Wednesday, October 3, 2018

Đồng cổ dữ Man ca... (LHNam)

                               * *


Bồ Tát Man (từ)
Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu
Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu
Đồng cổ dữ Man ca
Nam nhân kỳ trại đa

Nghĩa:

Ngôi đền nhỏ trong bụi cây tỏa ánh hoa mộc miên 
Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân 
Trống đồng và bài hát Man 
Người Nam cầu cúng nhiều.

Cố g/s Trần Quốc Vượng có nhắc đến bài từ đó của Tôn Quang Hiến thời cuối Đường, đầu Tống bên Tàu.

Chuyện trống đồng quan trọng như thế nào trong văn hóa Đông Sơn { nhà Hai bà Trưng xưa có tập hợp được rất nhiều trống đồng. Nhà có nhiều trống đồng thường là nhà của các lãnh tụ, tộc trưởng v.v. } hẳn nhiều người biết , còn chuyện các khúc hát, ca , điệu nhạc của trời Nam nước ta hoặc các sắc dân mà ‘Tàu ở giữa’ gọi là man di ở vùng Đông Nam Á, thì nếu ai trong chúng ta muốn biết phải khổ công tra cứu. Chỉ biết tóm gọn là có những khúc ca như thế , thí dụ như trong :

   Bát Phách Man

Khổng tước vĩ tha kim tuyến trường
Phạ nhân phi khởi nhập Đinh hương
Việt nữ sa đầu tranh thập thúy
Tương hô quy khứ khẳng tà dương

cũng của TQHiến

  Tám điệu gõ/Những bài ca tám nhịp của người Man

Chim tước đuôi kim tuyến dài lê thê
Sợ người bay lên đậu ở Đinh hương
Cô gái Việt đầu bãi cát tranh nhau nhặt sỏi xanh,
Kêu nhau trở về nhà, lưng quay lại ánh tà dương

hay 2 câu của Đỗ Mục

Đằng các trung xuân ỷ tịch khai 
Chá chi Man cổ ân tình lôi
( trong Hoài Chung Lăng cựu du tứ thủ)

(Mùa xuân, trải chiếu gấm giữa gác Đằng
 Xuyên lá cành tiếng trống Man hòa trong tiếng sấm rền)

Nhưng, còn với chuyện cầu cúng, cúng tế, cầu đảo, cầu nguyện, cầu an, cầu siêu, cầu tự, cầu mưa , nắng v.v., thì chúng ta nghĩ sao ? Tại sao người Việt từ xa xưa chừng như cúng tế, cầu cúng nhiều. Cứ so số nhà chùa, thiền đường, thiền viện, tu viện, thiền thất, tịnh thất Phật giáo , hoặc nhà thờ, giáo đường Ky-tô giáo ngay tại thời nay thì cũng có thể xác nghiệm được một phần rõ ràng đáng kể sự kiện này. Ngay tại Calif., với số lượng người Việt chỉ khoảng nửa số người Tàu , nhưng số chùa lớn , chùa nhỏ, giáo đường, nhà thờ nhiều gấp 7, 8 hay thậm chí 10 lần số nhà thờ, chùa chiền của người tàu.

Như vậy, ắt là điểm này chiếu ngược ánh sáng lại cho câu của cụ Ức Trai:

                      Như nước Việt ta từ trước 
                      Vốn xưng Văn Hiến đã lâu 
                      Sơn hà cương vực đã chia 
                      Phong tục Bắc Nam cũng khác…

Tôn giáo, tín ngưỡng; đạo lý/đạo đức là một — nếu muốn gộp chung, hay hai , nếu muốn tách ra— phần rất quan trọng trong đời người, mà chỉ thường khi “hữu sự” con người mới thấy rõ hơn (nhiều). Như vậy, qua mấy trích dẫn và ‘luận sự’ tóm gọn vừa rồi, ta có thể thấy : Văn hóa, đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt rất khác với người Tq.


Notes :
                     Các trích dẫn sách tàu đều ghi tựa là “Bồ Tát Man” không có chữ “từ”. Nhưng chú thích là một bài từ. Chữ từ này không chỉ nghĩa miếu hay đền , dù bài từ có nói tới chữ từ với nghĩa miếu hay đền. Nhưng bài từ còn 4 câu khác như sau :

     菩萨蛮

   木棉花映丛祠小,
   越禽声里春光晓。
   铜鼓与蛮歌,
   南人祈赛多。

   客帆风正急,
   茜袖偎樯立。
   极浦几回头,
   烟波无限愁。

Bồ Tát Man
Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu,
Việt cầm thanh lí xuân quang hiểu. 
Đồng cổ dữ man ca
Nam nhân kì trại đa.

Khách phàm phong chánh cấp
Thiến tụ ôi tường lập.
Cực phố kỉ hồi đầu
Yên ba vô hạn sầu.

2. Chuyện tại sao cúng tế, cầu cúng nhiều, hồi sau sẽ luận.

3. Bồ tát man, Bát phách man, vốn là hai điệu hát xuất phát từ phương Nam , tức các dân tộc mà Tàu ở giữa gọi lả Man và Di từ Quảng Đông, Quảng Tây trở xuống , nếu nói vể phía Nam nước Tàu. Tôn Quang Hiến thì chỉ rõ Bồ tát man là x/phát từ giống Việt . Giáo phường, tức đội ngũ làm nhạc, dạy nhạc, ca hát , trình diễn âm nhạc, hát ca của Tàu từ thời Đường Tuyên tông (810-859) học của đội ngũ ca nhân bị tiến cống từ nước Nam ( Nam quốc) , rồi không rõ có cải biến, thêm thắt gì không thì ta chưa biết. [Đường Tuyên tông nghe các ca nhân tiến cống từ Nam quốc thì rất ưa chuộng , nên khiến Ôn Đình Quân nương theo đó viết các ca khúc ]. Từ đó Tàu ở giữa tiếm danh gọi đây là các ca khúc phát xuất từ giáo phường của nhà Đường. Tức là cầm nhầm và nói là của mình. Sau đó các nhà thơ, nhà từ khai triển thêm thành 1 thể từ. Đó là sử ghi từ đời ĐTuyên tông. Trước đó, cỡ 100 năm, Lý Bạch có viết một bài từ có tên phụ thêm : “Bình lâm mạc mạc yên như chức”, tuy có chung nhau về số chữ và có vần điệu giống bài “Bồ Tát man” của TQHiến, nhưng không hiểu quan niệm về thể “từ” cách nhau 100 năm có khác nhau gì không.

4. Với TQHiến , Bồ tát man và Bát phách man , không chỉ nói lên là chúng được làm theo 2 thể từ đó, chúng còn là tên của hai bài từ.


No comments:

Post a Comment