Monday, July 13, 2015

Tiên Du Tự

仙遊寺 



Tiên Du tự 
Đoản trạo hệ tà dương, 
Thông thông yết thượng phương. 
Vân quy Thiền sáp lãnh,
 Hoa lạc giản lưu hương. 
Nhật mộ viên thanh cấp, 
Sơn không trúc ảnh trường. 
Cá trung chân hữu ý, 
Dục ngữ hốt hoàn vương (vong).  


Cột thuyền khi chiều xuống
Vội lên lễ Phật đài
Mây ngang giường Thiền lạnh
Hoa rơi suối lưu hương
Chiều buông vượn kêu rộn
Trời núi bóng trúc dài
Cảnh này làm gợi tưởng
Muốn nói lại thôi lời

CH dịch

---

Đấy là bài thơ lên thăm chùa Tiên Du, trong Ức Trai Thi tập của Thái họcsinh/Nhập nội hành khiển Ức Trai Nguyễn Trãi.
Ngay trong ngữ âm, âm tiết, âm điệu Hán Việt của bài thơ đã có thể thấy hơi thơ ngắn, gọn, rắn ( nhưng không tới mức có thể gọi là “rắn rỏi”) nhưng vẩn ấm, hòa dịu, phảng phất ôn nhu.

Chưa cần bàn tới nét phác lớn, về tư tưởng thấp thoáng ý Thiền. Moi sách, chấm mực vẽ Hư không, chỉ làm phí, nhạt, mờ thực chất của Logos (Căn ngôn/Nguyên ngôn). Cũng chẳng cần nói chuyện chặt chẽ của việc đối thanh, đối ý, nhưng vẫn hài hòa, nhịp nhàng, uyển chuyển của âm thanh, âm điệu trong hình thức bài thơ. Mà hãy thử nhìn vào ý tứ nó.

Trên bước chân nhanh lên chùa lễ Phật, mắt thi nhân/tướng quốc thấy  mây bay ngang về phía giường thiền lạnh , cô tịch , và thấy hoa rơi mang hương xuống suối. Bên tai còn nghe tiếng vượn gọi nhau trong chiều buông,  xa xa bóng trúc trải dài bên bóng núi tại “sơn không”.

Đã qua rồi những ngày đầy việc với binh cơ, với quốc sự, hôm nay có dịp thong dong lên chùa lễ Phật và vãn cảnh. Giữa cảnh núi, cảnh chùa , bóng trúc và sơn không như thế, tâm Người “tức cảnh, tức tình” nên thành thơ như thế. Mây “vẽ” nên cảnh thong dong, tiêu tao, và tụ tán bất thường , cũng như chuyện đời chìm nổi, khi kẻ sĩ vác trên vai bao mộng lớn, vì xã tắc, vì tình nhà mười năm kháng chiến gian khổ, nhọc nhằn; khi đã đuổi được giặc, mang lại thanh bình cho Tổ quốc, mộng thành công đạt, công hầu khanh tướng nếm mùi, rồi nghi kỵ, dèm pha (có lẽ đangđến). Đổi thay, biến dịch chẳng ai lường trước được, dĩ nhiên Người đều thấy, làm sao không nhắc tâm thức đến cái vô thường, mộng ảnh, thậm chí “phù du” chốn triều trung xa mã, bổng lộc, vinh hoa. Tại sao nói thế ? Xin đọc lại :

                    “Vân quy thiền sáp lãnh”

Đó là vân “quy”, như quy hồi một “cố quận” nào của tâm thức ngày xưa những ngày đọc sách, những ngày đối mộng và thực để tìm ý nghĩa nhân sinh. Như quy kỉnh, quy y. Mà không là vân phi, vân phiêu hay phù, đều là những âm bằng có thể thay vào chỗ đúng luật, và ít nhiều cũng thích ứng.
Rồi “ hoa lạc giản lưu hương” : hoa rơi, cũng là vô thường, theo tuần tự trời đất. Thiền sư Linh Vân ngày xưa, sau bao nhiêu năm tu tập thiền, thấy hoa nở mà ngộ đạo. Tích này hẳn cụ Ức Trai biết, và tâm thức lúc đó cũng bừng một nét “thấy” qua liên tưởng. Các thiền giả Ấn thiền định trong rừng cũng có những vị thấy lá rụng hoa rơi mà tỏ ngộ. Xin nhớ : thiền học và sách Phật, cũng là những quyển “gối đầu giường" của cụ, và các nhà sư cũng là “bạn” Ức Trai tiên sinh.

             “Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa Thiền”
                (Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn)

Tiếp theo thì là tiếng vượn kêu rộn nhắc nhở chiều hôm bóng xế; cảnh quang núi rừng , bóng trúc (sơn không, trúc ảnh) lặng lẽ cô tịch ôm bóng thiền sư, ôm hơi thở hành giả, cũng như những lối về thanh tịnh, giải kết, mở rộng phương trời cuối cuộc nhân sinh, ắt hẳn cũng nhắc nhở, đánh động. gợi nhớ mạnh mẽ, để tâm hốt vút lên lời thơ ấy.

Vì thế mà “Cá trung chân hữu ý” ( Cảnh này dường gợi tưởng), nhưng“muốn nói lại thôi lời” . Sao thế ? Bất tất phải nói, phải làm bài luận 10 trang. Tâm thấy chưa đủ sao ? Vả lại, khi nói xong, viết xong thì cái thấy như uống ngụm suối ngọt đầu nguồn phải chăng chỉ còn là dư vị, chắc sẽ mang một hương vị khác.

Cảnh, tình, ý  hòa vào nhau, chạm vào tâm, tạo nên bài thơ đẹp, ý vị sâu xa, uẩn súc.

Chân Huyền
5/2015

Note:

Tôi không tin ông ĐDA và người dịch nghĩa bên dưới dịch “đúng ý”chữ “sơn không” trong bài. Đó không phải là núi quang, núi trống, mà là cảnh từng không bên trời núi. Như trong chữ thiên không, cao không, ý nói bầu trời cao. Không gian trên núi cao , gần mặt trời hơn thì bóng trúc bị rọi vào sẽ dài hơn. Từ khoảng sườn  núi ( như chùa Phật tích, đây có lẽ  đúng là Tiên Du tự mà cụ NT lên thăm, vì bài thơ còn có tên là Sơn Du tự, theo một ít người khác) ở giữa, tới đỉnh núi, hoặc ngay cả ở gần đỉnh, nhìn lên thì sẽ mô tả là “sơn không”

----
REF



Dịch nghĩa 
Mái chèo ngắn buộc trong bóng xế 
Vội vàng lên chùa lễ Phật 
Mây kéo về làm lạnh giường Thiền
Hoa rụng xuống khiến dòng suối thơm. 
Chiều hôm tiếng vượn kêu rộn 
Núi trống bóng trúc dài ra; 
Trong cảnh ấy thật có ý 
Ta muốn nói ra bỗng lại quên lời.
Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh

Bóng xế thuyền con buộc, 
Vội lên lễ Phật đài. 
Mây về giường sãi lạnh, 
Hoa rụng suối hương trôi. 
Chiều tối vượn kêu rộn, 
Núi quang trúc bóng dài. 
Ở trong dường có ý, 
Muốn nói bỗng quên rồi.

Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976

No comments:

Post a Comment