Thursday, February 14, 2013

Quang Trung Nguyễn Huệ


Theo ý kiến của tôi thì dưới đây là mấy điều nổi bật nhất trong hình ảnh/biểu tượng mà nhân cách và những thành tựu lớn lao của vua Quang Trung đã để lại cho hậu thế và người dân Việt nam :

1.     Tài năng và Trí tuê

Không cần phải dài dòng, những ai từng đọc sử cũng đều biết đến vua Quang Trung là một thiên tài lỗi lạc về quân sự và là người cực kỳ nhạy bén với những đối sách chính trị để xây dựng một đất nước phú cường. Việc Ngài ra chiếu cầu hìền , mời La sơn phu tử Nguyễn Thiếp, cải tổ giáo dục, kinh tế , tôn giáo quản lý nhân khẩu, đều có “dấu ấn” rất Quang Trung— tức mạnh dạn, sáng tạo và quyết tâm thực hiện. Đó là Trí tuệ về việc kinh bang tế thế của một hoàng đế anh minh. Tài năng và trí tuệ của ông được đánh giá từ nhiều người nhiều mặt. Về quân sự thì những nhân tài, hào kiệt, chiến lược gia như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trương Mỹ Ngọc, Võ Xuân Hoài đều nhận ra đây là thiên tài thượng đỉnh , nói theo kiểu sách xưa là người là có “thần võ” vô song, có lục thao tam lược có thể cầm quân thần tốc tạo nên những chiến thắng kỳ diệu. Về võ công của riêng bản thân, thì ông là người chế ra “Yến Phi quyền” nổi tiếng của Bình Định. ông từng làm tướng tiên phong đánh nhiều trận, đánh bại nhiều tướng. Ắt hẳn trong những lần cầm quân như thế các đại tướng như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng v.v. cũng đã thấy ông thi triển võ công mà khâm phục. Sau này, khi đã dẹp xong quân Thanh, ổn định và hoạch định những chính sách cải tổ và xây dựng đất nước, các văn thần, các quan văn cũng đã thấy những tiên liệu, hoạch định, kế sách thực hiện của ông và tán thán. Đứng ở từng góc độ, ở từng mức trí tuệ, mọi người đều có cách đánh giá ông khác nhau, ví dụ như học sinh, sinh viên đánh giá tài năng Toán của thiên tài toán Ngô Bảo Châu một khác, các giáo sư đại học khác , và Andrew Wiles lại khác nữa. Càng hiểu hơn về những khó khăn mà vua Quang Trung phải đối phó và tìm ra cách giải quyết cho các vấn nạn, người càng có trí tuệ nhiều hơn như các tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn v.v. càng hiểu hơn về sự anh minh, sâu sắc của vua hơn , từ đó lòng khâm phục , hay liên tài càng đậm hơn , và lòng tin yêu càng rõ ràng hơn. Đó là lý do tại sao tôi nói càc văn thần, võ tuớng lại “”khoái/mê”, kính phục Ngài. Và càng gia công giúp Ngài thực hiện các ước mơ , các công trình của Ngài, mà như vậy cũng chính là thực hiện các ước mơ, hoài bão của chính họ trong công cuộc xây đụng đất nước . Nói theo phong cách thời nay, thì chính Quang Trung Nguyễn Huệ là người đã giúp các văn thần, võ tướng “khám phá” ra thêm một chiều nữa của tâm hồn mình, đó là cái chiều có tên Tận tụy/Tận lực với Tin Yêu và Say mê. Ông đã thổi vào hồn họ nhiệt huyết nồng hơn, cháy hơn để phụng sự Tổ quốc. Mà thực sự Tổ quốc: ngoài Xã tắc, Tôn miếu, đền đài, cương thổ , núi sông, ngôn ngữ, phong tục , tập quán, văn hoá, thí còn là ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn , xóm giềng, quán đầu làng, xôi đầu ngõ, có gì xa lạ đâu, có gì không phải thân thuơng gần gũi, để nếu lỡ mất rồi thì … Do vậy, chỉ cần nghĩ lại một chút , các vị tiền nhân ấy sẽ nhận ngay ra chỗ nào là tiếng gọi của con tim của chính mình mà phụng sự. Một tâm thức tự nhiên /trong sáng sẽ dẫn lối về cho con tim để biết được “quê hương là gì” để khỏi phải thắc mắc trừu tượng và “khó khăn”  như,

              “ Em đã đến quê hương một lần
                 Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm”
                                        (TCS)
dù đây cũng là m ột câu hỏi được đặt ra nghiêm túc .

Vìết tới đây thì nhớ đến chuyện giáo sư Triết tại các đại học Mỹ Nguyễn Quỳnh. Ông kể,
“ Năm 1979, tôi gặp cụ Hoàng Xuân Hãn (theo tôi fải viết là Hoàng-xuân Hãn hay Hoàng Xuân-hãn) tại nhà của cụ ở Paris. Cụ Hãn cho tôi xem chữ viết của vua Quang-trung, và nhỏ nhẹ nói: “Xem chữ viết biết người ít học!” Tôi cũng nhỏ nhẹ thưa: “Nhưng Quang-trung là người fi-thường!”  [ Note: phi thường]

Hoàng Xuân Hãn là một học giả giỏi, nhưng trong ngữ cảnh và viễn tượng có thể tưởng ra được thì câu nhận xét về chữ viết mang một “chỉ dấu”, hay “nội dung chỉ dấu” ( intentional content) theo nghĩa của triết gia Edmund Husserl, như được định nghĩa như sau:

“ To say that thought is “intentional” is to say that it is of the nature of thought to be directed toward or about objects. To speak of the “intentional content” of a thought is to speak of the mode or way in which a thought is about an object. Different thoughts present objects in different ways (from different perspectives or under different descriptions) and one way of doing justice to this fact is to speak of these thoughts as having different intentional contents.    For Husserl, intentionality includes a wide range of phenomena, from perceptions, judgments, and memories to the experience of other conscious subjects as subjects (inter-subjective experience) and aesthetic experience, just to name a few.
              Source: http://www.iep.utm.edu/huss-int/

Như vậy “chủ hướng tính” (intentionality) , theo Husserl , bao gồm hàng loạt các hiện tượng từ nhận thức, phán đoán, ký ức cho đến những kinh nghiệm về chủ thể như chủ thể nhận thức, nói tóm gọn. Và nội dung của chỉ dấu là nhằm hướng tới một cách nhìn, một lối tư duy hay đánh giá một sự kiện. Thế thì, trong cách nói của ông Hãn về chữ viết của vua Quang Trung có hướng tới một “hàm ý” , một nội dung có tính đánh giá, mà đánh giá đó là “Quang Trung là người ít học”. Chúng ta không cần phải đẩy xa, sợ rằng sẽ gây ngộ nhận và “xuyên tạc” ý ông Hãn. Nhưng chỉ một câu đánh giá như thế , nó vẽ lên hình ảnh một ông học giả đầu óc chỉ bo bo với những kiến thức hàn lâm của mình, và những đánh giá của ông về một sự kiện hay nhân vật gì, nào cũng đều phải thông qua cái hình thức : “người đó có phải là người học cao hiểu rộng không ?”, hay “sự kiện đó có phải được thể hiện từ một trí thức không?”. Tôi thật hết sức thất vọng về lề lối đánh giá một nhân vật lịch sử mà thần võ, tầm mức lớn lao và công đức của ông đã để lại cho dân tộc và Tổ quốc, đã bị đánh giá từ một góc độ theo tôi rất hời hợt và nông cạn, lầm lẫn như trên. Ông học giả ơi, cái gì làm cho ông  “mất sáng”  đến thế ? Cái gì đã làm cho cái nhìn của ông lệch lạc, và trật mục tiêu đến hàng dặm thế, nói theo cách nói của người Anh. Để tôi lấy một thí dụ cho ông hiểu nhé, và nhận ra mình sai lầm như thế nào: Ví dụ, khi nhìn hay nghĩ về một bà mẹ hay cha mà công sâu , ân đức sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ cho ông lớn lao quá , thì khi nhìn những nét nhăn xấu xí trên gương mặt cụ, hay khi thấy bàn tay thô nhám, đen đúa vì nắng mưa dầu dãi để nuôi lớn ông , thì ông có thấy những nét nhăn , vết xù xì thô nhám xấu xí kia là xấu xí không? Hay ông sẽ nhìn ra/ đọc ra trong đó biết bao yêu thương tận tụy, biết bao hi sinh dầu dãi và thấy chúng đẹp, chúng đẹp vô cùng và có những khi có thể rơi lệ nghĩ về chúng. Giản dị thôi , và tôi mách cho ông này: ngay cả trong quan sát thực nghiệm trong Cơ học lượng tử: thì cách dùng hay set up, dụng cụ thí nghiệm và cách quan sát có thể làm con mèo đen hóa thành con chó trắng đấy. Đìều này chắc ông , khi sinh tiền , chắc cũng có biết mà.

2.     Lòng yêu nước và tự hào dân tộc

Thực sự chẳng cần phải nói gì về Lòng yêu nước. Đây là một tình cảm tự nhiên phát sinh từ môi trường sống của mình. Dân tộc nào thì yêu dân tộc đó. Điều minh bạch, sáng suốt của vua Quang Trung như một tấm lòng yêu nước là vìệc ông ra lênh cải tổ giáo dục, trong đó việc chính yếu là bỏ chữ Hán , dùng chữ Nôm :

  “Quang Trung bỏ Hán ngữ như là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản của quốc gia. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng là tiếng Việt và được viết trong các văn kiện hành chính bằng hệ thống chữ Nôm.[62] Quang Trung quy định các bài hịch, chiếu chỉ phải soạn bằng chữ Nôm; đề thi viết bằng chữ Nôm, và các sĩ tử phải làm bài bằng chữ Nôm. Ông còn chủ trương thay toàn bộ sách học chữ Hán sang chữ Nôm nên năm 1791 đã cho lập “Sùng chính viện” để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm.[62]
Theo sách Tây Sơn lược thuật, ông chọn một quan văn “5 ngày một lần vào cấm cung để giảng giải kinh sách”.[62] Ngoài ra, Quang Trung quan tâm đưa việc học đến tận thôn xã. Trong “Chiếu lập học” ông lệnh cho các xã::[62]“Phải chọn Nho sĩ bản địa có học thức, có hạnh kiểm đặt làm thầy dạy, giảng tập cho học trò”.
                                                     ( Viet Wikipedia)
Từ thời  nhà Trần đã manh nha việc dùng chữ Nôm trong thơ văn, nhưng phải chờ đến thời Quang Trung mới là giai đoạn dùng chữ riêng của người Viêt trong văn kiện hành chính, sàch vở.

Đìều nên nói thứ hai có phải là từ lòng tự hào về dân tộc, pha lẫn với lòng tự hào về chính khả năng vủa mình , nên thiên tài quân sự vô song Nguyễn Huệ đã có thể thổi bừng dậy lòng tự hào này trong văn quan , võ tướng của mình. Ông đi hết từ chiến thắng này sang chiến thắng khác. Một nhân tài hàng đầu về chính trị và quân sự như Nguyễn Hữu Chỉnh, con chim cắt, con đại bàng trong khung trời chính sự Bắc Hà, người mà khả năng có thể làm nên chính biến, khả năng lung lạc hay thuyết phục đối thủ khá dễ dàng như Chỉnh , mà khi muốn tạo phản , đã bị Huệ bắt dễ như trở bàn tay. Điều này lần nữa nói lên việc liệu định tình hình và tạo ra chiến lược, chiến thuật để thi hành kỳ lạ của Huệ. Chính sự pha trộn thiết yếu và tự nhiên về lòng tự hào bản thân và dân tộc này  trong tâm thức/ tâm lý của vị đại vương , rồi Hoàng đế này đả chuyển lửa, chuyển  nội lực, chuyển quang năng và nghị lực sang tướng sĩ và binh lính của ông để làm nên chiến thắng Hà Hồi, Ngọc Hồi rồi Đống Đa v.v., làm khiếp vía Tôn Sĩ Nghị vá vua quan nhà Thanh thời bấy giờ. Hãy đọc thật kỹ giai đoạn lịch sử này để thẩm thấu lòng tự hào này qua các câu :
         
Đánh cho để dài tóc.
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chích luân bất phản.
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”
                            
để rồi có cần phải nói gì thêm về lòng tự hào của vị Đại Nguyên Soái Tổng thủ lĩnh cùng quạn dân , tướng sĩ thời đó trong những chiến công , chiến thắng vang dội sử xanh nước Việt. Trở lại một chút : ngoài anh hùng, tướng sĩ  phương Nam, bằng vào  hai thứ tự hào pha vào nhau này, vua Quang Trung đã khìến cho lòng tự hào của hào kiệt miền Bắc như  “mưu thần/ chiến lược gia Ngô Thì Nhậm, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, kiếm sĩ/thi gia Đoàn  Nguyễn Tuấn, sứ thần Ninh Tốn, binh gia Đặng Tiến Đông v.v. được phấn khích, thổi bùng lên quyết tâm đánh cho giặc tan tác chim muông, cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ, để toàn vẹn lãnh thổ và để tiếp tục sống trong văn hoá, phong tục, lễ nghi phương Nam. Anh hùng hào kiệt đã được biết về những chiến tích lẫy lừng của Bắc Bình Vương từ thuở ông vừa mới xuất quân những trận đầu tiên từ Phú Yên, Gia Định, Nam Bộ, Rạch Gầm, Xoài Mút, đập tan quân Xiêm, viện binh của Nguyễn Ánh v.v., nên trong lòng họ chắc chắn đã nẩy sinh những lòng tôn phục, tin tuởng mãnh liệt vào khả năng điều binh, khiển tướng của ông. Từ đó họ tiếp xúc, chia sẻ , bàn bạc nhiều hơn với ông và với nhau, để rồi sau đó biết chắc ông chính là vị Đại Nguyên Soái vô song mà có thể là “Trời” đã giúp cho quân Nam làm nên những chiến công vang dội lịch sử Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa , trong công cuộc đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789. Nếu tôi sinh ra thời đó, được làm một viên tướng nhỏ, cầm quân theo Ngài đi đánh những trận Hà Hồi, Ngọc Hồi hay Đống Đa, tôi biết chắc mình sẽ thấy rất hạnh phúc.

Không lạ lùng gì lắm đâu về chuyện “phân tâm” cái lòng tự hào dân tộc này để tìm hiểu tâm lý các dân tộc . Nếu chúng ta chịu tìm hiểu về tâm lý này, ví dụ, của ngưòi Nhật, chúng ta cũng sẽ thấy những điều dễ nhận diện. Con cháu Thái Dương Thần nữ học Khổng thì muốn vượt Khổng khi cần, học Tây Phương thì cũng muốn vậy, vì quyết tâm và cũng chính vì lòng tự trọng, và tự hào dân tộc. Và họ đã tiến bộ vượt bực.

3. Một nhân cách riêng rất cuốn hút, đặc biệt

Trong nhân cách riêng có gì đó rất cuốn hút : có thể là cách hành xử, cách xử kỷ tiếp vật  và cách giải quyết công việc . Những gì tôi còn nhớ được mà các nhà nghiên cứu về Ngài nói tới là : đầu óc cực kỳ nhậm lẹ, nhạy bén/sắc bén, nhất là trong những quyết định về quân sự và chính trị; liệu việc như thần, và là người quyết đoán.  Đó là lý do tai sao Giáo Hiến ( thầy Trương Văn Hiến) đã chọn Ngài trong Tây Sơn tam kiệt, ba anh em Nhạc , Lữ , Huệ, để gởi tâm nguyện phục vụ Tổ quốc cho Ngài và giúp xây dựng nền tảng và thực lực cách mạng cho Nguyễn Huệ khi Ngài còn chưa có gì hết. Còn trong cách xử kỷ tiếp vật, đối nhân xử thế, trọng dụng nhân tài để mưu cầu lợi ích cho quốc gia, dù là một khối óc mẫn tuệ, ông vẫn có giọng khiêm tốn đáng kính của một Hoàng đế  mang trọng trách trên vai, lo toan, nghĩ sâu mưu lược để xây đắp một đất nước phú cường, người dân được ấm no, vui sống, mả mời gọi sự hợp tác của kẻ sĩ, nhân tài của đất nước ra làm việc. Tầm nhìn của Ngài đâu thua Nguỳễn Thiếp mà vẫn ba lần cầu nài vị thư sinh mặt trắng/ túc nho ẩn sĩ đó. Vậy thì vì điều gì mà Ngài phải như thế ? Ắt phải vì lo lắng cho sự cường thịnh của đất nước, an vui cho xã tắc. Chỉ cần đọc lại “Chiếu Cầu Hiền” là rõ. Một nhân cách như thế sao không để lại trong lòng bầy tôi, người phụ giúp, rồi sau này hiền thần, bá quan văn võ những mỹ cảm, những mến thương đẹp đẽ.


"Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến. Hay Trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự?... Trẫm nơm nớp lo nghĩ, một ngày hai ngày cũng có hàng vạn sự việc nảy sinh Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương".


Để khóa lại bài viết, và sợ dùng bài “Ai Tư Vãn” của Bắc cung Hoàng hậu, tức công chúa  Ngọc Hân ngày trước, thì e có chuyện đánh giá không công bằng , nên xin dùng mấy hàng của Lê Triệu, một kẻ sĩ tiết tháo, cương trực, khóc vị đại anh hùng áo vải-thiên tài quân sự đất Tây sơn , để bày tỏ lòng kính trọng sâu xa trước sự kỳ vĩ của ông. Cũng xin nhắc lại , trước 1975, nhà văn Duyên Anh có quyển “Mơ thành người Quang Trung” là một quyển truyện cho học sinh tiểu học hay mới lên Trung học rất hay. Đây cũng là “cái mê, cái khoái”, cái bội phục và kính trọng mà một nhà văn, bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình, và thổi vào lòng thiếu niên một tình cảm sâu đậm, mang nặng tính sử thi anh hùng, làm bệ phóng cho những ước vọng xây dựng quê hương và canh tân xứ sở, cho hồn tuổi trẻ rực thắm tin yẽu và hướng về tương lai khỏe mạnh, hùng tráng.

“Từ khi triều Nguyễn thiết lập, bất kể những ai hé miệng nhắc đến nhà Tây Sơn đều bị trừng trị rất nghiêm khắc. Vậy mà vào năm 1804, nghĩa là mới sau hai năm lăng mộ vị anh hùng dân tộc Quang Trung bị khai quật và Gia Long mới lên ngôi, trong chuyến đi từ Thanh Hóa vào Huế (Nam hành) Liên Khê Lê Triệu đã dám đến viếng mộ vua Quang Trung. Có lẽ ông là nhà nho duy nhất thời bấy giờ đã công khai sáng tác thơ chữ Hán “Kiến Quang Trung linh cửu” (thấy linh cửu vua Quang Trung). Bài thơ này đã công bố trên một số báo chí gần đây, chúng tôi xin giới thiệu lại phần dịch thơ:

“Bao năm thét mắng át phong vân
Đủ thấy anh hùng – bậc vĩ nhân
Hàm Dã hận vùi muôn vạn xác
“Khuân Sơn” phần mộ họa trăm năm
Ngậm hờn chỉ trích ngàn thu hận
Nỡ phụ đường đường tám thước thân
Quang cảnh thảy đều thành cát bụi
Khiến đời muôn thuở cợt Doanh Tần!”
                          (Hồng Phi – HN dịch)

Trong nội dung bài thơ, tác giả Lê Triệu đã nhắc lại sự kiện ngày 22-12-1788 khi nghe tin quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ đã cho dựng đàn tế trời đất trên núi Bân (Bân Sơn) ở Huế, thét mắng bọn ngoại bang xâm lược, lên ngôi vua lấy hiệu là Quang Trung, rồi kéo quân ra Bắc tiêu diệt kẻ thù. Lê Triệu đã ca ngợi vua Quang Trung, người chỉ huy trận đại thắng đánh tan 20 vạn quân Thanh là bậc “vĩ nhân, anh hùng”. Ông cũng bộc lộ nỗi lòng “căm hờn”, “uất hận” khi thấy vị anh hùng Quang Trung, người đã làm nên đại thắng oanh liệt như trận “Hàm Dã” của Hạng Vũ bên Trung Quốc, sau khi mất lại bị trả thù khai quật phần mộ ở “Khuân Sơn” và chỉ mới hai năm thôi, mà phần mộ này đã bị triều Nguyễn xóa hết dấu tích, chỉ còn là “cát bụi”.”
                                                                              (Hương Nao )


-----------

REF





TN
Kỳ niệm 224 năm chiến thắng Đống Đa
California, mùng 5 tháng Giêng Quý Tị 2013

No comments:

Post a Comment