Bài 2:
Dịch, bình chú và khai triển “ Sự Lập Thành Tự Do” ( The Constitution of Liberty) của Friedrich Hayek
Mấy phần quan trọng từ trang 11 tới trang 17
Ý nghĩa Tự do (căn bản mà quan trọng) Hayek muốn nói tới:
Là cái “Tự do” thiết yếu của một con người, không bị ai sai sử, ép buộc, cưỡng bách làm điều gì hết. Loại tự do này, nếu nói cụ thể, không có liên quan trực tiếp gì đến những điều cụ thể một con nguời có thể được chọn lựa, chọn làm trong một thời điểm nào đó (p.12)
Dịch:
Vấn đề đăt ra ở đây là: Không phải việc có bao nhiêu đường cho một người chọn lựa để hành động, tuy điều này cũng rất quan trọng; mà là anh ta được tự do đến đâu, được hành xử theo chính suy tư, tính toán của mình như thế nào để có thể hành động thích hợp để đạt được mục đích. Một người có tự do hay không không tùy thuộc vào hang loạt những chọn lựa mà anh ta có thể chọn làm (vì những lựa chọn này có thể đã được sắp xếp, phân bố từ một ngưòi khác), mà tự do là bởi vì anh ta có thể tự sắp xếp, trù liệu công việc của mình mà không có ai ảnh hưởng hay chi phối gì đến việc anh làm. Tự do, như thế, giả thiết trước rằng một người nào đó đã có một không gian tự do nào đó được đảm bảo mà không ai có quyền can thiệp vào.
Tức là, theo F. Hayek, con người thiết yếu là phải được tự do sinh sống, hành hoạt, ứng xử v.v...với những quyền tự do căn bản phải được mọi thể chế tôn trọng (nếu một chế độ muốn xây dựng được một xã hội tiến bộ và hạnh phúc) , và không bị nhà nước áp đặt, cấm đoán, sai sử những điều gì đi ngược lại những quyền tự do căn bản và thiết yếu như trên. Có như vậy, người dân mới có thể phát huy và đóng góp được lợi ích cho cả nột cộng đồng (ng/dịch b ình chú)
Dịch
Chúng ta sẽ bàn thêm cho sáng tỏ hơn ý niệm tự do này khi bàn đến ý niệm “ép buộc/cưỡng bách” (coercion) ở phần sau. (p.13). Chúng ta sẽ bàn một cách có hệ thống, sau khi đã vạch ra tại sao cái tự do này quan trọng đến thế. Nhưng trước hết chúng ta sẽ cố gắng biện biệt bằng cách so sánh nó với những ý niệm về tự do khác mà chữ “Tự do” đã được bổ sung thêm.
Ý nghĩa “tự do” đầu tiên mà ta biện biệt cùng là cái thường được gọi là tự do chính trị. Đây là cái thường thấy khi có sự tham dự của chúng ta vào guồng máy chính quyền, trong thủ tục lập pháp, trong việc điều hành công việc hành pháp. Đây là sự ứng dụng khái niệm của chúng ta (khi khối đông cùng nhau thực thi cái) gọi là tự do của tập thể. Nhưng một dân tộc/khối người tự do ( free people) trong nghĩa này không nhất thiết phải là một khối người hay dân tộc gồm những người có tự do( free men), hoặc , tuy cùng là thành viên của một cộng đồng có tự do chính trị, nhưng có người ví lý do này hay khác chưa có đủ hay có quyền bị giới hạn. Ví dụ, không ai có thể chối cãi là những thường trú nhân ở Hoa kỳ ( chưa có đầy đủ các thứ quyền như một công dân) hay những người vị thành niên vẫn có đầy đủ hoàn toàn những tự do cá nhân, trong khi họ chưa có quyền bỏ phiếu bầu cử (p.14)
…
Tuy khái niệm về tự do của quốc gia có những phần tuơng tự như tự do cá nhân , chúng không giống nhau hoàn toàn. Và việc tranh đấu để có cái tự do trên không kèm theo việc có cái tự do duới. Đôi khi người ta lại thích bị cai trị bởi kẻ độc tài cùng nòi giống với mình hơn là hưởng ứng những chính sách tự do phóng khoáng hợn của những kẻ cai trị khác chủng tộc. Và cũng có khi cuộc đấu tranh cho tự do/độc lập quốc gia lại đưa tới những hạn chế về tự do cá nhân của những nhóm thiểu số. Tuy hai thứ tự do này có những cảm nhận và tình cảm gần giống nhau, nhưng chúng ta vẫn cần ghi dấu để biện biệt cho thật tỏ tường (p.15)
…
Hayek gióng trống kêu gọi để ý và phân biệt để đừng lẫn lộn hai ý nghĩa về tự do sau đây, vì lầm lẫn như vậy rất nguy hiểm. Đó là lầm lẫn tự do cá nhân ( như đã đề cập tới ban đầu) [trong tr. 12] với “khả năng” muốn gì được nấy, như trong ý tưởng: vì “làm chủ tập thể đầy quyền lực, con người sẽ có rất nhiều khả năng để có thể tự do thực hiện rất nhiều việc. Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội và cộng sản đã cố dùng nhiều “ảo thuật” để huyễn hoặc kẻ nhẹ dạ, hay dùng vô số các ngụy biện để đánh lộn xòng giữa hai khái niệm nói trên, hoặc tạo nên “các ảo tưởng chữ “Tự do” có thể sản sinh, tác giả đã kêu gọi “tỉnh thức” để thấy rõ những cơ nguy và âm mưu của phe theo chủ nghĩa Cộng sản hay Xã hôi , tuyên truyền cho một xã hội trong đó con người ta được tự do “gần như vô hạn”, để rồi các quyền tự do quý trọng nhất của mỗi con người sẽ bị các thứ nhân danh “quyền lực” tập thể bóp nghẹt chết hết. (ng/d bình chú)
Ông viết, “Bằng vào sự tác hợp, giúp đỡ (do gây ngộ nhận, lầm lẫn) của thứ lừa phĩnh này mà giờ đây ý niệm “làm chủ tập thể” (collective power over circumstances ) đã thay thế ý niệm tự do và trong các nhà nước toàn trị, tự do con người đã bị “bóp chết” nhân danh chính tự do.” (p. 16).
Hayek đồng thời cũng lưu ý mọi người chớ để lầm lẫn gây nên do tính cách thay đổi, biến chuyển ý nghĩa của chữ Tự do trong nhiều trường hợp. Trên phương diện “định nghĩa rộng”, hay quảng diễn chữ tự do có nhiều khi được định nghĩa như “quyền năng”, ví dụ như John Dewey khi tuyên bố “ tự do là quyền năng, thứ quyền năng có hiệu lực để làm các việc cụ thể, nhất định” và “đòi hỏi tự do là đòi hỏi quyền lực”. Ý nghĩa tự do như thế đã được quảng diễn, chuyển tải như một thứ quyền lực (được đòi phải có), kết quả là đã gây ra nhiều lầm lẫn, ngộ nhận đáng tiếc. (p. 17)
Sự lầm lẫn này, chẳng chóng thì chầy, sẽ dẫn đến sự liên kết ý nghĩa giữa tự do và có tài sản (wealth), tức là sự đánh đồng để đưa tới ý niệm : có tài sản tức là có tự do; và như thế sẽ trở thành một khí cụ lợi hại để lôi kéo hậu thuẫn, để dẫn đến đòi hỏi về sự phân chia lại tài sản. Hayek đưa ra một thí dụ để chỉ ra sự khác biệt rõ ràng của tự do và “có tài sản” như sau : một kẻ hầu trong cung của một hoàng tử có thể được sống trong sung suớng, tiện nghi, nhưng nếu xét đến mặt tự do, thì chưa chắc đã được như một người nông dân hay nghệ sĩ nghèo nàn được sống và hành xử theo ý nguyện của mình.( b/chú)
* Vài hàng về Friedrich Hayek:
Friedrich Hayek (1899 –1992) người gốc Áo, sau đổi sang quốc tịch Anh. Ông vốn là một nhà kinh tế và triết gia chính trị quan trọng của hậu bán thế kỳ 20, được giải Nobel Kinh tế năm 1974. Cùng với Raymond Aron của Pháp, cả hai được coi là hai cột trụ tư tưởng lớn, cứng mạnh, trí tuệ, kiên quyết “bảo vệ” cho một chế độ tự do, tư hữu (ông có khuynh hướng liberalism = tự do-phóng nhậm /bình đẳng/công bằng, càng ít sự can thiệp hay chế tài từ nhà nước càng tốt), chống lại phe theo Xã hội và Cộng sản chủ nghĩa ( ví dụ hai triết gia Jean Paul Sartre & Trần Đức Thảo trong hàng trăm người khác). Hayek chủ trương cái thiết yếu nhất của con người là Tự do cá nhân [đối mặt với nhà nước], không bị ai sai sử, ép buộc, cưỡng bách làm điều gì hết, để có thể tự sắp xếp, trù liệu công việc của mình mà không có ai ảnh hưởng hay chi phối gì đến việc anh làm. Có như vậy, người dân mới có thể phát huy và đóng góp được lợi ích cho một cộng đồng. Một chế độ, một xã hội lành mạnh trong đó con người có thể sống chung hòa thuận phải đảm bảo được nhựng quyền tự do căn bản và thiết yếu nhất, tương tự như những gì được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Té Nhăn Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948. Dịch chuyển sang bình diện chính trị, kinh tế và xã hội, như thế tất nhiên tư tưởng Hayek sẽ chống lại tất cả mọi khuynh hướng toàn trị, độc tài của một nhà nước theo kiểu Cộng sản của Marx và Lenin, hay các chế độ độc tài kiểu Fascist. Ảnh hưởng của ông lớn trong khối Tự do 2 thập niên từ 1960-1980, và ông từng được cựu thủ tướng Anh quốc là bà Margaret Thatcher ca ngợi công trình tư tuởng của mình.
Tâm Nguyên
March 2013
No comments:
Post a Comment