Tuesday, May 14, 2019

Vài hàng về hai bài thơ của Thầy Tuệ Sỹ

Hai bài thơ này của Thầy Tuệ Sỹ xuất hiện khoảng cuối 1960s hay đầu 1970s. Chúng đánh dấu sự ra đời của cõi thơ Tuệ Sỹ. Thích chúng 40 năm qua; hôm nay viết mấy hàng về chúng.

     
         Không Đề

Này đêm rộng như khe rừng cửa biển 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa 
Miền đất đó trăng đã gầy vĩnh viễn 
Từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ 

Một lần định như sao ngàn đã định 
Lại một lần nông nổi vết sa cơ 
Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tỉnh 
Vẫn một đời nghe kể chuyện không như 

Để sống chết với điêu tàn vờ vĩnh 
Để mắt mù nhìn lại cuối không hư 
Một lần ngại trước thông già cung kỉnh 
Chẳng một lần lầm lỡ không ư? 

Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa 

Hai câu đầu mở ra cõi của đêm : yên tĩnh, bao la. Và lạ lẫm.

Lạ lẫm : vì có hai bàn tay của “ai” đó : của Mẹ thầy, cô giáo thầy,  của thầy , hay là chính của Đêm.

Và ai vén tóc cho ai ? Mẹ vén tóc cho con, cô vén cho trò; hay thầy tự vén tóc mình { Nguyễn Du đã vén tóc mình bao lần giữa gió Thu, gió Xuân Hồng Lĩnh, và về đêm có thấy tóc mình được vén trong mộng, hay giữa lúc mộng thực giao nhau ? }

Hay Đêm vén tóc cho chính mình giữa gió vi vu, bao la ?

Và giữa “miền đất đó” và tóc xa xưa liên hệ với nhau như thế nào ? Hồi xưa đó ra sao, và khi trăng đã gầy vĩnh viễn thì sao ?

    “Một lần định như sao ngàn đã định
      Lại một lần nông nổi vết sa cơ”

Nhà thơ-nhà thiền của chúng ta đã “định” “làm gì” , hoặc “như thế nào” trong cuộc đời, chốn đạo của mình ? Vâng, như sao ngàn đã định. Nhưng thế nào là như sao ngàn đã định. Chúng ta có thể tùy nghi liên tưng, tưởng nghĩ, nghĩ tuởng hàng chục thứ “định” như thế để tùy tâm quyết nghi, nghi quyết.

Nhưng ngoài các “cái định” manh tính quyết định như thế nào đó, ví dụ như định ở Quảng Hương Già lam ( thời đó), viết sách, đọc giảng kinh, trầm tư, quán chiếu v.v., làm một Thâm Mật Hiền giả , không dính dáng gì với chuyện đời ( thời đó) xôn xao, tranh chấp, còn cái định gì nữa ?

Hay đó liên quan tới một thứ định “bất động”, cứng ngắc của “cái Không” ù lì, cái Không sai lạc, cái Không “chết”; không thể cùng Diệu Hữu giao thoa, giao hòa, cất tiếng vút tầng không cùng hoa Mạn thù sa quan chiêm Hỷ Lạc thiên sau khi “thoát ra” khung đè, Tịch tịch thiên la để như Thiền sư quảng Nghiêm ( 1121-1190) nói :

            “ Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ”

Và mình thấy sai lầm/lầm lẫn trong thứ định “chết”, khô cứng, “đông đá” (“frozen”) “tịch tịch diệt” (夕寂滅  ) đó ?

Ví như sao ngàn, ngàn sao đã định, không thể xoay ngang, trở dọc gì để mang ánh sáng lại cho các phưng khác.

Vì lẽ :

Để sống chết với điêu tàn vờ vĩnh 
Để mắt mù nhìn lại cuối không hư 


và 


Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tỉnh 

Vẫn một đời nghe kể chuyện không như 

Vì thế là “mắt mù” khi nhìn lại đáy Không hư.

Dưới đáy đó, hẳn là/chắc là/có vẻ như là/rất có thể là  có nhiều điều kỳ lạ, diễm tuyệt, “ảo diệu” vô ngần, nhưng… 


Ở đây ta có thể thấy ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ thiền “giao” nhau. mở cửa cho nhau tiến vào cõi mộng-thực hôn phối. Cái thực của thiền định, một lúc nào đó đi chơi xa xăm về lại làm nền, trải thảm cho mộng mơ cõi thơ bước vào hòa điệu.

Nhưng đấy cũng là cõi mộng xa của một tâm thức khác thêu nắng  cho vườn thơ Tuệ Sỹ

Trở lại, vì “sống chết với điêu tàn vờ vĩnh” và “mắt mù nhìn lại đáy Không hư” nên :

ta lại vén tóc “lên đường “ thôi.




        Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến 
        Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa


----



Mười Năm Trong Cuộc Lữ

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô

Vì lêu lổng mười năm trời nói mộng
Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn
Một sớm nọ nghe chim buồn đổi giọng
Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần

Đất đỏ thắm nên lòng người hớn hở
Đá chưa mòn sao lòng dạ trơ vơ
Thành phố nọ bởi sương mù nắng quái
Nên mười năm quên hết mộng giang hồ



 Bài thơ rất mực dễ thương, thơ mộng cho những hồn đuổi mộng thiên thần. Và kết bằng dấu hỏi ở hai câu cuối : Đìều gì làm có  thể  “ta”, hay làm tác già “quên hết mộng giang hồ” ?

Chân Huyền
May 2019

No comments:

Post a Comment