Monday, March 2, 2020

Một chữ trong một bài thơ của Đinh Hùng

*

Đã lâu rồi, có hơn 10 năm, có lần tôi vào một diễn đàn văn nghệ, chính trị trên Internet đọc được được hai câu thơ khiến mình “hoảng hồn” : vì chúng hay quá. Đó là
“ Bỗng nghe lạc trận mưa ngàn đổ
Cả một mùa thu cũng quá giang”
Người viết message đó, không biết vì sao không đề tên tác giả [có thể là vì quên tên tác giả hay cũng có thể vì ‘mập mờ đánh lận con đen’]
Hai câu thơ— với tôi— hay tới nỗi có thể khiến tôi từ bàn viết như có thể ‘nhập’, ‘lạc’ vào trận mưa lớn; mưa hạt nặng, hạt nhẹ trút xuống đại ngàn, trút xuống vực bờ, khe núi, sườn non ; khi nhanh khi chậm trút xuống; hạt mưa đan lưới giăng kín sơn khê, hạt văng sườn núi , hạt vỡ bên non , bắn những mảnh li ti vào sương trời, vào khói núi, tạo nên một cảnh mưa tuyệt vời, đẹp tới não nùng , đẹp tuyệt kỳ khói sương mây móc hợp hoan, ca múa bên thịt da đất núi, đầu non. Mưa trút xuống mênh mông, mưa trút như đổ nỗi lòng bấy lâu, mưa giăng đầu núi, sườn non như gởi bao nàng thần nữ họ Vũ bay qua, bay lại trong trong không gian, bầu trời với những tấm voan thướt tha trong hình hài diễm tuyệt, quyện vào khói vào mây vào sương tạo nên bức tranh như chỉ có thể gặp trong ‘thần mộng’ một buồi nào xa tít tắp ban sơ. Mưa trút, mưa đổ có khi như giận dữ, có khi như ngông cuồng thách thức thần núi, sơn vương; có khi lại dạt dào giai điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, hoặc giận dỗi trách móc, hoặc huyền mị vỗ về ru vào những giấc cô miên.
Nếu có lần lạc được vào giữa một trận mưa, cảnh mưa ngàn mênh mang, ngút ngàn diễm tuyệt trong một khung cảnh hùng vĩ mà tuyệt mỹ, đắm đuối như thế, tôi tưởng chúng ta trong nhiều phút có thể quên được cái lạnh, cái tê tái của da thịt để dầm mình, đầm mình trong cái đẹp kỳ tuyệt , gây cảm hứng lạ lùng tuyệt diệu như thế — để hưởng được Hạnh phúc, cái hạnh phúc hiếm hoi được giao hòa, giao hợp được với đất trời, núi non, mây nước trong những phút phiêu diêu, đại lãng kỳ thú— thì quả là đại khoái. Tôi nghĩ nhà thơ của chúng ta có thể đã có lần đã được tắm gội, được thỏa thuê vùng vẫy trong phút giây kỳ tuyệt, đẹp tới mức “diễm ảo”; được sống, được vùng vẫy dưới những giọt mưa trút đổ áo ạt, bốn phía tung bay, cuốn hút, nên đã viết xuống những giòng ‘hốt nhiên đại ngộ’, những giòng tuyệt đẹp như thế, dù chỉ trong mấy chữ ngắn gọn, giản đơn.
Sau một hồi mưa như thế, vừa tạnh thì không gian bỗng nhiên đưa vào một màu trời sáng lạn: màu trời, màu núi, màu cây cỏ, màu mây chuyển sắc, đổi màu— như vừa được tắm xong, được gột rửa hết bụi trần, gió cát, và hiện ra như một Thần núi cùng vực bờ của mình: phong quang, đẹp đẽ , thanh tú mười mươi, khiến ta như chợt nhận mùa thu cũng vừa mới được đưa sang một thời khắc mới, bến bờ mới. Cảm giác có đôi chút ngỡ ngàng , như gặp lại tình nhân cũ trong một khung cảnh mới, dáng vẻ và nhan sắc mới.
Sau đó , mới cách đây vài tháng, trong khi làm chương trình Mạn Đàm Văn Học về thơ Đinh Hùng, tìm đọc lại các bài thơ của nhà thơ đầy sắc thanh lạ lùng, ‘ảo diệu’ này, tôi mới biết đó là hai câu của nhà thơ Đinh Hùng, và thấy câu thơ thứ hai được thay chữ “cũng”, bằng chữ “đã”. Và hai câu đó nằm trong bài thơ “ Sóng nước đồng chiêm”. Với ý tứ trong bài, theo tôi, có thể { có thể thôi} , thì chữ “đã” thích hợp hơn một chút thôi (trong ý tứ) , để nói lên ý “cái đẹp (có thể có) của tình đôi “ta”, duyên đôi ta đã qua rồi, đã (chắc) không còn trở lại nữa như mùa thu đã quá giang— về tít tắp mù sương thiên địa. Quá giang có những khi gợi cho ta ý ‘một đi không trở lại’; một sự gì , trong nhiều thứ có thể làm cho ta lỡ một cơ hội, đã vuột khỏi tầm tay để lại bao nuối tiếc. Quá giangqua sôngnhư người đã một lần gặp gỡ , gieo cả đất trời vào lòng ta, rồi một hôm qua sông đi biệt. Ở đây, chúng đáp ứng tuyệt vời tiếng lòng tác giả lúc ấy.
Em đi gió hú khôn hàn
Lời khan nhắn vọng đêm tàn nghe mưa
Vâng, vậy đấy, một chữ thôi , nhưng nếu thay thế, dù có chỗ tương đồng không nhỏ, bài thơ có thể làm dấy lên những tình ý, cảm nhận rất khác. Ta thử xét:
1. Hai chữ “cũng” và “đã” , nếu nói về tác dụng nói lên cái gì đã qua thì có những tương đồng. Thí dụ :
“Tôi đã học xong” hay “Tôi cũng học xong” đều diễn tả việc đã được thực hiện và lui vào quá khứ
2. Nhưng thời gian trong chữ đã thường cho ta cảm giác là một chuyện đã qua hơi lâu rồi, hay đã khá lâu , lâu hơn trong chữ cũng. Nhất là trong hai câu của Đinh Hùng.
3. Ý nghĩa thay đổi: Nếu là với chữ đã , ta có thể liên tưởng là nhân vật trong bài thơ— sau sự kiện” tình bị núi chắn ngang”— thấy rằng “tình” đã đi, như mùa thu đã đi, đã sang nơi chốn khác. Tác động của từ “đã” mô tả chuyện đã vào dĩ vãng. Nó nói lên tính cách thời gian trong câu chuyện
4. Trong khi đó, với chữ “cũng”, ta thấy có một liên hệ nhân quả. Trong ‘chuyện tình’ ngắn ngủi đó, vì sự ‘bất thành” của nó khiến ta như lạc vào trận mưa ngàn đổ, và chợt nhận thấy vì các lẽ tương quan, mà thấy mùa thu cũng đã bị đẩy sang một bến bờ thời gian khác— đã quá giang. Trong tương quan tâm tưởng, cái nuối tiếc, ngậm ngùi có thể nhẹ, nhưng hốt nhiên hiện ra, đưa ý thức tới chỗ phải nhận ra nó— trong một tâm trạng có phần sững sờ. Liên hệ đó nói lên tính cách nhân quả, chứ không phải thời gian.
Có thể thấy, trong ngôn ngữ, nhất là trong ngôn ngữ thơ, nhiều khi chỉ một chữ được thay đổi, một tình ý, một cảm xúc, một cảm giác đã bị thay đổi theo. Ngay trong trường hợp chúng có ít nhiều tương đồng trong một nghĩa nào đó, như đã nói vể “đã” và cũng” như trên. Và chẳng phải chỉ với thơ Đinh Hùng.
----
REF
Sóng nước đồng chiêm
Loang loáng thuyền khơi vệt nắng chìm
Trùng dương về bạc khắp đồng chiêm
Một rừng nhiệt đới in lòng nước
Tay với trời xanh, đụng cánh chim

Trời nước kề vai lả lướt buồn
Từng cù lao nhỏ nép sơn thôn
Em đi, dẫy núi nhìn ngây ngất
Ðá cũng tình si nhớ gót son

Chưa khuất đầu non đã cố nhân
Người ôi! cho núi chuyển theo gần
Vầng trăng mười bẩy rưng rưng nhớ
Con nước đầy vơi lệ thuỷ ngân

Em vượt Bồng sơn đến Tuyết sơn
Ðà giang nghiêng nửa khoé thu buồn
Sông xanh toả bóng hàng mi rợp
Con mắt trao về nẻo viễn thôn

Tình đến bên người, núi chắn ngang
Tà dương mái tóc ngút mây vàng
Bỗng nghe lạc trận mưa ngàn đổ
Cả một mùa thu đã quá giang

Sóng tóc rừng mưa gợn chập chùng
Nghẹn ngào từng tiếng nấc thu không
Sương pha áo mỏng gầy non bạc
Chiều lặng soi gương, xót má hồng

Chiều lại chiều mưa, nước ngập đồng
Mộng vàng hoa mướp rụng ven sông
Ðợi em từ mấy phương bèo giạt
Mưa lọt chiêm bao, tóc rối bồng

Giấc mộng đêm nào cũng gió mưa
Gối chăn như hải đảo vô bờ
Sáng dâng bốn vách sầu nghiêng bóng
Thoáng ngọn đèn trôi ánh mắt xưa

Vọng tiếng chim đêm, núi nhớ rừng
Ðồng chiêm nghe cũng thuỷ triều dâng
Dài thương mặt nước mênh mang gió
Lòng bỗng trôi ra biển mấy trùng
Nguồn: Đinh Hùng, Đường vào tình sử, Nam Chi xuất bản, 1961



2 comments:

  1. https://www.youtube.com/watch?v=QKPh80spwV4

    ReplyDelete
  2. A excellent combination of Sci-Fi and 코인카지노 slot machines will make your internal casino slots geek smile. It is because of|as a end result of} of} these rewards that players typically emerge as winners or get extra time for playing in} slots. Nonetheless, the liberty to realise the payouts is checked by a requirement, which is wagering of an quantity. Despite this situation, players nonetheless discover real-time slots to be advantageous for them.

    ReplyDelete