Monday, November 3, 2014

Đọc Kinh

Mời đọc tác phẩm “Đọc Kinh” (thư viện Hoa Sen thêm vào chữ Bất Khả Thuyết ) của nhà văn-giáo sư Vũ Khắc Khoan, cố Gs Đại học Văn khoa, Th Chu Văn An, Sàigòn. Mời vào cõi văn trầm mặc của ông; nơi đây có thể thấy những phiến mây bàng bạc, đang lững thững trôi về “Không xứ VKK”


“Nén nhang đốt lên, khói nhang vẫn vươn cao và thẳng tắp. Như mây mùa thu, vẫn tuyệt mù. Như đã thuộc nằm lòng con đường trở về nơi đó, nơi mà Kinh và Kệ từ xưa vẫn hằng hướng tới. Nơi đó, tắt lời. “

“ ... Lửa sẽ biến thái tuy vẫn tồn tại haycũng như khói và mây, lửa sẽ trở về, sẽ đi vào lòng Cái đó, tuyệt mù?
Cái đó, cái mà cho đến hôm nay, chưa một vị thiện tri thức, chưa một vị Bồ Tát nào mô tả được hình tướng, xác định được thể chất, cái đó có thể giản dị như mưa và nắng hiện hữu rất tự nhiên – mặt trời lại mọc lúc đêm tàn –nhưng cũng lại có thể vô cùng phức tạp, ẩn hiện vô lượng, với vô lượng danh hiệu, mỗi danh hiệu là một khía cạnh đặc thù. Chân Tâm, Diệu Tâm, Minh Tâm, Bồ Đề Tâm…” *
                                                                   ( Đọc Kinh)

                                                                       ***


Tuyết rơi từ vào khuya, mặt trời vừa mọc, tuyết đã ngập trắng vườn sau. Tôi đẩy thêm một khúc củi vào lò. Nhìn lửa bốc ngọn, nhớ lại mấy vần thơ cũ đã quên mất cả nguyên văn:

Chàng như mây mùa thu
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác
Một thả cũng tuyệt mù
Đọc lại bài thơ rất nhỏ, từng chữ, từng vần. Rất nhỏ, đủ để một mình mình nghe. Cho đến khi lời thơ tan rã, ý thơ nhạt nhòa,cho đến khi trong tôi, về bài thơ, rớt lại chỉ còn một chút buâng khuâng không tên thì tôi lặng thinh đi vào cái buâng khuâng đó. Quanh một chữ. Tuyệt mù. Nghĩ đến một cánh chim thoáng trên mặt nước. Bóng chim, nước không lưu giữ. Chim đâu lưu giữ lại đường bay? Khói mây tan tác. Âm thanh, màu sắc cũng vậy. Cũng vậy, thiếp và chàng. Tất cả, một thả cũng tuyệt mù. Kể cả chữ và lời. Kinh và kệ.
Tôi hiểu tại sao những người lớn của nhân loại từ cổ thảy đều chỉ muốn nín thinh. Khổng Khưu, Lão Đam và Thích Ca Mâu Ni. Trời không nói, ta đâu muốn nói? Ta đâu có thuyết lời nào? Cái ta muốn nói, cái đó đâu có thể nói được? Cái đó, bất khả thuyết, bất khả tư nghị. Bất khả đạo.

Nói ra là bị kẹt.

Nhưng rồi Khổng Khưu vẫn nói, cả đời. Lão Đam thì nói đến 5.000 chữ Đạo Đức Kinh và Thích Ca Mâu Ni trong suốt 49 năm hoằng pháp, nguyên lời Đại Bát Nhã, đã nói ròng rã tới 22 năm.

Không nói cũng không xong. Nói ra là bị kẹt. Không nói cũng không xong
Hai câu đầu một bài kệ của một Thiền sư Việt Nam sống giữa thế kỷ thứ 17, thiền sư Chân Nguyên. Hai câu kệ, một thế đứng chênh vênh giữa hai ngã hữu vô. Nói hay không nói? Chung cuộc, bài kệ đành phải chấm dứt bằngmột nét chấm phá lửng lơ:

Vì anh đưa một nét
Đầu núi ánh dương hồng



--------------

* Chỉ như một góp ý với người bên kia, và người bên này, những ai quan tâm muốn hiểu

Thưa bác, nếu dùng hình tướng hay thể tánh để tra vấn Cái Tuyệt mù đó , thì không bao giờ “thấy được”. Nó vượt thoát tất cả những cố gắng nắm bắt và định hình, định danh. Thỉnh thoảng, muốn thấy mấy bóng ảnh hay màu da của nó trong một thời khắc, ví dụ 10-15 phút, thì phải ngồi thiền quán sát nó, và phải chụp được như máy ảnh mỗi sát na về nó để cảm nhận. Nếu từ đó khởi đi ý muốn định hình, định tướng nó, có thể sâu một chuyền ký ức về nó để tạm gọi là làm “âm bản” về nó. Thế nhưng khi dương bản in ra , thì không thấy gì hết, ngoại trừ mấy nét mờ nhạt, phôi pha.


http://thuvienhoasen.org/a9414/doc-kinh-bat-kha-thuyet



No comments:

Post a Comment