Thursday, April 19, 2018

Đại tá Nguyễn Đình Bảo (LHNam)


Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo, Tđt Tđ 11 Nhảy Dù, người ở lại Charlie —

Ông thuộc dòng "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung", anh em trong họ có nhiều người theo đường binh nghiệp.
Người bạn quen kể tiếp : Ổng là bác tôi, dù nhỏ tuổi hơn ba tôi. Ổng là người nghiêm túc, tuy rất thân thiện , xuề xòa. Hồi tôi học ở Thiếu sinh quân, có lúc chễnh mãng việc học hành, điểm kém là bị ổng kêu ra dũa, bảo phải chấn chỉnh lại. Ngày ổng hi sinh ở Charlie, cả họ khóc. Tôi nhớ ông có 3 con.
---

FBker Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa viết :
June 20, 2012 ·
Cố đại tá Nguyễn Đình Bảo nguyên là Trung tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù tử trận ngày 12 tháng 4 năm 1972 trên đỉnh Charlie thuộc tỉnh Kontum vùng II chiến thuật trong trận Mùa Hè Ðỏ Lữa 1972. Được thăng cấp Đại tá sau khi tử trận.
Cố Trung Tá Nguyễn Đình Bảo đã nằm yên lại Charlie ngày 12 tháng 4 năm 1972 khi vừa đúng 35 tuổi.
I - Cuộc đời binh nghiệp :
Ông và gia đình rời Hà Nội vào Nam năm ông 18 tuổi thì ba năm sau, ông thi đậu Tú tài và tình nguyện gia nhập binh chủng Nhãy Dù sau khi tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Trong 14 năm ở lính, ông đã từng tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ từ khắp “4 vùng chiến thuật” từ trận Ấp Bắc, giải vây đồn Bổ Túc ở những năm 1960 mở đầu cho thời kỳ chiến tranh “giải phóng”, ông đã “trưởng thành trong khói lửa” và thoát chết nhiều lần. Từ trung đội trưởng Tiểu đoàn 8, ông qua tiểu đoàn 3, rồi làm Đại đội trưởng Tiểu đoàn 1, rồi tiểu đoàn 9.
Tên tuổi ông đã gắn liền với nhiều trận đánh khốc liệt như: Năm 1965 giải vây Đức Cơ, năm 1966 ở Cheo reo, Bồng Sơn. Năm 1967 hành quân khắp vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, từ sông Hương ra tới Phá Tam Giang, đèo Ba Giốc. Sau Tết mậu Thân 1968 thì về vùng đồng Ông Cộ, Hóc Môn, Bà Điểm. Sau đó là Tống Lê Chân, Kà Tum, sông Vàm Cỏ, Khe Sanh, Hạ Lào.
Từ tháng 5 năm 1971 ông về nắm chức Tiểu Đoàn trưởng 11 của binh chủng Dù cho đến lúc cuối ở Charlie. Nếu còn sống, có lẽ ông đã lên cấp Tướng, nhưng sau khi tử trận ông được thăng một cấp lên là Đại Tá.Trong thời chinh chiến, người ta thường nói “Một là xanh cỏ , hai là đỏ ngực” có nghĩa là hoặc chết thì được chôn cất đàng hoàng hoặc chiến thắng với huân huy chương đầy ngực . Nhưng trường hợp cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo ở đây, thì ông đã nát thân nơi Charlie mà không có được cả một nấm mồ xanh cỏ cho ông.
Image may contain: one or more people, closeup and outdoor

Một người con đại tá Bảo viết về Ông:
"...


Tôi không thần tượng Cha tôi từ một bài hát viết về người, cũng không thần tượng từ một hai trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp của người, mà tôi thần tượng Cha mình từ chính cuộc đời của Người.

Trải qua biết bao thăng trầm đời binh nghiệp và cuối cùng người đã được giao làm tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn “Song Kiếm Trấn Ải” (biệt danh của Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù), một trong những tiểu đoàn được xem là thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Cha tôi là một người khát máu hung tàn, mà ngược lại hoàn toàn, mọi người đều nhớ về hình ảnh Cha tôi như là một võ sĩ đạo đúng nghĩa: Giỏi võ, dũng cảm và cao thượng.

Thời bấy giờ có mấy ai dám đánh một sĩ quan của Mỹ, vậy mà Cha tôi đã làm điều đó khi người sĩ quan đó dám làm nhục một người lính Việt Nam (chuyện này tôi được nghe bác ruột tôi kể lại). Có tiểu đoàn nào trong quân đội mà luôn gọi Tiểu Ðoàn Trưởng bằng tên thân mật “Anh Năm”?, nhất là trong binh chủng Nhảy Dù, việc phân chia cấp bậc luôn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Vậy mà trong Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù, tất cả mọi người, từ lính đến sĩ quan, chẳng ai gọi Cha tôi là Trung Tá cả, mà luôn gọi là Anh Năm, và “Anh Năm” thường hay nói với mọi người trong tiểu đoàn rằng: “Tụi mày thì chẳng biết mẹ gì, nhưng tất cả tụi mày tao đều coi là em tao hết.”

“Anh Năm,
“Ngoài đời anh sống hào sảng, phóng khoáng và thật ‘giang hồ’ với bằng hữu anh em, còn trong quân ngũ, anh như một cây tùng ngạo nghễ giữa bão táp phong ba, Anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới, anh chia sẻ vinh quang buồn thảm với sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp.
“Anh sống hùng và đẹp như thế mà sao lúc ra đi lại quá phũ phàng!?
“Tôi về lại vườn Tao Ðàn, vẫn những hoa nắng tròn tròn xuyên qua khe lá, lấp loáng trên bộ đồ hoa ngụy trang theo mỗi bước chân. Cây vẫn xanh, chim vẫn hót, ông lão làm vườn vẫn lom khom cầm kéo tỉa những chùm hoa loa kèn, những cụm hoa móng rồng và những bụi hồng đầy màu sắc. Bên gốc cây cạnh căn lều chỉ huy của anh hồi tháng trước khi còn đóng quân ở đây, tôi thấy có bó hồng nhung đỏ 
điểm vài cánh hoa loa kèn trắng. Chống đôi nạng gỗ xuống xe, tiếng gõ khô cứng của đôi nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi. Siết chặt tay ông cụ, trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương, chòm râu bạc lưa thưa phất phơ trước gió. Ông cụ đọc báo, nghe đài phát thanh nên biết anh đã ra đi, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa anh.

Cụ mời tôi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, rồi ngồi xuống cạnh gốc cây, tay vuốt nhẹ trên những cánh hồng, sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói:
“- Thuốc lá ông Quan Năm cho, tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm. Mấy chục năm nay tôi mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như tôi. Người tốt mà sao ông Trời bắt đi sớm như vậy!?”
(Trích trong “Máu Lửa Charlie” của Ðoàn Phương Hải)
điểm vài cánh hoa loa kèn trắng. Chống đôi nạng gỗ xuống xe, tiếng gõ khô cứng của đôi nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi. Siết chặt tay ông cụ, trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương, chòm râu bạc lưa thưa phất phơ trước gió. Ông cụ đọc báo, nghe đài phát thanh nên biết anh đã ra đi, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa anh.

Cụ mời tôi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, rồi ngồi xuống cạnh gốc cây, tay vuốt nhẹ trên những cánh hồng, sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói:
“- Thuốc lá ông Quan Năm cho, tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm. Mấy chục năm nay tôi mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như tôi. Người tốt mà sao ông Trời bắt đi sớm như vậy!?”
(Trích trong “Máu Lửa Charlie” của Ðoàn Phương Hải)



No comments:

Post a Comment