Tuesday, July 9, 2013

DÂN CHỦ- Bài một

 Trong bối cảnh lịch sử của đất nước chúng ta, sau các thời kỳ quân chủ, và chấm dứt bằng sự thoái vị của vua Bảo Đại năm 1945, chúng ta có quá ít thời gian để học tập và thực hành những điều quan trọng trong một nhà nước dân chủ. Miền Bắc sau khi Cộng sản tiếm quyền và thống trị nửa miền đất nước thì đi theo con đường độc tài sắt máu, phi nhân của chủ nghĩa CS; miền Nam, từ khi Quốc hội Lập hiến của miền Nam ban hành Hiếp pháp ngày 20 tháng 10 năm 1956, bắt đầu xây dựng một nhà nước tự do, dân chủ với chủ quyền đất nước thuộc về toàn dân ( một điều đáng ca ngợi, vì minh định, xác dịnh rõ ràng chủ quyền đất nước thuộc về ai hơn bản Hiến pháp VNCH năm 1967). Nhưng vì phải chiến đấu để bảo vệ Tự do cho miền Nam, nên lượng thì giờ để giảng dạy, giải thích, học tập, quảng bá tư tưởng về Dân chủ còn quá ít ỏi, thường chỉ nằm trong đầu quý vị giáo sư đại học, và giảng dạy về ý nghĩa và thực hành của Dân chủ chỉ bắt đầu ở tầng lớp đại học. Vì vậy cần có những nỗ lực học tập hết sức khẩn thiết và lâu dài, ít ra là trong sách vở, báo chí, internet, cho tình trạng bị đàn áp, kìm kẹp hôm nay, để chuẩn bị cho những tổ chức vì Tự do, Dân chủ sắp tới. Lý do của việc này là Dân chủ không phải là một hệ thống tín điều, mà thực sự còn là một cuộc thử nghiệm trường kỳ ( như có người đã viết), một con đường cần được học hỏi và hành tập qua nhiều bước và mỗi hoàn cảnh khác nhau của mỗi đất nước khác nhau. Ví dụ, dân chủ tại Mỹ, hay một số quôc gia tại châu Âu, với tinh thần quá phóng khoáng và tự do, có thể chưa phù hợp lắm với tinh thần người Việt ngay trong thời điểm này. Nhưng trên những điều cốt lõi, ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quỳền, chúng ta vẫn có thể đồng ý với người Mỹ hay châu Âu rất nhiều. Tôi sẽ viết và dịch tóm ý mấy bài liên quan đến Dân chủ, mời những ai quan tâm theo dõi.


Tâm Nguyên

----

MẤY ĐIỀU CỐT LÕI VỀ DÂN CHỦ

Sơ khởi :

Chúng ta đấu tranh cho Tự do, Dân chủ thì cần phải nắm rõ, hiểu thật kỹ về những điều căn cốt, chính yếu nhất về Tự do và Dân chủ

Ba điều hay ba giá trị (values) dưới đây là cốt lõi của một nhà nước dân chủ (a democratic government), mà các quốc gia nhắm tới từ Tây sang Đông hơn 200 năm qua :

1.    Một nhà nước dân chủ phải đảm bảo được Tự do (Freedom/Liberty) cho tất cả các công dân với các quyền làm người và các quyền tự do căn bản, như được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tháng 12, năm 1948.
2.    Một nhà nước dân chủ phải có một guồng máy điều hành đảm bảo được sự Công bằng (Equality)  cho tất cả công dân, trong những chính sách của nhà nước, từ kinh tế, y tế tới giáo dục, xã hội v.v…
3.    Một nhà nước dân chủ phải có một hệ thống pháp lý, luật lệ, thủ tục có thể đảm bảo được Công lý (Justice) cho tất cả mọi công dân trước pháp luật.

Đó là ba đìều cốt lõi nhất về một nhà nước dân chủ mà chúng ta cần ghi nhớ. Diễn dịch và phân tích sâu rộng những sự kiện cụ thể từ các quốc gia, thì chúng lại có thể mang đến những ý kiến và tranh luận làm tốn biết bao giấy mực, nhưng tóm lại cốt yếu, và để quan sát, lượng định (even with quantifiable evaluation) về một nhà nước nào đó có thực sự là một nhà nước dân chủ không, thì chỉ cần ba chuẩn mực trên.

Nghĩ kỹ lại thì ai cũng có thể thấy đây là những đìều phù hợp với tâm tư tự nhiên của đại đa số con người bình thường— tức không bệnh hoạn, hoang tưởng, không tham lam quá, không gian manh, quỷ quyệt, độc ác; không ưa thích một mình nắm tay quyền bính, tài lộc cùng tột, không tham vọng quá, và không để tham vọng cá nhân làm mờ lương tri v.v… 

Ai trong chúng ta, những tâm hồn thiện lương bình thường, lành mạnh, mà không ít nhiều, muốn được tự do, yêu sự công bằng và lẽ phải.

* Chú thích:

- Tại Mỹ, học sinh các cấp từ lớp 8 cho tới hết đại học, đã được học hỏi về Dân chủ , từ dễ tới khó.

- Dưới đây là năm điều đầu tiên trong Hiến Pháp VN Cộng Hòa ban hành năm 1956. Chú ý điều hai là điều rất đáng ca ngợi vì minh định, xác định rõ chủ quyền thực sự của đất nước thuộc về người dân.

--

Trích Hiến Pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1956 :

 THIÊN THỨ NHẤT: Điều khoản căn bản

           Điều 1

Việt Nam là một nước Cộng hòa, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.

          Điều 2

Chủ quyền thuộc về toàn dân.

          Điều 3

Quốc dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng thống dân cử, và nhiệm vụ lập pháp cho Quốc hội cũng do dân cử.
Sự phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp phải rõ rệt. Hoạt động của các cơ quan hành pháp và lập pháp phải được điều hòa.
Tổng thống lãnh đạo Quốc dân.

          Điều 4

Hành pháp, lập pháp, tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ Tự do, Dân chủ, chính thể cộng hòa, và trật tự công cộng. Tư pháp phải có một quy chế bảo đảm tính cách độc lập.

          Điều 5

Mọi người dân không phân biệt nam nữ sinh ra bình đẳng về phẩm cách, quyền lợi, và nhiệm vụ, và phải đối xử với nhau theo tinh thần tương thân tương trợ.
Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của con người trong cương vị cá nhân, hay trong cương vị tập thể.
Quốc gia cố gắng tạo cho mọi người những cơ hội đồng đều và những điều kiện cần thiết để thụ hưởng quyền lợi và thực hành nhiệm vụ.
Quốc gia tán trợ sự khuếch trương kinh tế, phát huy văn hóa, khai triển khoa học và kỹ thuật.


No comments:

Post a Comment