Wednesday, July 1, 2015

Bài viết của Gs/nhà bình luận Ngô Nhân Dụng trên Học Hội Dân Chủ Việt Nam

Xã Hội Công Dân Là Nền Tảng của Chế Độ Dân Chủ
Ngô Nhân Dụng

*
...

"Nhập cảng các định chế dân chủ
Nhiều người cho rằng thể chế dân chủ xuất phát từ Tây phương vào thế kỷ 18 không thích hợp với các nước phương Đông. Ấn Độ là quốc gia dân chủ đông người nhất thế giới, từ năm 1947 vẫn duy trì thể chế tự do dân chủ, đó là một bằng chứng phản bác ý kiến thiên lệch này. Những cuộc bầu cử đã diễn ra ở Đài Loan, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Nhật Bản, vào những năm 1997, 98 và ở Thái Lan, Indonesia đã thay đổi chính phủ và thay đổi cả đảng cầm quyền một cách hòa bình, cho chúng ta thấy các định chế dân chủ đã thành công ở các xứ có gốc văn hóa khác nhau, dù là văn hóa Khổng Mạnh, Phật giáo, Hồi giáo hay Thiên chúa giáo. Dân chúng, đảng phái đều tham dự tích cực và họ có vẻ bằng lòng với những luật giao đấu, hay gọi là luật chơi mới này. Cũng như người ta ai cũng thích chơi bóng đá, các luật chơi thiết lập ở Tây phương rồi truyền đi khắp thế giới. Thay vì chỉ có súng đẻ ra quyền hành (như Mao Trạch Đông vẫn nói) thì có thể dùng lá phiếu của người dân quyết định. Quyền hành được chuyển giao mà không đổ máu, đó mới thật là văn minh. Tranh cãi nhau trên báo chí và trong nghị trường, có khi sinh ẩu đả, cũng còn văn minh hơn cảnh bắt bỏ tù không xét xử, hay đi thủ tiêu người bất đồng chính kiến.
Nhưng ví thử các dân tộc Á châu đều nhập cảng những định chế dân chủ Âu Mỹ vào xứ mình, viết hiến pháp theo kiểu Pháp, kiểu Mỹ, bầu Quốc hội hay bầu Tổng thống, thì các nước đó có thể dân chủ hóa nhanh chóng và bền vững để nhờ thế tạo nên đời sống ấm no hơn hay không?
Vội vàng trả lời có hay không đều thiếu tinh thần khoa học. Các định chế nhập cảng không bảo đảm sẽ thành công, nhưng cũng không phải chắc chắn sẽ thất bại. Các nghiên cứu chính trị gần đây cho biết việc thành lập các định chế dân chủ như bản hiến pháp, hay những cuộc bầu cử không thôi chưa đủ. Có một yếu tố cần để xây dựng dân chủ (và mở mang kinh tế) mà lâu nay chúng ta ít bàn đến là việc xây dựng xã hội công dân, một nền tảng của chế độ dân chủ.
Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của xã hội công dân trên việc xây dựng thể chế dân chủ tại các quốc gia đang thay đổi chính trị. Cuộc chuyển hóa ở các nước cộng sản Đông Âu từ một đảng chuyên chính sang chế độ dân chủ, tự do đã gặp khó khăn ở nhiều nơi cũng vì một số nước chưa có nền tảng của xã hội công dân. Đặc biệt là tại Cộng Hòa Nga, nơi không có truyền thống xã hội công dân vì đã chuyển từ chế độ Nga hoàng sang chế độ cộng sản. Ở các nước Đông Âu, người dân đã được sống trong các chế độ tương đối dân chủ từ đầu thế kỷ 20 cho nên họ đã có một nền tảng xã hội công dân sâu hơn, mà thời gian 40 năm sống dưới chế độ cộng sản chưa xóa bỏ được hoàn toàn. Trong khi đó nước Nga chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội cộng sản, người dân sống 70 năm dưới một chính quyền độc tài đảng trị, khái niệm xã hội công dân hoàn toàn xa lạ. Vì thế đến đầu thế kỷ 21, sau 17 năm thay đổi, trong khi các nước Đông Âu tiến vững vàng trên đường dân chủ hóa thì Nga có khuynh hướng quay trở về một chế độ độc tài, dù không cộng sản. Cũng vì lý do tương tự, các nước cộng sản ở Á châu không chuyển mình để dân chủ hóa như ở Âu châu, vì vai trò của xã hội công dân chưa bao giờ được triển khai ở các nước đó. Nhưng riêng tại Việt Nam, tinh thần tự do dân chủ có vẻ sôi nổi trong nhân dân miền Nam nhiều hơn, mặc dù giới trí thức miền Bắc lên tiếng đòi tự do dân chủ nhiều hơn, cũng vì miền Nam đã trải qua nhiều năm dưới chế độ Cộng Hòa chấp nhận cho xã hội công dân phát triển.
Từ chế độ cộng sản sang xã hội công dân
Chủ nghĩa Mác xít vốn coi xã hội công dân là giả tạo, phù phiếm, chỉ là một phần của cái gọi là thượng tầng kiến trúc trong chế độ tư bản mà Karl Marx và Lênin coi là phải xóa đi tất cả. Trong các nước cộng sản, xã hội công dân không được phép phát triển, vì quyền hành được tập trung vào Đảng Cộng Sản, chi phối cả nhà nước, cả các định chế ngoài nhà nước, cho tới mọi hoạt động tập thể tự phát của người dân. Như điều 4 trong hiến pháp của Cộng Sản Việt Nam viết rằng Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Các đảng cộng sản đều có tham vọng toàn trị, muốn chi phối đời sống chính trị, kinh tế, cho đến văn hóa, tư tưởng, không còn chỗ nào cho các sinh hoạt tự phát và tự nguyện của tư nhân. Chủ trương đó không khác gì các chế độ thần quyền, mà đơn vị xã hội duy nhất là cộng đồng những người cùng tín ngưỡng.
Khi quan sát sự chuyển biến của các nước cộng sản cũ ở Nga và Đông Âu, chúng ta thấy vai trò quan trọng của xã hội công dân. Những nước thuộc Liên xô cũ, trong đó có nước Nga, cải tổ kinh tế mang lại những thay đổi rất chậm chạp và hỗn độn, vì chế độ cộng sản ở đó đã có mặt sớm nhất từ thập niên 1920, xã hội công dân không xuất hiện, dân chúng không có thói quen tự tạo ra những sinh hoạt tập thể tự do, tự nguyện, độc lập với guồng máy cai trị. Ngược lại, những nước như Hungary, Tiệp, nhất là Ba Lan, các chế độ cộng sản lập ra trễ hơn gần 30 năm so với Nga, từ trước thập niên 1980 đã có những sinh hoạt tự phát và tự nguyện của các công dân tạo nền tảng cho xã hội công dân nẩy nở. Ngay trong thời cộng sản cai trị, những câu lạc bộ văn chương và các doanh nghiệp tư ở Hungary, những nhóm trí thức, văn nghệ độc lập ở Tiệp, công đoàn Solidarnos độc lập và Giáo hội Công giáo ở Ba Lan đều là các hạt giống cho xã hội công dân ở những xứ này. Một hậu quả là sau mươi năm cải tổ kinh tế các nước Ba Lan, Hungary, và Tiệp đạt những thành tựu đáng kể hơn hẳn các nước thuộc Liên xô. Chính những cảnh bị gọi là xáo trộn xã hội ở các thập niên trước, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền cộng sản, đã gây mầm tốt cho các tiến bộ kinh tế trong thập niên 1990 và 2000. Vì xã hội công dân đã được làm sống lại, tác động tới tập quán tinh thần của người dân các nước Đông Âu đó.
Ở Đông Âu các nhà trí thức đã nêu ý tưởng phục hồi xã hội công dân từ thập niên 1980, Václav Havel là một thí dụ. Những cuộc cách mạng ở Đông Âu không phải chỉ thay đổi đảng cầm quyền (nhiều nơi đảng cộng sản đã trở lại chính quyền bằng cửa chính, qua lá phiếu, nhờ họ thích ứng với luật giao đấu trong cái sân banh mới nhanh chóng hơn các nhóm khác.) Nhưng các biến cố ở Đông Âu từ năm 1989 có tính cách mạng vì sau mấy năm đã tạo nên một kết quả, là sự tái lập của một lãnh vực sinh hoạt tư nhân rất năng động, ngoài phạm vi chính trị. Kết quả đó sẽ tồn tại bền bỉ, và có ảnh hưởng lâu dài. Việc chuyển giao quyền hành giữa các đảng, các lãnh tụ, từ đảng chống cộng sang đảng cộng sản rồi ngược lại, đã diễn ra trong trật tự, không phải chỉ vì cá nhân những người làm chính trị đã tôn trọng luật chơi hơn, nhưng vì họ không thể không tôn trọng luật chơi khi dân chúng đã trưởng thành qua các sinh hoạt của xã hội công dân."
( Trích XHCDLNTCĐDC)

nguồn
Xã hội Công dân gồm mọi sinh hoạt và tổ chức của người dân, tạo thành một lực đối trọng với quyền hành của nhà nước. Từ thời vua chúa còn cai trị, những thế lực đó đã có rồi nhưng còn yếu ớt. Trong các xã hội dân chủ tự do thì các thế lực đó mạnh hơn, trở thành nhân tố xây dựng, phát triển và bảo vệ…
W.VDLC.ORG

No comments:

Post a Comment