Thursday, May 2, 2019

Giải Thích...

Học Vật lý ở đại học người ta được dạy rằng: Ánh sáng có hai bản chất : sóng ( wave) và hạt ( particle). Ngoài vẻ đẹp rực rỡ, sáng chói, Ánh sáng còn vẻ đẹp tuyệt của quang phổ; mang lại sự diễm lệ cho cầu vồng, mang những “tự tính” như phản chiếu, khúc xạ, nhiễu xạ v.v., Ánh sáng còn có bản chất vô cùng kỳ lạ, bản chất của một Bí nhiệm rất “bí nhiệm” [ vì quá kỳ diệu, bí ẩn, biến ảo khó hiểu], lạ lùng cùng tột, làm ngay những nhả Vật lý giỏi về Cơ học Lượng tử ( Quantum mechanics) cũng có những điều không hiểu/không lý giải được về Bản chất đôi (dual nature) của “Nó” là sóng và hạt như nói trên. Đó là điều thỉnh thoảng cứ “đến thăm” tôi , cười cười hỏi : “Nghĩ ra chưa ?” gần 35 năm qua.
Cách đây khoảng 30 năm , tôi có đọc được một bài viết của một nhà báo viết về chuyện khoa học cho một tờ báo lớn, ông đưa ra một thí dụ hay để ví tính chất đôi như trên của Ánh sáng như sau :
Ông ví ánh sáng như một “tên trộm” đói đi ăn trộm thực phẩm. Nhà chủ sau vài lần mất thức ăn mỗi đêm, lấy làm lạ, nên muốn biết tên trôm đó là con vật gì : chó hay mèo, bởi lẽ dọn món nào ra thì cũng biến hết , mà thường thì chó chỉ thích ăn đồ ăn cho chó , mèo chỉ thích đồ ăn cho mèo. Vì vậy nhà chủ muốn quan sát tìm hiểu , nên ông ghi chép. Ông thay đổi thức ăn mỗi đêm một lần , rồi hai đêm , ba đêm một lần. Và chỉ hai loại: hoặc cho chó , hoặc cho mèo; con này thích thì con kia chê. Mà tất cả đều bị nuốt ráo. Dọn đồ cho chó ăn cũng hết, đêm sau , dọn thức cho mèo ăn thì cũng hết. Cuối cùng ông không biết con vật là gì. Bản chất của ánh sáng như thế đấy, nhà báo ví von.
Sau này đọc các khảo cứu Vật lý thêm, tôi nghe các nhà Vật lý giải thích thêm về trường hợp của bản chất Ánh sáng và một vài hạt cơ bản khác ( nuclear particles) là việc thay đổi cơ cấu xét nghiệm [ experiment apparatus, hay lạ lùng hơn là “the observer effect] sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm. Lạ lùng chưa. Mà đúng vậy thật. Khi các nhà v/lý Christiann Huyghens, Thomas Young , Louis de Broglie, Erwin Schrodinger xác lập được tính cách sóng, nhưng vẫn có những điều chưa thỏa đáng của Ánh sáng, thì sau thí nghiệm của Heinrich Hertz, A. Einstein qua lý luận trong “photoelectric effect” sau khi tham khảo tiến trình tìm hiểu “phóng xạ của các vật thể đen” ( black-body radiation) của Max Planck, và xác định của R. Millikan, bản chất Hạt của ánh sáng đươc thiết lập. Nói gọn là : bản chất sóng hay hạt của ánh sáng được thiết lập khi các dụng cụ, cách thức ghi ký , đo lường, và tiêu chuẩn kiểm nghiệm của apparatus [ cách thức , kiểu mẫu dàn dựng, xếp đặt dụng cụ thí nghiệm và các điều kiện and ‘observer’] được thiết lập như thế nào thì kết quả đạt được ngả về phía đó , hay nói như nhà báo : cho đồ ăn của chó, thì thấy con vật là chó tới ăn, khi đem ra thức ăn cho mèo thì thấy mèo tới ăn. Vì vậy các nhà khoa học , những nhà Lượng tử học nói rằng Ánh sáng mang bản chất đôi. Sau này có những thí nghiệm được lập lại , ví dụ để xem bản chất các photon , hay photon đơn qua cách dàn dựng thí nghiệm như của Hamamatsu Photonics, tức củng dùng cùng một loại dàn dựng, bố trí để xem tính chất hạt hay sóng của photon kiểu thí nghiệm của T. Young. Họ đạt được kết quả : cả sóng và hạt, vì thí nghiệm năm 1982 của họ chi tiết, nhiều máy móc ghi đo hơn (1). Đáng lý , họ chỉ thấy là sóng (2). Hoặc nếu lập lại các thí nghiệm mà electron hay các free carriers được “đá” , phóng ra từ các mặt kim loại thì sẽ thấy chúng là hạt.
1. Tương tác, liên hệ giữa Tâm thức và Sự vật, Vạn vật
Tâm chúng ta, hay nói rõ hơn thân và tâm ( thân-tâm) tương tác, liên hệ với sự vật, vạn vật 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, cho đến khi đi về thế giới bên kia. Các loại thức , tám thứ thức và tâm vương , tâm sở đan xen, chồng chéo, tương tác , liên hệ, liên tục thay đổi nhau biến hiện; vì thế trong cõi này có phút lóe sáng của thiên tài, tài hoa, có lúc lu mờ u mê; lúc mênh mông biển rộng, bát ngát gió bao la, lúc như rạch ngòi nhỏ nhoi, tù túng như hang nhỏ; lúc sâu lắng tịch tĩnh, lúc ồn ào nông nổi, lúc tham thiền khinh an, khi bắng nhắng ngược xuôi. Lúc cuồng điên rồ dại si mê, khi tỉnh thức, sáng suốt; lúc sân si hẹp hòi, khi bao dung độ lượng; thường bị Vô minh che lấp, nhưng cũng có những khi Tỉnh thức, giác ngộ, tinh minh v.v. Tóm lại, tất cả đều thay đổi, biến đổi, biến hóa , nhanh hay chậm thôi; nhanh có khi như trong một sát na, một giây, chậm có khi là 1ngày, 1 tháng, 10 năm. Đó, Vô thường đó. Chính “Tự Tính” thay đổi này có khi vạch ra những bí mật kỳ thù, lạ lùng vô hạn cho chúng ta nhận thức, quan chiêm. Bây giờ chỉ xin nói tới 6 thí dụ về sự thay đổi này, mà ai trong chúng ta cũng có thể biết:
a. Cảm nhận thay đổi khi đọc một bài thơ, bài văn, tác phẩm một thời gian sau
b. Một số mâu thuẫn nội tại. Có những lúc ta thấy vừa yêu vừa ghét một sự kiện, một người
c. Có vài ba “nhân vật chính trị hay xã hội” vài năm đầu ta cực chống đối và ghét, sau khám phá ra những điều có thể thông cảm, thậm chí đồng tình, nên bớt ghét, có lúc có thể tán thưởng một số hành động
d. Thân-tâm thức thay đổi biến hóa ngắn dài. Thí dụ: Cảm giác mệt mỏi làm thị giác , thính, khứu giác cũng lu mờ; vài giờ sau khi có được một giấc ngủ tốt, thần thái như trăng rằm, nghe , nhìn , ngửi đều rất tinh nhanh. Khi bệnh hoạn vài tuần, vài tháng, cảm giác thân thể, cảm nhận các phút buồn ,vui, cáu giận, khoan khoái, tri thức các vấn đề nghĩ suy lúc nhanh lúc chậm, lúc sáng, lúc tối.
e. Thay dổi nhận thức trong cõi tư tưởng, tư duy trong triết lý , trong cõi trừu tượng, xa xăm
f. Ví dụ hôm nay tôi nấu cỗ, tôi sắp múc món miến gà ra bát để dâng lên bàn thờ : vì có những điều “cần làm” nên tôi có phần vội vã, nhưng vì tập thiền nên tôi nhớ có nhiều khi mình phải chậm lại, vì lòng thương yêu, trân trọng với người thân tôi tự muốn bảo mình cần múc miến ra chậm rãi, trân trọng; và thấy cũng chẳng cần phải vội lắm vì những việc bận kia. Tiếp theo, các niệm về Hiếu thảo, Tôn kính càng làm tôi múc miến cẩn thận và chậm rãi hơn nữa và để lên bàn thờ. Chỉ trong một phút thôi, tôi thấy nhiều chuyển biến, thay đổi trong tâm thức rồi; nhiều niệm luân phiên đến đi, đan xuyến, giao nối với nhau làm quan sát tiến trình lý thú hơn; và nếu “lucky” có thể có một “tia sáng” nào đó chớp ra
2. Như Ảo, Như Thật, Như thật, Như Mộng, Biến Ảo
Bạn có bao giờ “nói chuyện” hay muốn biết trái tim mình nó đang đập, đang chuyển máu, nhận máu như thế nào chưa ? Hay chỉ đến khi già yếu, có bệnh tim mạch sao đó, chúng ta mới để ý “nhiều hơn” đến nó ? Với gan , với phỗi, thận v.v. cũng thế. Ấy là một tình huống không thể khác của con người – the human condition, human predicament (la condition humaine, situation humaine). Thường với đại đa số chúng ta, khi muốn biết chúng sẽ xem hình vẽ, đọc sách về nó, hoặc tiến bộ như ngày nay thì lên youtube coi hoạt động chính yếu của nó ra sao. Nhiều lắm , nếu bị atherosclerosis hay blood clots có ảnh hưởng tới mình, thì coi nhiều video clips hơn. Chính yếu là vì ta không thể “móc tim ra xem khi cần”; [ và dù có dụng cụ mổ xẻ, lấy ra— cũng không thể làm được ] mà chỉ biết gián tiếp qua máy móc, MRI hay EKG. Từ đó hầu hết chúng ta chỉ muốn biết những gì căn bản nhất trên sách vở về tim mình, hoặc khi nó “thổn thức” vì ai đó thì đưa tay lên vỗ về , vuốt ve ngoài ngực; hoặc vì điều gì đó, ví dụ như quê cha đất tổ đổ nát điêu linh thì có khi lắng nghe nhịp đập của nó. Thế thôi, rất nhiều, quá nhiều điều có khi cần biết về tim mình, phổi , gan, thận mình, tình trạng của chúng , nhưng vì nhiều lý do chúng ta không thể, trong đó-- khi trẻ thì là mưu sinh, xây dựng mộng ước, tương lai v.v. Các bạn nghĩ sao về chuyện : có sự, có việc gì đó mà ta chỉ có những hiểu biết căn bản, tối thiểu, ít ỏi về nó { và với đại chúng thì cũng chẳng cần phải hiểu thêm cho đến khi bệnh}. Nói theo một nhận định đúng đắn, mang nhiều tính khoa học, hoặc trên một tinh thần (rất ) gần với Phật giáo { diễn tả điều này trong Phật giáo : cần có tương tác thật tốt giữa tâm và vật để có một cảnh thật rõ, đó cũng có nghĩa là chỉ có hiểu biết chân xác, chính xác mới đúng/đáng gọi là hiểu biết } thì đó chẳng khác với “không hiểu”, hiểu quá mù mờ, cái hiểu đầy sương mù, có khi còn có những điều sai. Hiểu như vậy, có khác gì như không hiểu, như vậy sự hiểu ấy mang đầy ảo tưởng, hoặc Hiểu hay Biết như Thật , như Ảo, Thật ít, Ảo nhiều, chưa thể gọi là nửa thật, nửa ảo nữa. Còn nhiều thứ khác trong cuộc sống chúng ta, chúng ta sống giữa cõi ảo, hay mộng xen lẫn với cõi thật hay “thật”. Triết học/triết lý (3) gọi đây là tình trạng Thực Ảo bất minh. Và nhiều người gọi nhiều cảnh sống trong đời họ , hay trong đời bạn bè, người quen biết, kẻ chung quanh là sống trong Mộng-Thực bất phân. { Ý kiến riêng : nhưng nó cũng có những cái ý vị, lý thú riêng của nó}
Trở lại, cho đến khi quá trễ, như khi ung thư và các bệnh về phổi gan, thận v.v. xảy ra thì đã quá muộn. Nhưng cũng không thể trách chúng ta. Vì chúng ta đều nằm trong tình huống bất khả chuyển đổi, không thể làm gì khác hơn. Chúng ta lúc trẻ thì đều phải lo mưu sinh, lo cho cuộc sống mình và gia đình đầy đủ , tươm tất hay cho sự nghiệp của mình được tốt đẹp hay rực rỡ để báo đáp cho cha mẹ, ông bà, giúp ích cho xã hội. Miễn là đừng quá tham , quá nhiều ham muốn, tham vọng, ảo vọng, . Nhưng cũng đến một lúc chúng ta cần hay nên dừng chuyện ấy, để nhận chân ra những tham/ảo vọng , những gì nên bỏ trong cõi ảo— cũng mênh mông lớn rộng như cõi thật— để Chuyển Hóa. Đây là chỗ nhà Phật có thể giúp chúng ta nhiều.
Ngoài chuyện tim, gan, phổi, còn có một xúc tiếp rất hay có thể giúp ta nghĩ suy, tư lưong, tư lượng về chuyện Thật-Ảo. Đó là chuyện ảnh trong gương lõm, gương lồi trong quang học. Mỗi ngày chúng ta đều soi gương chải tóc, đánh răng , soi mặt ; ảnh trong đó các nhà quang học gọi là ảnh ảo (virtual image). Nhưng chúng vẽ ra những gì “rất” thật cho diện mục, diện mạo chúng ta. Thế thì chúng ta nên nghĩ sao ? Phải chăng cái mà những nhà quang học gọi là ảnh ảo, chỉ là để đối lại với cái gọi là ảnh thật với gương lồi ( real image with concave lens), nhưng thực tế về chúng là gì ?
Thêm nữa, chắc chúng ta đã từng thấy nhiều sự vật, sự việc biến hóa khôn lường, đang từ một hình thái, trường hợp, chúng có thể quay phắt 180 độ để trở thành một cái khác hoàn toàn (4) như sâu hóa bướm, nòng nọc có thể biến thành ếch hay không, như lên xuống trong thị trường chứng khoán, trong bong bong nhà đất ( housing bubble) từ 2005-2009 ở Mỹ v.v. Đó là những hiện tượng biến đổi quá sức tưởng tượng, khôn lường nên chúng ta hay gọi là biến ảo. Điều này rất thường xảy ra trong cõi Vật lý năng lượng cao (high-energy physics)
3. Sự Kỳ Diệu, Biến hóa, Lạ lùng trong giao tiếp giữa Tâm thức và Vạn vật qua quán sát, nghĩ suy, quán chiếu cẩn thận, kỹ lường nhiều năm có thể mang lại những thay đổi Thay đổi Sâu sắc, Lớn lao trong cách nhìn đời sống, trần gian muôn màu này, Tây phương hay gọi là world view, tức là thể nghiệm mang tính cách triết lý về đời sống,về trần gian như thật, như mộng như kinh Kim Cang nói:
“ như mộng , huyễn , bào, ảnh…”
mà thật ra nói như thật như mộng là đã đơn giản và tóm gọn vấn đề đi nhiều, như nhiều tính toán trong Vật lý đã đơn giản hóa, lý tưởng hóa các bài toán rất nhiều để giải, trong khi thực tế nó đa đoan, phức tạp hơn nhiều.
Như người đi trên đường phẳng , trong nắng nóng nung, thấy Mirage, thấy Ảo ảnh nước, nhiều khi chúng ta hiện hữu và sinh sống trong Hợp-phức-thể của Thực và Ảo một cách giản đơn, lý thú, lạ lẫm và có lúc bay lên, ít nhất là trong Thăng hoa Tư tưởng, để chạm trời biếc, mây trắng và sao xa.
Các luận sư , nhất là trong Không tông, về Chân Không, Tánh Không trong Phật giáo Đại thừa hiểu rõ về tính cách như thật , như mộng, huyễn khởi, huyễn dụ, huyền nhiệm, phi khứ phi lai, biệt tăm phi tích này nên các ngài thường Im lặng; ngồi như ngủ , mà không ngủ
Bồ tát tuyệt vời Long Thọ thì nói :
Như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc: tất cả các sự hiện khởi, tồn tục và biến mất đều như vậy.
(Yathà màya tathà svapno gandharva-nagaram yathà;
tathotspàda tathà sthànam tathà bhanga udàhritam )
Addendum:
Chung quanh ta có những sự vật tưởng chừng như đơn giản, thí dụ, những chiếc lá trên cây đang đong đưa nhẹ nhàng trong gió thoảng; thí dụ sáng Xuân chim hót bên vườn. Nhưng nếu quan sát, quán chiếu, tư duy tường tận thì chúng phức tạp hơn chúng ta nghĩ không ít, hoặc nhiều. Và qua những quan sát, quán chiếu đó, chúng ta có thể bắt gặp, khám phá ra những điều mới lạ, rất lý thú để có thể nghĩ về, suy ra, liên tưởng tới mấy điều có liên quan tới Chân Như và Pháp giới.

Notes
(1) Rõ ràng là hãng Hamamatsu Photonics đã set up nhiều dụng cụ hơn T. Young vào năm 1801. Từ đó có khi thấy cả tính chất Hạt của ánh sáng.
(2) a. Điều lạ lùng là phát biểu của người làm thí nghiệm trong Hamamatsu P. : Mỗi một (the single photons) đi qua khe đôi (double slits) cùng lúc . Nếu quả như thế thì điều đó xác nhận tính cách sóng (wave) của photon, cũng như xác định khi apparatus của người làm thí nghiệm muốn “thấy” nó là sóng thì sẽ thấy sóng.
b. Từ phút 8:17 trở đi khi nói về interference của các single photons, diễn giả đã diễn giải lúng túng và kỳ quặc : khi thì như nói về nhiễu hưởng (interference) của Một photon (a single photon) khi thì nói các individual photons. Không giải thích được tại sao không có mẫu nhiễu hưởng ( interference pattern) ; và tại sao chúng lại tự nhiễu hưởng được[ từng photon với chính nó]
c . Thí nghiệm của W. Rueckner & J. Peidle từ đ/h Harvard cho thấy rõ , nếu chỉ cho photoelectrons đi qua 1 khe đơn ( single slit ) thì không xảy ra nhiễu hưởng.

https://sciencedemonstrations.fas.harvard.edu/files/science-demonstrations/files/single_photon_paper.pdf
Đó cũng có nghĩa là nếu không set up apparatus của thí nghiệm để thấy bản chất sóng, mà set up để thấy hạt thì sẽ thấy hạt. Kết quả photoelectrons đi qua single slit cũng mang lại kết luận ánh sáng có bản chất hạt như thí nghiệm thời Einstein khi thấy photoelectron bị đá ra
từ các mặt kim loại.
(3) Có một môn học gọi là Fuzzy Logic ( Luận lý Mờ Sương) do nhà toán học Lofti Zadeh phát kiến khởi lập trong đó giá trị của một sự kiện hay tính toán có nhiều từng bậc (many values) với các điều kiện khác nhau. Đìều này cũng có thể suy diễn rộng hơn nhiều sự vật, sự việc có nhiều mức độ sáng tối, mờ tỏ khác nhau, tùy thời, tùy trường hợp. Nó khiến chúng ta có thể quảng diễn một cách triết học/triết lý là Thực-Ảo bất minh.
(4) Một số loại mãng cầu, thí dụ mãng cầu Atemoya, đổi giống từ cái sang đực trong vòng dưới 1 ngày
April 2019
----

REF

https://www.youtube.com/watch?v=RlPvzn5sG30&fbclid=IwAR0UagJ1lPqNQJNJmCzCttL2QG1BTQMwn8xYIrO4CVXAbDByvg1lj--vXV0

https://en.wikipedia.org/wiki/Wave–particle_duality?fbclid=IwAR1OAyHnQWIeNJFMXR0bPZgV_7Q_RyIGAlVpz0KpUw3H5GC8WQ_-rN0xlxQ

No comments:

Post a Comment