*
Cụ Nguyễn hiệu là Mai Sơn, [10] Người bé nhỏ, trắng trẻo, thanh nhã như con gái, tính tình điềm đạm, đã thông minh lại ham học, ngay từ nhỏ đã khăn áo tề chỉnh như người lớn, 16 tuổi đậu cử nhân, năm sau thi Hội, đỗ Đình nguyên, nhưng chưa kịp truyền lô thì kinh thành thất thủ (1885), khoa đó xóa bỏ. Năm 1892 thi lại, đậu nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) còn Vũ Phạm Hàm đậu nhất giáp tiến sĩ, làm Toản tu ở Quốc sử quán.
Văn thơ cụ rất lưu loát, thanh dật, có giọng xuất trần, khác hẳn giọng tình tứ, bóng bảy của họ Vũ. Thi đậu ít lâu, cụ được bổ đốc học Ninh Bình, rồi đổi đốc học Nam Định, năm 1907 chính phủ Bảo hộ phế vua Thành Thái, cụ đến tận phủ Toàn quyền để kháng nghị, rồi bỏ quan về vườn. Pháp ghét cụ; nhưng vì lẽ này lẽ nọ chưa hạ thủ, thì ít tháng sau biết ở nữa sẽ không yên, cụ bí mật ra đi, không cho một ai hay, cả cụ bà cũng không biết. Cụ cải trang làm đàn bà, do đường Mông Cái qua Quảng Đông tìm cụ Tôn Thất Thuyết là nhạc gia của cụ. Sau cụ liên lạc với cụ Sào Nam, qua Nhật rồi lại về Trung quốc, cho tới khi chán ngán vì bọn “trành” mà đồng chí sa lưới gần hết, cụ đầu cửa Phật ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), rồi mất ở đó (1925).
Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây một bài thơ chữ Hán của cụ mà ít người biết:
LỮ NGÔ
Thặng thủy tàn sơn lạc nhật dao, (**)
Quốc hồn diểu diểu cánh nan chiêu.
Sinh vi độc hạc qui hà ích?
Tử hóa ai quyên hận vị tiêu!
Hoàng hải nộ đào thu phủ kiếm.
Ngô môn hàn nguyệt dạ xuy tiêu.
Duy dư tráng trí hồn như tạc,
Vạn trượng hồng nghê quán tử tiêu.
Ở TRỌ ĐẤT NGÔ
Nước thẳm non xa, lặn bóng chiều,
Chơi vơi hồn nước biết nơi nào
Sống làm hạc lẻ về vô ích,
Thác hóa quyên sầu hận chửa tiêu!
Hoàng hải chống gươm, thu sóng réo,
Ngô môn thổi sáo [11] tối trăng treo.
Còn chăng, tráng chí nguyên như cũ?
Lên vút từng mây muôn trượng cao!
Đông Xuyên dịch
Giọng thơ của cụ vừa bi hùng, vừa phiêu diêu, nửa như tiếng hạc, nửa như tiếng quyên, nửa như tiếng sóng, nửa như ánh trăng, thật đúng với đời của cụ.
Chú thích
Chú thích
[10] Sinh năm 1868 ở làng Liên Bạt (Hà Đông).
[11] Ngũ Tử Tư đi trốn, đến Lăng Thủy, đói, vỗ bụng, thổi sáo, xin Ngô thị cho ăn.
* Đúng ra là chùa Thường Tịch Quang ở Hàng châu. Các sách chép sai.
** Thặng thủy tàn sơn : núi lở, sông tràn.
-----
Cụ Nguyễn trong ngòi bút của cụ Phan Bội Châu và tác giả Tường Vũ Anh Thy
* Đúng ra là chùa Thường Tịch Quang ở Hàng châu. Các sách chép sai.
** Thặng thủy tàn sơn : núi lở, sông tràn.
-----
Cụ Nguyễn trong ngòi bút của cụ Phan Bội Châu và tác giả Tường Vũ Anh Thy
Nguyễn Thượng Hiền : Lời gọi kêu hồn nước
Trong cuốn hồi ký của Phan Bội Châu có đoạn viết về Nguyễn Thượng Hiền như sau:
“ Hoan Nghênh Cụ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền “
Năm Đinh Vị(1907) tháng 7, vua Thành Thái bị phế, Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền tiên sinh, lúc đó đang làm quan đốc học tỉnh Nam Định, bỏ quan về nhà. Năm sau (1908) xuất dương. Tháng 3 năm Mậu Thân (1908) tôi từ Xiêm La trở về, gặp tiên sinh ở Quảng Đông, mời tiên sinh qua Nhật Bản, trước đã đánh điện cho Đồng Văn Thư Viện, dặn toàn thể học sinh, thượng tuần tháng 9, phái đại biểu đến Hoành Tân, đón tiếp tiên sinh. Tiên sinh đến Đông Kinh, liền mở học sinh hoan nghênh đại hội. Lúc bấy giờ Đông Á Đồng Văn Hội, đương làm nhà mới cho học sinh ta, khí tượng vẻ vang, mượn viện đường mới làm sở hội hoan nghênh. Tiên sinh có làm bài khai hiệu diễn thuyết, và bài ca khuyến viện học sinh bằng quốc ngữ, ước vài ngàn chữ, có câu rằng :
Cơm xào thịt giặc mới ngon
Bát canh chan giọt máu thù mới cam
Lại có làm một bản sách “Viễn Hải Qui Hồng” và bản “Tang Hải Lệ Đàm” thảy đem ra in, gửi về trong nước. Ngày sau trong lúc Âu chiến, tiên sinh bôn tẩu khắp Xiêm La, Hương Cảng, Quảng Đông, Quảng Tây, hết sức lo khỉ quân cách mạng. Nhưng đều không được như ý, nên bẩy tám năm sau, say mùi thiền, dấn thân ở nơi cửa Phật. Người Tầu, ai ham Phật học, thảy vui lòng chơi với tiên sinh.
Ôi người như tiên sinh chẳng phải là Trịnh Sở Nam, Chu Thuấn Thủy nước ta ư! (Phan Bội Châu Niên Biểu, Sài Gòn 1971, tr. 123)
Sử chép năm 1907, Pháp truất phế vua Thành Thái và đày ra đảo Réunion (Châu Phi). Lúc đó Nguyễn Thượng Hiền không kìm được sự căm phẫn, phăng phăng đến Phủ Toàn Quyền Đông Dương ở Hà Nội chất vấn. Ông yêu cầu người Pháp khôi phục chức vụ cho vua. Nhưng dĩ nhiên việc không thành. Ông bèn bỏ việc quan, cải trang cùng với Đặng Thái Thân làm thương nhân trốn sang Trung Hoa hoạt động cách mạng.
Nguyễn Thượng Hiền sinh năm Bính Dần (1866) bút hiệu Mai Sơn, biệt hiệu Nam Chi. Biệt hiệu này cùng với Sào Nam Phan Bội Châu đều lấy từ câu cổ thi “Việt điểu sào nam chi” (Chim Việt tổ cành Nam), chính thế mà cuộc đời hai ông có liên hệ mật thiết với nhau từ khi chưa hoạt đông cách mạng.
Nguyễn Thượng Hiền gặp Phan Bội Châu ở Huế vào năm Đinh Dậu 1897. Cảm bài phú “Bái Thạch Vi Huynh” của Phan, Nguyễn Thượng Hiền kết thân bằng hữu, lại đem sách vở thơ văn trong và ngoài nước cho Phan Bội Châu xem. Đặc biệt “Tiên sinh kể những việc nghĩa dũng của ông Tăng Bạt Hổ cho tôi (Phan Bội Châu) nghe, tôi chôn sâu người ấy ở trong lòng, và cái tư tưởng phá cũi xổ lồng đến lúc đó mới manh động. (Phan Bội Châu niên Biểu,SĐD tr 24)
Xem thế đủ biết sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu bắt đầu từ Nguyễn Thượng Hiền, và hỡi ơi cũng kết thúc bởi Nguyễn Thượng Hiền ! Điều này chúng tôi sẽ trình bày ở đoạn sau.
Nguyễn Thượng Hiền người làng Liên Bạt, huyện Sơn Lãng, tỉnh Hà Nội (nay là phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông) con thứ hai cụ Nguyễn Thượng Phiên (Đậu hoàng giáp thời vua Tự Đức 1865, làm thương thư tòa nội các). Văn hay chữ tốt, Nguyễn Thượng Hiền đậu cử nhân rất trẻ (1884 – 18 tuổi). Nhưng chàng cử trẻ tuổi kia lại sớm chán công danh, bỏ nhà vào núi Na (Thanh Hóa) học Đạo. Núi Na là nơi có nhiều ẩn sĩ và đạo sĩ nổi danh từ rất xa xưa, đặc biệt vào thời Lý, Trần. Bất ngờ anh ruột qua đời, gia đình không người nối dõi, nên tìm Nguyễn Thượng Hiền về…lấy vợ! Vì đạo hiếu, chàng cử trẻ tuổi đành theo xe hoa của con gái quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Thế là từ đó công danh đeo đuổi. Đậu tiến sĩ năm 1892, Nguyễn Thượng Hiền làm đốc học Ninh Bình. Sẵn mùi Đạo, ông dán hai câu đối ở dinh đốc học:
Bích vân phương thảo cung thi liệu (mây xanh biếc, cỏ thơm non, đầy hứng thơ)
Hoàng cúc thanh sơn xứng hoạn tình (hoa cúc vàng,núi xanh lam,thật đáng việc làm quan)
Đại khái đời làm quan của Nguyễn Thượng Hiền rất hời hợt. Ông ham thích thơ văn phong cảnh, và ước vọng về một cõi thần tiên khác. Cuộc đời trước mặt đối với ông rất gượng ép, rất phiền toái, và rất mâu thuẫn. Ông không chấp nhận vị thế của một nước bị trị, với một triều đình cổ lỗ nhút nhát và hoen ố. Nhưng chưa làm được gì cụ thể, ông chỉ vùi mình vào văn nghệ, không muốn làm quan. Trong bài hát nói “Chơi Chùa Thày” có câu :
Nhân hướng mộng trung tranh tướng tướng
Ngã tòng bôi lý trịch kiền khôn
(người người trong mộng tranh nhau làm tướng
Mình ta bên chén rượu quăng trời đất đi )
Và câu :
Ngồi tính đốt ba mươi hai tuổi lẻ
Thấy nghiêng trời lệch bể đã bao phen
Ta thấy ông là một nhà văn nghệ có ý thức, tiềm ẩn những tư tưởng kháng chiến cách mạng. Thời của ông là một thời vừa loạn lạc vừa nơm nớp khắc khoải của nước nhược tiểu bị trị. Ông cũng như nhiều nam nữ trí thức khác, thao thức khắc khoải trước tình nhà nợ nước. Vì vậy làm quan, hay làm dân, hay làm đạo sĩ thì lòng ông cũng …ngậm ngùi !
Những cuộc gặp gỡ tri âm như cuộc gặp Phan Bội Châu năm 1897, chắc đã để lại nhiều hùng khí cho ông. Đến khi Phan Bội Châu thành lập Duy Tân Hội, sau là Việt Nam Quang phục Hội thì lòng ông chắc rất phấn khởi. Tháng 8 năm Giáp Tuất (1904) Phan Bội Châu ra bắc để từ biệt xuất dương sang Nhật Bản. Dịp này Phan Bội Châu làm bài
Xuất Dương Lưu Biệt
Sinh vi nam tử yếu vi kỳ
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy
Giang sơn tử hũ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si
Nguyên trục trường phong đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi
(Thân trai đã sống phải hơn đời
Chẳng lẽ vần xoay mặc đất trời
Trong khoảng trăm năm còn có tớ
Lẽ nào ngăn trở lại không ai
Nước non chết chóc càng thêm nhục
Sách thánh mờ phai đọc lũ người
Đông hải quyết theo cơn gió lớn
Vẫy vùng muôn dặm sóng xa khơi)
Đào Mộng Nam dịch
Mấy năm sau (1907) Nguyễn Thượng Hiền cũng lên đường nhập cuộc với bài
Thuật Cảm
Thất mã yên trần biệt cựu lam
Quyên khu thệ báo quốc ân thâm
Bổ thiên điền hải tuy nan sự
Phá phủ trầm chu tự tráng tâm
Vạn lý chinh sam tùy nhạn độ
Tam canh hùng kiếm tác long ngâm
Hà thời thân hệ cường hồ cảnh
Qui đối giang sơn tửu mãn châm
Tả Mối Cảm Xúc
Ngựa biệt rừng xưa ngợp bụi hồng
Quyết tâm đền trả nợ non sông
Vá trời lấp biển dù gian khổ
Đạp sóng ra khơi dẫu nhọc công
Muôn dặm chinh y tung cánh nhạn
Canh khuya gươm báu thét oai rồng
Ngày nào trói được loài lang sói
Trở lại quê hương chuốc rượu nồng
(Đào Mộng Nam dịch)
Thực là những lời gan ruột khảng khái đáp nhau. Từ đấy đời ông gắn liền với Phong Trào Đông Du, cùng với Phan Bội Châu bôn ba đi Nhật về Hoa từ 1908 đến 1916
Cuộc cách mạng Trung Hoa năm Tân Hợi (1911) đã ảnh hưởng trực tiếp tới Duy Tân Hội của Việt Nam. Tháng giêng năm Nhâm Tý (1912) Tôn Trung Sơn được cử làm lâm thời Đại Tổng Thống, Trung Hoa bắt đầu theo chế độ dân chủ. Trước tình thế mới, Duy Tân Hội cải thành Việt Nam Quang Phục Hội, lấy “tam dân chủ nghĩa” của Tôn Văn làm căn bản tư tưởng, tổ chức thành ba bộ: Tổng Vụ Bộ, Bình Nghị Bộ, và Chấp Hành Bộ. Hội trưởng là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, phó là Tổng Lý Phan Bội Châu. Nguyễn Thượng Hiền được cử làm Bộ Viên Bình Nghị Bộ Bắc Kỳ. Khí thế Việt Nam Quang Phục Hội rất mạnh, chế quốc kỳ (đây là lần đầu tiên Việt Nam có quốc kỳ , nhưng chưa có quốc ca), phát hành quân dụng phiếu, tuyên bố cương lãnh…và tấn công Pháp bằng quân sự. Nhưng vì lực bất tòng tâm, phương tiện thiếu thốn, bao nhiêu cố gắng chỉ giết được tên tuần phủ Thái Bình là Nguyễn Duy Hàn, hai tên thiếu tá Chapuis, Montgrand… Bù lại, cách mạng bị thiệt hại rất nặng. Phan Bội Châu bị lên án tử hình. Cuộc lùng bắt VNQPH rất gắt gao.
Đến tháng giêng, tháng hai năm quý sửu (1913) đảng nhóm họp ở Quảng Đông thì chỉ còn hơn trăm người! Tình hình cách mạng Trung Hoa cũng biến chuyển khác thường, và VNQPH không còn hoạt động được. Thêm nhiều nghĩa sĩ bị tù, bị giết. Đến cuối năm đó (12-1913) thì Phan Bội Châu bị bắt cùng với cụ Mai Lão Bạng, giam ở ngục Quảng Đông.
Tháng 9 năm Ất Mão (1915) ở trong ngục, Phan Bội Châu ủy thác cho Nguyễn Thượng Hiền sang Thái Lan tiếp xúc với đại diện người Đức và người Áo. Nguyễn Thượng Hiền nhận viện trợ và nhận chỉ huy một đơn vị quân sự tấn công đồn Móng Cáy. Nghĩa quân tụ tập toan làm những cuộc tấn công biên giới để gây thanh thế. Nhưng tất cả đều thất bại vì không đủ thực lực.
Sau đó, Nguyễn Thượng Hiền bỏ đi tu ở chùa Thường Tịch Quang trên núi Cô Sơn (một thắng cảnh Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa). Ông thật sự sống hẳn với lời kinh tiếng kệ, và trăng nước thiên nhiên, không hề nói tới việc đời. Ông mất ở đó vào năm 1926, sau khi Phan Bội Châu bị Pháp bắt.
Còn về việc Phan Bội Châu bị bắt lần cuối cùng năm 1925, sở dĩ có liên quan đến Nguyễn Thượng Hiền như sau :
“Ngày 11 tháng 5 năm Ất Sửu (1925) tôi gấp lên Thượng Hải, tính làm xong việc gửi bạc đi Bá Linh thì tức khắc xuống thuyền đi Quảng Đông. Bởi vì thuyền Thượng Hải đi Quảng Đông chỉ mất có 5 ngày. Khi tôi ở Hàng Châu có mang theo bạc Tầu 400$ tức là số bạc gửi cho ông Trần. Ai dè lúc tôi ra đi mà thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với người Pháp, mà người mật báo đó chính là ở chung với tôi, nhờ tôi nuôi nấng! Việc thiên hạ đến như thế, tôi làm sao biết được. Người ấy nghe nói tên là Nguyễn Thượng Huyền. Lúc đầu nó mới đến Hàng Châu, đi một cặp với Trần Đức Quý, tôi đã lấy làm nghi, nhưng nghe nói người ấy là cháu cụ Nguyễn Thượng Hiền, gọi cụ Thượng Hiền bằng ông chú, học thông chữ Hán, đã từng đỗ cử nhân, chữ Pháp và chữ quốc ngữ cũng đủ xài. Tôi nhân yêu tài nó, lưu nó làm thư ký, còn như nó làm ma cho Pháp, tôi có nghĩ tới đâu!
12 giờ trưa ngày 11 tháng 5 âm lịch, xe lửa Hàng Châu đi đến Bắc trạm, tôi vì nóng gửi bạc cho ông Trần nên gửi đồ hành lý ở nhà chứa đồ, chỉ cách một cái ca bảng nhỏ, đi ra cửa ga thì thấy một cái xe khá lịch sự, đứng chung quanh có 4 người Tây, tôi không nhận ra được là người Pháp. Bởi vì ở Thượng Hải, người Tây nước nào cũng có, khách sang trọng biết chừng nào mà kể; đem xe hơi rước khách cũng là thông lệ của lữ quán to. Tôi có biết đâu chiếc xe hơi này là đồ của kẻ cướp bắt cóc người đâu! Tôi mới ra khỏi cửa ga vài ba bước thấy có một người Tây hung dữ lại trước mặt tôi, dùng tiếng Quan Thoại mà nói với tôi rằng: “Trưa cơ xế hần hào, xênh xiên sâng sang xê.” Tôi đương cự rằng: “Ượ bá giảu.” Thình lình ba người Tây nữa ở sau xe ra, hết sức đẩy tôi lên xe, máy xe tức khắc vặn thì tôi đã vào tô giới Pháp! (Phan Bội Châu Niên Biểu, tr. 211 – 212).
Đó là câu chuyện mà đến khi nhắm mắt (29 tháng 10 năm 1940) mối tình đồng chí keo sơn giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Thượng Hiền vẫn còn chút sương mù. Nguyên bấy giờ (1925) Nga Sô muốn đem chủ nghĩa Cộng Sản vào Á Đông nên đặc biệt cử một phái đoàn sang Quảng Châu làm cố vấn cho chính phủ miền Nam Trung Hoa. Phái đoàn gồn Borodine, Galen tức Blucher, và Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chi Minh). Hồ bèn tìm ngay đến trụ sở Phan Bội Châu , và trình bày cái gọi là “Toàn thế giới nhược tiểu dân tộc liên hiệp hội”. Hội này có tham vọng lãnh đạo và xúi giục các nước nhỏ đang bị đô hộ như Việt Nam, chống lại đế quốc thực dân và tư bản, giành lại độc lập. Hồ đề nghị VNQPH nên gia nhập và đổi tên là “ Toàn thế giới nhược tiểu dân tộc, Á Đông bộ, Việt Nam chi phân bộ.” Có nghĩa là đảng Việt Nam nằm trong hệ thống chính trị đấu tranh giải phóng của quốc tế, đặc biệt là Á Đông.
Phan Bội Châu không những bằng lòng, còn đi tìm các đồng chí cũ về, như Nguyễn Thượng Hiền đang lánh tu ở Hàng Châu. Nhưng lúc Phan Bội Châu vắng mặt thì ở nhà (Quảng Châu), Hồ Chí Minh và Lâm Đức Thụ âm mưu triệu tập một buổi họp không có Nguyễn Hải Thần, để tìm cach bán Phan Bội Châu cho Pháp. Họ lấy cớ là cần tiền hoạt động, mà cụ Phan đã già, chết cũng không sao, có khi chưa chắc bị xử chết. Dĩ nhiên tất cả đều là sự sắp đặt của Hồ Chí Minh. Y mua chuộc được hội nghị để có danh hành động. Vừa bán được Phan Bội Châu lấy tiền, vừa được tiếng là “hoàn tất công tác của 2 đảng một cách tốt đẹp”. Y bèn phái Nguyễn Thượng Huyền là cháu Nguyễn Thượng Hiền (để cụ Phan tin) bam sát Phan Bội Châu, báo cáo mọi hành động của cụ. Thật là một thâm kế. Đến nay cả Hồ Chí Minh cũng đã chết. Nhưng chắc gặp hai cụ Nguyễn, Phan dưới suối vàng, chắc y chỉ cúi đầu lẩn trốn. Hoặc y sẽ cười giã lã. Hoặc y sẽ làm mặt lạnh phớt lờ. Chỉ có hai nhà cách mạng lão thành kia tủm tỉm cười với nhau. Hoặc là đưa mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn về non nước Việt Nam mà lặng lẽ không nói một điều gì nữa.
Nguyễn Thượng Hiền để lại nhiều tác phẩm, nhiều bài thơ rải rác, trong đó có cuốn “Nam Chi Thi Tập”. Dân gian rất truyền tụng bài phú:”Bài Phú Cải Lương Hồi Nước Ta Mới Duy Tân” Bài phú này đặc biệt đã xử dụng hàng trăm câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao từ dân gian ghép lại. Sau có in trong Văn Đàn Bảo Giám do Trần Trung Viên và Hư Chu biên tập, nhà Mặc Lâm xuất bản.
Khi ở Quảng Đông, được tin vợ mất, Nguyễn Thượng Hiền làm bài
Điếu Nội
Ngưỡng quan thiên, thiên dĩ vân ê tứ sắc, phủ quan địa, địa dĩ kinh cức hoành sinh, bão tuyết xan sương, gian quan thiên lý ngoại, thương hải vị năng điền, thệ ngã tráng tâm, khởi phục gia hương oanh lữ mộng.
Thiếu tùng phụ, phụ dĩ quân sự xuất bôn, trưởng tùng phu, phu dĩ quốc nạn tha thích, hàm tân nhữ khổ, chung thủy sổ thập niên, bạch đầu ưng cách thậm, đa quân tảo giác, tiên tương cân trất đoạn sầu căn
(Trông lên trời, trời đã bốn bề mây bủa, cúi nhìn đất, đất đã gai góc tràn lan, uống tuyết ăn sương, gian lao ngàn vạn dặm, bể thẳm còn chưa lấp, nước non trót nặng lời thề, lẽ để hồn quê vương vấn mộng.
Trẻ theo cha, cha vì việc vua ra đi, lớn theo chồng, chồng vì việc nước xa lánh, nuốt cay ngậm đắng, sau trước mấy mươi năm, đầu bạc hẳn càng buồn, duyên nợ khen ai khéo tính, trước đem gương lược cắt giây sầu.) Đặng Thai Mai dịch.
Bài Điếu Nội có nhiều bản chép khác, như bản của cụ Hồng Liên Lê Xuân Giáo đăng ở Việt Nam Khảo Cổ Tập San số 6, Sài Gòn 1970. Nhưng bản của Đặng Thai Mai sưu tầm đầy đủ và hay hơn cả.
Bài “Ký Quốc Nội Đồng Chí” là một bài gan ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thượng Hiền đã được lưu truyền sâu rộng trong giới sĩ phu bấy giờ. Nguyên văn:
Nhiệt huyết mãn hung ức
Bi ca thế nan thu
Hành đăng hải ngoại sơn
Dẫn Lĩnh vọng Viêm châu
Dao tri trần ai tế
Bất phạp anh tuấn lưu
Phấn lực khuông Hán tộ
Thi tâm báo Hán cừu
Phong lôi minh tráng trí
Thần quỉ vận âm mưu
Tư nhân phách lực đại
Năng tẩy sơn hà tu
Thiều dao bất đắc kiến
Sử ngã tâm phiền ưu
An đắc tháp lưỡng dực
Lăng phong tầm cựu du
Luân tâm cộng nhất thất
Lập sự kỳ thiên thu
Ngã bang linh tú vực
Nhân vật đa thù vưu
Lam sơn dữ Đằng thủy
Tiền liệt do bính vưu
Ta tai ngã đồng bào
Xử thế đương tự do
An năng khốn ky ách
Cục xúc đồng mã ngưu
Nam nhi thất xích thân
Vị quốc hoài tráng du
Tử vi Đặng tướng quân
Sinh vi Tế Văn Hầu
Lê chưng xuất thủy hỏa
Ngô nguyện phương thiểu thù
Minh công tại hà xứ
Viên Tản thiên phong đầu
Đào Mộng Nam đã diễn ngâm như sau:
Gởi Đồng Chí Trong Nước
Trái tim hồng sục sôi máu đỏ
Buồn hát vang lệ đổ tơi bời
Trèo lên đỉnh núi trông vời
Nước non cách trở dặm khơi mịt mùng
Quê hương ấy ta từng thấu tỏ
Trai anh hùng nào có thiếu chi
Ngày đêm ra sức giúp vì
Diệt thù dựng nước cứu nguy đồng bào
Chí dọc ngang sấm gào gió thét
Mưu quỉ thần quét sạch sài lang
Nung gan luyện chí sẵn sang
Sao cho non nước rỡ ràng mới cam
Chốn xa xôi mắt làm sao ngó
Mảnh hồn ta vò võ năm canh
Ước gì mọc cánh bay nhanh
Vượt ngàn sóng gió để mình có nhau
Dưới mái tranh chung đầu tính kế
Nghiệp lớn xây hậu thế lẫy lừng
Nước ta là đất anh hùng
Hàng hàng lớp lớp cây rừng chen chân
Bạch Đằng giang Lam Sơn chói lọi
Vinh quang xưa còn rọi ngàn sau
Than ơi dân Việt khổ đau
Kiếp người thân ngựa phận trâu sao đành
Lẽ nào chịu khom mình tuân phục
Chịu nhọc nhằn tủi nhục sao đang
Thân trai bảy thước ngang tàng
Hãy vì tổ quốc hiên ngang quên mình
Hịch Nguyễn Trãi uy linh tạc dạ
Thơ Đặng Dung chí cả làm lòng
Giúp dân thoát cảnh cùm gông
Để ta trả sạch núi sông nợ nần
Công lao ấy chẳng cần ghi nhớ
Vẫn ngàn năm rực rỡ Ba Vì.
Đặc biệt bài Chiêu Quốc Hồn được truyền tụng nhiều nhất. Bài này Nguyễn Thượng Hiền làm trong những giây phút bừng bừng khí thế cách mạng. Khi lên án bọn phản dân bán nước, hoặc những kẻ luồn nịnh, những hạng sâu mọt… lời ông như tiếng sư tử hống. Không thể tha thứ được bọn ấy, cũng như không thể không ngợi ca khích lệ những bậc nghĩa sĩ anh hùng. Tiếng lòng ông, cũng như tiếng lòng của NGUYỄN CAO: TỰ PHẬN CA, như tiếng lòng của bao nhà chiến sĩ tiên phong cách mạng Việt Nam, đã tô thắm tờ văn sử.
Bài Chiêu Quốc Hồn chúng tôi dựa vào bản đã sửa chữa của cụ Hồng Liên Lê Giáo như sau :
CHIÊU QUỐC HỒN
Việt Nam quốc nhân Nguyễn Thượng Hiền cẩn dĩ nhất phiến đan tâm, mãn thiên huyết hận, chiêu ngã Việt Nam quốc hồn nhi cáo chi viết:
Ô hô! Quốc chi lưỡng gian, đại tiểu tuy thù
Mạc bất hữu kỳ quốc hồn, nhi ngã độc vô ?
Phỉ ngã quốc chi vô hồn, nhân tính thực ngu
Duy lợi thị thị, duy danh thị xu
Dĩ xiểm du vi đắc sách, thị trung nghĩa vi úy đồ
Bất tri bang quốc điển diệt chi khả thống, đản tri thân gia phì noãn chi kham ngu
Đương quốc cừu chi nhiễu bại, thực hữu cơ chi khả đồ
Hợp ngô quần khả dĩ phục Sở, phấn ngô lực khả dĩ chiêu Ngô
Nhi nãi hôn hôn mặc mặc, triêu điềm mộ du
Mị địch giả dĩ vạn kề, ứng nghĩa giả vô nhất phu
Ai hỉ tai, cử quốc dai bất tri miễn sỉ, hà quái bỉ súc chi như khuyên trung đồn, nhi thác chi nhược viên hạ câu
Ô hô! Quốc do tại thị, hồn tắc yên tồ ?
Ngã kim đăng cao, phát thanh dĩ hô :
Tây cống chi vực, Đông kinh chi khu
Hoan Ái chi điện, Hương Bình chi đô
Khởi vô nhất nhị nghĩa sĩ, niệm quốc nạn chi khuông phù ?
Khởi vô nhất nhị di dân, khích nghĩa niệm dĩ trì khu ?
Ư dĩ tuyết chủng tộc chi sĩ, ư dĩ tẩy sơn hà chi ô
Ô hô! Hồn như khả tri, hạp qui lai hồ?
Anh phong kinh khí, phản kỳ chân ngô
Vật trầm luân ư nô giới, ô thử phát phu
Vật bái khể ư lỗ đình, nhục thử đầu lư
Qui tai! Qui tai! Niệm nhị Tiên Tổ, nhược Lê Thuận Thiên đế chi phá địch, nhược Trần Hưng Đạo vương chi cầm Hồ
Qui tai! Qui tai! Thị nhị lân cảnh, nhược Trung Hoa chi chấn hưng ư Vũ vực, nhược Nhật Bản chi xưng hung ư hải ngung
Thiên nhân vạn nhân, các tề nãi tâm, nhất nãi lực, khiến nãi tích, hoằng nãi mô
Sử thế giới chi nhân dai quát mục nhi viết:
Bỉ Việt Nam giả kim dĩ năng phấn nhiên độc lập, bất cam vi Pháp Lan Tây nhân vĩnh thế chi nô
Ô hô! Đồng bào! Ngã nguyện tứ thiên niên minh linh chi quốc hồn, lại nhĩ tráng chí chi xuy hư, hoác nhiên tại tô
Bất tuẫn bỉ nhất ban trư tâm cẩu phế, nô nhan tì tất dĩ câu tồ.
Áng văn chương trác tuyệt này đã được diễn dịch bởi nhiều bậc thâm nho ái quốc. Chúng tôi mạo muội diễn ngâm :
LỜI GỌI KÊU HỒN NƯỚC
Người dân Việt Nam là Nguyễn Thượng Hiền, với một tấm lòng son, đầy trời máu hận vong quốc, xin thành khẩn kêu gọi hồn thiêng sông núi Việt Nam, và kính trình như sau:
Ôi các nước ở trong trời đất
Dù nhỏ to chẳng mất quốc hồn
Lẽ đâu riêng nước Việt mình
Hồn thiêng sông núi vô tình hay sao?
Nhưng hồn nước ôi chao vẫn đó
Chỉ tại ta nghèo khó tham lam
Lợi thì tít mắt làm càn
Nghe danh là bám như đàn nhặng xanh
Việc nịnh nọt ra danh ra giá
Chuyện quốc gia quấy quá trốn xa
Hết lo thân tới lo nhà
Hỡi ơi nước mất mới là đớn đau!
Bọn quốc thù nay đang khốn bại
Chính là cơ nghĩ lại cho tròn
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Nghĩa lý ấy người nào cũng biết
Tại sao còn mù điếc ham vui
Bám đuôi nịnh hót quân thù
Chẳng ai theo đuổi con đường quốc gia
Chua xót thay nước nhà bị nhục
Toàn dân như trâu ngựa heo gà
Nước đây hồn ở đâu đâu
Đứng lên ta gọi một bầu máu tươi :
Hỡi ba miền này Trung Nam Bắc
Huế Sài Gòn Hà Nội thân thương
Há không nam nữ lên đường
Cùng nhau cứu quốc hết lòng được sao ?
Trước là để rửa hờn sông núi
Sau làm cho nòi giống vinh quang
Hồn có biết hãy vang suốt cõi
Khí hùng xưa dõi dõi hồn a !
Hồn về gột sạch tóc da
Không còn cúi mặt người ta chê cười
Hồn hãy về hồn ơi hồn hỡi !
Tổ tiên ta rạng rỡ anh hùng
Lam Sơn kháng chiến vẫy vùng
Đức Trần Hưng Đạo lẫy lừng chống Nguyên
Hãy trở về hồn ơi hồn hỡi !
Thử ngoái xem mắc cở láng giềng
Trung Hoa cách mạng ba miền
Phù Tang ngạo nghễ xưng hiền biển đông
Chữ đồng tâm vạn người như một
Hãy cùng nhau lột xác đứng lên
Hãy cho thế giới biết rằng :
Việt Nam độc lập quét bằng thực dân
Hỡi đồng bào ruột gan thân quí
Bốn ngàn năm hồn nước thiêng liêng
Về đây hùng khí ngập trời
Như luồng gió mới xây đời tự do
Còn những bọn lòng heo dạ chó
Cùng những phường đón gió săn hơi
Suốt đời thân phận tôi đòi
Chết cùng chết quẩn như giòi bọ thôi .
tường vũ anh thy, san jose 11/1988
-----
REF
http://vnthuquan.org/(S(elrszr55gooj50aiecf5c245))/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvntn2n1n4n31n343tq83a3q3m3237nvnnn&AspxAutoDetectCookieSupport=1
http://tuongvuanhthy.blogspot.com/2011/03/nguyen-thuong-hien-loi-goi-keu-hon-nuoc_18.html
No comments:
Post a Comment