đó đã dẹp được tình trạng làm loạn do mất mùa ở nơi đây.

Sau khi vua Quang Trung mất, vợ chồng quan Thái phó Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân tiếp tục hết lòng phò trợ cho nhà Tây Sơn cho đến hơi thở cuối. Đỉnh cao chí khí anh hùng của nữ tướng Bùi Thị Xuân thể hiện khi bà bị Nguyễn Ánh cho hành hình một cách tàn nhẫn.



2.

Được sự tài trợ kinh phí xây dựng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong) đã được xây dựng và khánh thành vào tháng 7.2008.

Đã có tiểu thuyết lịch sử Đô đốc Bùi Thị Xuân của Quỳnh Cư. Một số đơn vị nghệ thuật trong cả nước đã dàn dựng các vở diễn hay về nữ tướng Bùi Thị Xuân. Nổi bật là vở Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, từng đoạt huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. Bài Song Phượng kiếm tương truyền do Bùi Thị Xuân sáng tạo nên, đã được các nữ VĐV Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh rèn luyện biểu diễn đẹp mắt, gây ấn tượng mạnh đối với giới võ thuật trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên với một nữ nhân vật lịch sử đặc biệt như Đô đốc Bùi Thị Xuân, như thế là còn quá ít. Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân tuy hoành tráng nhưng hiện vật còn ít và thiếu sinh động, dẫn đến tình trạng thường xuyên vắng vẻ khách thăm quan. Do đó, nên quan tâm đầu tư thêm về phần “hồn” cho Đền thờ để phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống lịch sử, trở thành một địa điểm “về nguồn” đối với đông đảo phụ nữ Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.

Giới văn nghệ sĩ mà trước tiên là ở Bình Định nên quan tâm khai thác về đề tài này nhiều hơn. Khi tham gia thiết kế trang phục cho Cuộc thi Hoa hậu Những miền đất Võ năm 2008, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Việt Hùng từng bày tỏ ý định sẽ đầu tư kinh phí làm phim về nữ tướng Bùi Thị Xuân. Hãng phim Lý Huỳnh sau thành công của bộ phim Tây Sơn hào kiệt, cũng đang ấp ủ dự định thực hiện bộ phim về Bùi Thị Xuân.

NSƯT Lý Huỳnh cho biết: “Nữ tướng Bùi Thị Xuân là người tôi rất kính phục. Hiện kịch bản sơ bộ về bộ phim Bùi Thị Xuân chúng tôi đã có, khi nào đủ điều kiện sẽ triển khai thực hiện…”. Có thể thấy, những tấm lòng của người Việt Nam đối với Bùi Thị Xuân không thiếu, điều quan trọng là kết nối được những tấm lòng ấy để cùng tôn vinh “người phụ nữ tuyệt vời” trong lịch sử dân tộc.
Theo Hoài Thu
BaoBinhdinh

No comments:

Post a Comment