Friday, August 5, 2016

Trung Thu Thiếu Nhi Việt Nam Qua Hai Bài Hát

( Mid-autumn Festival of Viet Youth Through Two Songs)
* *
Bằng trí nhớ, rồi tìm lục lại, cảm nhận được cái trong sáng, lòng yêu mến trẻ em của hai tác giả, nên muốn gõ chữ. Và chính tuổi thơ tôi cũng đã vui chơi, ca hát vang hai ca khúc này khi Trung thu đến, vậy cũng nên viết về chúng lắm chứ. Dù tiếng đại bác, có những khi hằng đêm vang lên trong đêm tối, thì tuổi thơ Sàigòn của chúng tôi thời đó, vẫn được người lớn bảo bọc, chăm sóc cho để vẫn còn những tiếng cười, những chiếc bánh, chiếc kẹo, nhất là vào dịp Tết thiếu nhi này, những cái lồng đèn, những cái bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon, và tin tưởng một ngày mai thanh bình sẽ trở lại. Chắc chắn, dù thế nào đi nữa , tuổi thơ chúng tôi, hơn 40 năm trước vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều, so với tuổi thơ bây giờ, khi trẻ con hiện tại cũng đang phải gồng mình lên chịu đựng cùng cha mẹ các em, với biết bao khổ nhục, âu lo, với hơn 142 thứ thuế, và biết bao băng hoại xã hội, đạo đức; bao tàn phá cơ đồ, đất nước người xưa để lại. Xin cám ơn thế hệ đi trước.
Bóng trăng trắng ngà Có cây đa to Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
LT
Ai mơ, Cuội mơ, tác giả mơ ? Hay chúng ta cùng mơ theo cổ tích?
Có nhiều chuyện truyền miệng ngày xưa về Cuội. Nhưng hai cổ tích chính, đan xuyên, chồng hợp với các chuyện truyền bằng miệng trong dân gian lên nhau về chú Cuội : một là chú cuội hiền lành hay cứu người sau khi lấy được lá thần dược từ cây đa, sau khi thấy hổ mẹ cứu hổ con nhờ lá ấy, sau lấy được vợ cũng nhờ lá cây, rồi vì vợ lú lẫn quên lời dặn của Cuội, lúc mót quá đã “tè” vào gốc cây đa, nên cây đa bay đi, Cuội nắm theo, cũng bay đi và cùng đậu lại ở mặt trăng với cây. Còn theo truyện dẫn bởi ông Nguyễn Đổng Chi thì trong các chuyện Dối như Cuội, hình ảnh Cuội khá xấu xí, hay lừa dối. Trong khi đó, theo trí tưởng con nít tụi tôi hồi đó thì chú Cuội chỉ là người làm mình vui nhộn, hay kể chuyện xạo tếu cho tụi tôi nghe mà khoái; có nói dối, nhưng là các kiểu nói dối vô hại như con nít có khi cũng nói dối, hay sai sự thật phần nào, ví dụ như để trả lời các câu: Con làm bài xong chưa ?, Con ngủ trưa chưa?, Con đi chơi về lúc mấy giờ ? v.v.
Chúng ta cùng Cuội chắc cũng đều mơ, mỗi người mơ một cách. Tác giả bài hát và nhiều người chắc cũng mơ ngày nào được lên thăm Hằng nga và chú cuội. Khi một hình ảnh đẹp trong truyện, trong văn học; đẹp như vầng trăng ảo huyền sầu mộng một đêm, hay trong vắt ngày trăng tròn đã được thi vị hóa, được làm biểu tượng cho một giai nhân; hay nơi miền đất đó có chứa, giữ một giai nhân, thì hình ảnh đó có thể, qua nhiều năm tháng trở thành một “sự thật” của mộng, của ao ước trong mộng. Cái đó gọi là “huyễn sinh mộng”. Còn Cuội thì chắc mơ được về lại với vợ ( cf: vì, theo truyện, vợ Cuội khá đẹp) vì nhớ.
Còn con nít tụi tôi , sau khi nghe người lớn kể, “thêu dệt” về Cuội , thì cũng có khi muốn lên thăm ảnh, coi ảnh buồn hay vui, có nhớ vợ quá không, có bánh trung thu ăn không. Và nếu có được cái máy bay tài thần, cốt thánh nào bay đưa tới được cung trăng để thăm chú Cuội với chị Hằng thì cũng là một cuộc viễn du rất hào hứng, kỳ lạ.
Nhưng bác Lê Thương (LT) chỉ cho chúng tôi mượn cái thang ! :-)
Rồi cười dí dỏm và “tinh quái”. Bác biết tõng tụi tôi bấy giờ cũng “tinh quái” không thua bác mấy, và cũng đã hiểu chút chút khoa học là gì, và chắc cũng đã được người lớn mách cho là đường qua bóng nguyệt trăng rằm, ngút xa vạn dặm, tần ngần lòng ai, chứ không thể xài thang được. Chỉ mấy bé tí nị, còn “ngốc nghếch” cỡ 5 tới 8 tuổi thì mới còn “tin” lời đề nghị của bác LT thôi.
Các em thích cười Muốn lên cung trăng Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Nhưng sau cái ý mượn thang, là một sự “trẻ thơ”, trong sáng, dễ thương lạ lùng của một tâm hồn vào khoảng 40. Có thể đó là bước chân của một Lão Ngoan Đồng trẻ, một ngày Trung thu trở về khu vườn kỳ ức thăm lại, và “thấy lại mình” năm xưa , những năm 6, 7, 8 tuổi ; được ăn bánh, được cha mẹ dẫn đi rước đèn quanh phố phường đón ánh trăng thu, và bắt gặp lại tiếng dế, những con dế của tuổi thơ. Có những con— trong những chặng đường phiêu lưu riêng trong giòng đời vô thường, bất định— lạc bước giang hồ, để thay vì được đàn ca, múa hát ở hang nhà, cùng chúng bạn, thì lạc bước chốn đất khách; phải làm thân nghệ sĩ còm, ốm yếu, lang thang, mang tiếng hát, tiếng đàn giúp người mua vui hằng đêm, hằng đêm mà vẩn đói khổ triền miên
Các con dế mèn Suốt trong đêm khuya Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ
Và đó cũng là thân phận của biết bao nghệ sĩ mà cả đời các dịp may cứ vuột mãi tầm tay để có thể có một đời sống khá hơn
Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui
Và khi ánh đèn tắt lặng lẽ trong đêm
Vì thưong, tội nghiệp dế nghèo, dế khổ, và dù sao dế cũng mang tiếng hát cho đời, mà nghèo xác xơ, nên Trời nhờ sao gởi đến những giọt sáng, điểm sáng của ngàn muôn sao. Cộng với ánh trăng rằm để hi vọng sưởi ấm lòng dế và mang lại ánh sáng hi vọng cho một ngày mai yên ấm hơn, được hút sương, ăn cỏ, hay may mắn hơn có thể được một cậu chủ nhỏ nuôi— không phải đi đá nhiều, mà được ăn giá, ăn rau muống v.v.
Sáng rơi xuống đồi Sáng leo lên cây Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây Cùng trông ánh sáng cười vui Chị em ta hãy đùa chơi Sáng rơi xuống đồi Sáng leo lên cây Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây
Rồi trong tưởng tượng phong phú, lạ lẫm của nhạc sĩ, trong đêm đầy trăng sao đó, LT thấy Sáng trong toàn nhiên phơi mở, trải rộng trên khắp mình đồi nương; các phần khác của Sáng thì phân ra khắp nơi, có chỗ thì leo cây, chỗ khác thì như bướm đêm chẳng hạn, chỗ thì như chênh chao với suối. Ta cũng nên để ý cách tác giả nói về “Sáng”. Hẳn nhiên đó, trong một ngữ nghĩa thì là ánh sáng, hay các phần của ánh sáng, nhưng LT bỏ lửng, không viết (hẳn) ra là ánh sáng. Có hai tác dụng cho việc bỏ lửng này :
a) Để dễ nhân cách hóa ánh sáng, các vệt sáng
b) Bỏ lửng như thế, ánh sáng sẽ chuyển thể, từ một thứ mông lung, bao quát được hóa thành một thứ riêng biệt hơn, đặc tính có thể được giới hạn lại và dễ nhận diện hơn, từ đó tác dụng nhân cách hóa dễ được hình thành. Có thể nghĩ theo tiếng Anh như chuyển từ “ Light in that Autumn night was so bright and ubiquitous” sang “Moonlight that night was shiningly bedazzling, parts of it played around, climbing the trees.”
Đó là cách sử dụng chữ ý nhị và linh động của Lê Thương, vốn cũng là một thầy giáo.
Sáng rơi xuống đồi Sáng leo lên cây Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây
Còn đoạn này, không hẳn có liên hệ “mật thiết” lắm với bài hát. Đó là chuyện của gió trăng. Bác LT chắc “đãi” người lớn vui Trung thu đoạn này. Và rất khéo léo, “vén mây tả trăng”: Lặng nghe trăng gió bảo nhau.
Lặng nghe trăng gió bảo nhau: ”Chị kia quê quán ở đâu” Gió không có nhà Gió bay muôn phương Biền biệt chẳng ngừng Trên trời nước ta
Ngoài chuyện của gió và trăng, chừng như trong lòng ông sự quyến luyến quê hương lúc nào cũng “quanh đây”. Phải không hải nội, hải ngoại chư quân tử, phu nhân, tiểu thơ ? :-)
Như thế ta có thể thấy, LT đã trở về với những đêm trăng thơ ấu, vui tươi thơ ngây rất mực của mình. Quá khứ trở về với ông chừng tựa như dưới một mặt nước im lặng, đủ để ông soi tỏ được một số nét quá khứ và cất nên lời. Tuổi thơ nhập trở lại cất tiếng, và hát: trong xanh , trong veo, thật vui tươi. Đó là hiện thể rất trong của một phần quá khứ thân yêu. Đó là quá khứ trong hiện tại. Không phải là một quá khứ tuyệt tăm phi tích, biệt mù, mà là một quá khứ, theo xúc cảm , theo ngòi bút “giao duyên” trở lại với hiện tại và làm nên một phần hiện tại. Đâu đó Bồ tát Long Thọ có nói gần gần như thế, và triết gia E. Husserl cũng nói tới sự trùng hiện, lấp lên nhau (overlapping) của thời gian.
Bài hát thứ hai tôi muốn đề cập là bài “Đàn Chim Nhỏ” của Phạm Duy (PD)
Đây là ba, bốn đoạn tôi còn nhớ ít nhiều, và không phải tìm lục.
Thằng Cuội yêu chị Hằng Nga Nói dối ông bà lên sống mặt trăng Ố tang tình tang! Ố tang tình tình! Kể từ khi Cuội ra đi, Làng xóm không ngờ cũng nhớ Cuội ghê!
Yêu lắm cơ, cái “Ố tang tình tang! Ố tang tình tình! “ này. Đoạn mở đầu này là đoạn tôi nhớ nhất. Theo tích hợp, tưởng tượng và sáng chế của bác PD về cốt chuyện của nhân vật Cuội:
Cuội yêu chị Hằng Nga. Không biết làm sao để gần chị Hằng, nên Cuội nói dối ông bà, đại khái như muốn làm người đầu tiên lên thám hiểm cung trăng ( như người Mỹ vậy), rồi sẽ về thông báo cho mọi người xem trên đó có sống được không, và rồi lên mặt trăng ở. Rồi say mê hay quyến luyến với Hằng nga quá , nên ở lỳ luôn, cỡ chục nghìn năm rồi, quên xuống trần gian trở lại thông báo. Nhưng điều rất dễ thương là : vì với tâm thức PD, cũng như của nhiều người, nhiều em bé, Cuội là người dễ mến, rất tốt, cứu được nhiều người, Cuội chỉ có cái tội hay nói dối vô hại, điều vốn là chuyện thêu dệt, truyền tải trong dân gian từ truyện thứ hai như đã nói trên, và biến hóa theo thời gian. Vì vậy nên PD mới nên câu :
Kể từ khi Cuội ra đi, Làng xóm không ngờ cũng nhớ Cuội ghê!
Đấy là cái tình của chòm xóm, láng giềng, người thân. Của tình bạn. Cuội từ năm lên 6, lên 7, lên 8, hay 9 đã mấy năm rồi cũng đã là bạn của tâm hồn thiếu nhi.
Đoạn sau đây thì lúc nhỏ chỉ nhớ mài mại về đàn chim nhỏ, và lời hỏi của các em nhỏ : Chú Cuội đâu vắng, cô Hằng đâu xa
Một trời Nam tròn trăng Thu Em bé ra chờ không thấy Cuội đâu ? Ố tang tình tang! Ố tang tình tình! Một đàn chim nhỏ bay đêm Bay mấy năm liền mới tới trần gian Ố tang tình tang! Ố tang tình tình! Bầy trẻ thăm hỏi: Cung trăng Chú Cuội đâu vắng? Cô Hằng đâu xa? Ố tang tình tang! Ố tang tình tình! Tức là chúng tôi, tuy vắt mũi chưa sạch lắm, nhưng cũng thắc mắc chuyện anh Cuội, chú Cuội lắm chứ, cũng có những câu hỏi muốn được nghe trả lời lắm chứ. Hình tượng của Cuội mãi ở trên Mặt trăng mỗi đêm trăng tròn, sao mãi chẳng bao giờ thành một sự thật để chúng tôi có thể sờ nắm, hầu giải tỏa nhiều thắc mắc. Cũng tợ như chưa bao giờ thấy ông già Noel thật sự vậy. Từ trong cổ tích, chưa bao giờ thấy anh Cuội bước ra lần nào !
Vì vậy nên , theo ông PD, bắt buộc chúng tôi phải hỏi đàn chim :
Động lòng thương trẻ bơ vơ Bầy chim nhỏ bé bay vô trả lời Ố tang tình tang! Ố tang tình tình! Từ ngày có vệ tinh bay Bay suốt ba ngày lên tới mặt trăng Ố tang tình tang! Ố tang tình tình! Cuội đành đem Chị Hằng Nga Tìm xứ xây nhà không biết ở đâu? Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!
Và bác nhạc sĩ thay lời đàn chim trả lời cho chúng tôi như thế. Thật là …hiện đại, vì là sau 1969.
Là thôi, thế nhé mộng tình
Hằng nga tiên tử mất hình hài xưa
Các khoa học gia “ác” thật. Bắt chúng tôi đem bóng hình Hằng nga yêu mến đem chôn vào quá khứ. Nhất là đối với các thi sĩ thuộc trường phái “ôm trăng” của Lý Bạch, thì sự vỡ mộng này rất bàng hoàng. Mà thật, có một giai đoạn tuổi hai mươi, có khi tôi đã thấy tiếc. Rằng nếu các kh/học gia, phi hành gia không làm chuyện khám phá ấy, thì cõi mộng của chúng tôi vẫn còn huyền ảo, lung linh thơ mộng lắm.
Ông PD thì nghĩ ra “kế” chỉ cho các bé như trên.
Tóm lại, ý tứ và âm điệu thì cả hai bài nhạc đều rất tuyệt, dí dỏm, vui tươi, sáng tạo, và trong veo. Cả cho người lớn.
Trở về với quá khứ như thế cũng tạm đủ, để có thể đêm nay, đêm mai, đêm mốt, bạn và chúng tôi có thể vừa ăn bánh, vừa ngắm trăng, nghe nhạc, hồi tưởng lại một thuở ấu thơ nơi miền Nam tự do— dù sao cũng đủ hạnh phúc.
Note : Trước khi tìm lục để biết hay nhớ lại nguyên bài, tôi không biết hai bài nhạc đó là của hai đại thụ của âm nhạc cận hiện đại VN là Lê Thương và Phạm Duy. Thảo nào.
----
REF

No comments:

Post a Comment