Saturday, November 29, 2014

Chữ Nghĩa Tố Như Qua Một Câu Thơ

Mùa Thu. Lá phong. Đấy là những thứ thường gây cảm xúc nhiều cho mọi người. Trong con mắt thơ mộng hay sầu mộng của riêng mỗi người, vào mùa này, cảnh trí thường gieo trong lòng họ những gợi nhớ, bâng khuâng, lay động; chẳng nhất thiết phải liên quan tới Tình yêu, nhưng hình như không ít. Hỏi ông Lưu Trọng Lư, chắc ông ấy sẽ trả lời như thế. Với tôi, mùa thu hay nhắc nhở câu này của Tố Như, mà tôi tuyệt thích :


                          (Người lên ngựa, kẻ chia bào)
                           Rừng phong Thu đã nhuộm màu quan san.

Câu này viết theo văn phạm Âu-Mỹ, và cả của Việt nam thì như sau:

Mùa Thu nhuộm màu quan san bằng (lá)  rừng phong.

Tức là nói theo cách cấu tạo câu bình thường, với vị trí của chủ từ, động từ, túc từ ngăn nắp đâu vào đấy, đúng thứ tự. Cái đáng nói, nếu đứng về mặt văn phạm, cụ Tố Như đã đảo một túc từ gián tiếp ( rừng phong) lên đầu, và làm nó “reo lên trước”, chạm vào mắt , vào tai trước. Chẳng có sách văn phạm nào dạy cụ điều đó, ngoài kinh nghiệm với văn chương Việt, Hán. Cái hay là làm cho nó linh động hơn nhiều, nếu như cứ để sau như cách nói bình thường,   như đem cả rừng màu lá phong trải đặt nơi chốn quan san cho mắt chạm Thu, mở ra một màu Thu, một cõi Thu mênh mông. Nghĩa đầu ta có thể thấy rõ là ý nói : Màu lá rừng phong đã nhuộm quan san bằng một cõi vàng ươm, cam rực pha chút xanh tươi , cộng nâu, đỏ. Nhưng còn nghĩa hai, mơ hồ, mơ màng hơn chút ?
Hãy đọc lại cụm từ “ Thu đã nhuộm màu quan san” : Phải chăng, ấy là vẽ ra sự thể Thu đang mang dáng vẻ của một mùa Thu chốn quan san xa xôi, cách trở, sầu mộng. Viễn mơ, viễn mộng và nhớ nhung, cứ ôm nhau cào nhẹ lên tim khi hoàng hôn rủ xuống ?        

                         
                             Trời viễn mộng đoạ đày đi mấy thuở (*)
                             Nẻo quan san nhòa nhạt bóng người qua  
   

Xác suất của khả hữu của ý, tứ thơ này rất cao, trong “cõi” gieo chữ và tình của cụ Tố Như lắm chứ, phải không ? Nó “vẽ ”, tả, nói lên cái màu bàng bạc của mùa , xám xám của núi quan san, màu xanh đã nhạt của trời bên trên, cùng màu gió bụi. Và như thế, rừng phong bây giờ lại ở vị thế mờ nhạt hơn , so với màu thu, cảnh thu trong man mác chia ly: chàng ra đi về chốn quan san, thiếp ở lại trong nhớ nhung, sầu muộn. Cái tuyệt của nghĩa đầu là cái tuyệt của một tài năng thơ, khi nắm bắt được cái mỹ lệ của Thìên nhiên, cái rung động với không gian, thời gian, màu sắc mà đảo chữ lên đầu câu, như một cách “nhấn”, cách “lay”. Cái tuyệt trong nghĩa thứ hai lại là khêu gợi lên khả hữu một bức tranh sầu mộng bên chia ly nhung nhớ, mặt khác còn là khơi lên những liên tưởng, nghĩ suy, tra vấn về giao thoa của Thân-Tâm, cảnh trí và chữ nghĩa, cũng như những “khả năng” của ngôn ngữ Thơ.

Tới một lúc nào đó, trong việc sử dụng ngôn ngữ, một nhà thơ tài năng sẽ phải đụng đầu với một số vấn đề ngôn ngữ, và sẽ phải vượt qua một số quy phạm, và sáng tạo ra “thứ ngôn ngữ” mà mình muốn nói, muốn diễn đạt cho phù hợp, “chính xác”, “thuận hành” với điều mình muốn nói. “Thế gian ngôn ngữ nguyên phi chân”, do đó, để muốn nói lên điều mình muốn nói, nhà tư tưởng hay nhà thơ lắm khi phải dọ thám, bước chân đến những khu rừng,   bờ suối hay cõi bờ riêng để tìm tòi, thu nhặt “gỗ”, “nước” các loại, hoặc kinh nghiệm “vượt bờ”, để mở rộng khung trời cho con chim “ngứa cổ” thoát cánh. Và hót.

 Tâm Nguyên



(*) Câu đầu mượn của Thầy Tuệ Sỹ

No comments:

Post a Comment